Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nông sản Việt quay đầu: Doanh nghiệp sẵn sàng tiêu thụ nội địa

Nhiều nhà bán lẻ và chế biến thực phẩm trong nước lên tiếng sẵn sàng tiêu thụ một phần trong số hàng trăm ngàn tấn trái cây tươi phải quay đầu về từ biên giới do phía Trung Quốc thắt chặt giao dịch ở các cửa khẩu. Đây là giải pháp nhiều nhà bán lẻ, chế biến thực phẩm trong nước đưa ra tại Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 18 với chủ đề "Kết nối sản xuất, chế biến và thúc đẩy thị trường nội địa". Diễn đàn do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chủ trì vào ngày 31/12/2021.

Nông sản Việt quay đầu: Doanh nghiệp sẵn sàng tiêu thụ nội địa

Hàng trăm ngàn tấn trái cây nguy cơ bị đổ bỏ

Mặc dù có những tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021 nhưng ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến xuất nhập khẩu nông sản vẫn không nhỏ. Với chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc, việc thông quan đang bị ảnh hưởng, khiến hàng ngàn xe container hàng hóa bị ùn tắc tại khu vực biên giới phía Bắc. Hiện nay, các mặt hàng nông sản đang ùn tắc nhiều là thanh long, mít ở Lạng Sơn và thủy sản ở Quảng Ninh.

Trao đổi tại diễn đàn, bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, cảnh báo việc xuất khẩu nông sản còn gặp nhiều khó khăn hơn trong thời gian tới, do Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu hàng container lạnh trong 28 ngày của dịp Tết Nhâm Dần, 14 ngày trước và 14 ngày sau Tết.

Để nâng cao năng lực thông quan, bà Thu kiến nghị các đơn vị cấp trên cần tổ chức thêm các cuộc hội đàm cấp cao để thông quan nốt 2.900 xe đang còn ùn tắc trước Tết nguyên đán. Ngoài ra, bà Đinh Thị Thu cũng đề xuất đàm phán với Trung Quốc để tăng thời gian làm việc tại các cửa khẩu vẫn còn hoạt động, từ 4 giờ, 8 giờ lên 12 giờ mỗi ngày.

Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Cửa khẩu Móng Cái cho biết, từ 21/12/2021, thủ tục thông quan qua cửa khẩu Đông Hưng bị tạm ngưng. Điều này dẫn tới việc hàng hóa nông sản bị ùn ứ tại Cầu Bắc Luân II và Lối mở Km 3+4 phường Hải Yên. Ông Dương đề nghị các đơn vị kinh doanh kho bãi tạo điều kiện, chia sẻ với khó khăn của những xe chở nông sản lên cửa khẩu, giúp giảm chi phí.

Theo ông Phan Văn Tuấn, phó giám đốc Sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận, chưa kể 400 - 500 xe thanh long bị ùn ứ cả tháng nay chưa tiêu thụ được, từ nay đến tháng 2/2022, Bình Thuận dự kiến sẽ thu hoạch khoảng 120.000 tấn. Trong khi đó, chỉ có 111 cơ sở thu mua, trữ lượng tổng kho lạnh là 16.000 tấn.

"Nếu đưa thanh long vào chế biến, các doanh nghiệp không làm được, còn trữ lượng kho lạnh chưa bằng số lẻ của sản lượng thu hoạch", ông Tuấn lo lắng.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An, cho biết trong ngày 27 và 28/12, các thương lái đã kéo đến yêu cầu các kho phải bồi thường cho lượng thanh long đã được thu mua của người dân, do các kho thanh long trên địa bàn tạm dừng thu nhận hàng ngay sau khi Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long.

Cũng theo bà Khanh, Long An có khoảng 10.000ha thanh long với hơn 20.000 tấn. Trong khi đó, địa phương chỉ có khoảng 100 kho đông lạnh với công suất khoảng 5.400 tấn, nhưng lượng hàng tồn gần 3.000 tấn, chỉ còn sức chứa 2.400 tấn. "Đề xuất Chính phủ có gói hỗ trợ doanh nghiệp bảo quản lạnh và hỗ trợ người dân. Cần có sự kết nối với những tỉnh để hỗ trợ tiêu thụ thanh long tại thị trường nội địa", bà Khanh đề xuất.

