Năm 2023 chứng kiến gần 5.000 doanh nghiệp bất động sản giải thể và ngừng kinh doanh
Trong khi số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới chỉ có 4.725 doanh nghiệp thì có đến 4.991 doanh nghiệp phải tuyên bố giải thể, ngừng hoạt động kinh doanh trong năm 2023.
Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có Thông cáo 04/TC-BXD về việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý IV năm 2023 và cả năm 2023.
Báo cáo về hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới chỉ có 4.725 doanh nghiệp, giảm 45,01% so với năm 2022.
Số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 1.286 doanh nghiệp (tăng 7,7%) và 3.705 doanh nghiệp (tăng 47,4%) so với năm trước (số liệu tổng hợp từ Cục Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Ngoài ra, thị trường còn diễn ra tình trạng cắt giảm nhân sự tại các doanh nghiệp bất động sản, không chỉ đối với các doanh nghiệp nhỏ mà cả các doanh nghiệp bất động sản lớn trên thị trường.
Như tại CTCP Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG), tính đến ngày 30/9/2023, số lượng nhân viên là hơn 2.480 người, giảm gần 1.300 nhân sự so với thời điểm đầu năm. CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (mã DXS) còn 2.249 nhân viên, giảm 1.091 người. Một số doanh nghiệp khác như Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã PDR) giảm hơn 100 người, còn 254 nhân sự; CTCP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền (mã KDH) giảm 36 nhân sự, còn 306 nhân viên...
Bộ Xây dựng cho rằng, mặc dù Chính phủ đã có các biện pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy thị trường như nghiên cứu, sửa đổi bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, xây dựng, quy hoạch, nhà ở, kinh doanh bất động sản cùng với đó là các chính sách giảm lãi suất tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản tiếp cận nguồn vốn, nhưng thực tế vẫn chưa giải quyết triệt để, mà chỉ giúp doanh nghiệp "cầm cự".
Bộ cũng đã chỉ ra 3 khó khăn và thách thức chính mà các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động đang gặp phải trong suốt thời gian qua.
Thứ nhất là khó khăn, vướng mắc về pháp lý dự án, cụ thể như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc; quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên;...
Thứ hai là cơ chế phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ cũng đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho dự án bất động sản, cụ thể như: trong công tác giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn với người dân; công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, thực hiện các hồ sơ, thủ tục của dự án; …
Thứ ba là khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và huy động vốn khác, dẫn đến thiếu vốn để thực hiện dự án (phải giãn tiến độ, dừng triển khai). Khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023…
Lê Na