Về tình hình trên, nhiều nhà bán lẻ lớn cho biết sẵn sàng hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Doanh nghiệp vào cuộc giải cứu

Thông tin tại diễn đàn, ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG cho biết, đơn vị sẽ triển khai bán hàng không lợi nhuận nhằm giúp nông sản gặp khó trong xuất khẩu như trái cây, hải sản trên hệ thống siêu thị BRGMart. Ngoài việc đưa nông sản đến hệ thống siêu thị ở 7 tỉnh thành,  Hệ thống này BRG Retail sẽ chuẩn bị hệ thống kho lạnh để tích trữ phục vụ dịp Tết nguyên đán, đồng thời đẩy mạnh bán hàng trên kênh online.

Theo ông Dũng, có thể do thói quen kinh doanh nên đa số nông sản phía Nam thường hướng đến xuất khẩu, chưa quan tâm đến thị trường nội địa. Do đó, chúng ta cần có công tác định hướng phù hợp để cân đối thị trường xuất khẩu và nội địa để tránh được rủi ro trong xuất khẩu. Khi song hành trong thị trường xuất khẩu và nội địa, chúng ta sẽ phát triển ổn định và bền vững.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cũng cho biết, hiện công ty đang tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm nông sản bị ách tắc tại biên giới, đặc biệt là sản phẩm xoài.

"Nếu các đơn vị có sản phẩm xoài, dứa, chanh dây hay chuối gặp khó khăn trên cửa khẩu, Công ty sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ", ông Khuê cho hay.

Theo bà Nguyễn Phương Hồng, Giám đốc kế hoạch chuỗi cung ứng Tập đoàn Nafoods Group, với tổng công suất thiết kế của các nhà máy chế biến lên tới 100.000 tấn/năm, tương đương 300.000 tấn nguyên liệu/năm, doanh nghiệp này sẽ tham gia hỗ trợ tiêu thụ chanh dây và thanh long. "Với các sản phẩm tại cửa khẩu phía Bắc, có thể chuyển về nhà máy ở Nghệ An, còn phía Nam sẽ đưa về nhà máy tại Long An", bà Hồng thông tin.

Trong khi đó,  đại diện Central Retail ông Paul Lê cho rằng, trước tiên cần phân loại các sản phẩm đang bị ùn tắc tại cửa khẩu cũng như nhà vườn, và Central Retail sẽ hỗ trợ tiêu thụ các nông sản đạt chuẩn, trong đó tập trung vào thanh long, dưa hấu để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng mùa tết.

Bên cạnh đó, ông Paul Lê khẳng định có thể hỗ trợ các nông sản đạt chuẩn của Việt Nam đến với hệ thống bán lẻ nước ngoài, không chỉ dừng lại ở Thái Lan mà còn ở thị trường phương Tây như Pháp, Đức, Mỹ… vốn rất yêu thích nông sản nhiệt đới.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam bày tỏ niềm vui mừng khi thấy nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chế biến, thu mua xe nông sản quay đầu về từ biên giới. “Qua đây, chúng ta cần nhìn nhận rõ vấn đề là tiềm năng của thị trường nội địa rất lớn. Chúng ta cần tích cực thay đổi tư duy, Chính phủ cũng đã có chủ trương đa thị trường, đa lợi ích”, Thứ trưởng nhận định.

Ông Nam cũng khuyến cáo, dù thị trường Trung Quốc có giá tốt hơn, nhưng với tình hình thực tế hiện tại, các doanh nghiệp cần tích cực thay đổi tư duy. Các đơn vị xuất khẩu cần lưu ý thông tin cửa khẩu và quan tâm hơn đến vấn đề tiêu thụ nội địa vì sắp bước vào kỳ nghỉ Tết kéo dài.

Thứ trưởng cũng lưu ý, các doanh nghiệp, hiệp hội xuất khẩu cần tìm hiểu, đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu đi các thị trường khác. Đồng thời đề nghị các đơn vị chế biến trong nước nối thông tin với các vùng nguyên liệu để hỗ trợ tiêu thụ trong giai đoạn khó khăn hiện nay.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết