Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ghế “nóng” doanh nghiệp niêm yết đổi chủ mùa đại hội cổ đông

Mùa đại hội cổ đông thường niên năm 2025 đang chứng kiến làn sóng thay đổi nhân sự cấp cao tại nhiều doanh nghiệp niêm yết, trải dài từ lĩnh vực tài chính – ngân hàng đến sản xuất công nghiệp và dịch vụ hàng không.

Nhiều doanh nghiệp niêm yết ghi nhận thay đổi nhân sự cấp cao trong mùa đại hội cổ đông 2025. Ảnh: Đ.H

Những diễn biến này không chỉ là câu chuyện nhân sự đơn thuần, mà còn phản ánh kỳ vọng đổi mới chiến lược, tái cấu trúc quản trị nhằm đưa doanh nghiệp niêm yết thích ứng với bối cảnh thị trường ngày càng phức tạp và cạnh tranh khốc liệt.

Gọi tên người mới

Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội - MIC (mã chứng khoán MIG) vừa công bố thông tin về việc ông Trần Minh Đạt được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị cho phần còn lại của nhiệm kỳ 2022–2026. Ông Đạt hiện là Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank), có nền tảng học vấn vững chắc với bằng Cử nhân Kinh tế tại Học viện Ngân hàng và Thạc sĩ Tài chính tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Trong đại hội cổ đông thường niên ngày 31/3/2025, ông Đạt nhận được tỷ lệ phiếu bầu cao nhất trong số ba thành viên được bầu bổ sung, bên cạnh bà Vũ Thái Huyền và ông Chu Hải Công – cho thấy sự tín nhiệm rõ rệt từ phía cổ đông.

Ở lĩnh vực ngân hàng, Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank, mã VAB) cũng vừa quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Trọng giữ chức Tổng Giám đốc từ ngày 17/4 với nhiệm kỳ 5 năm. Ông Trọng sinh năm 1970, là Thạc sĩ Kinh tế, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý cấp cao tại các tổ chức tài chính và tập đoàn lớn trong nước. Động thái thay đổi CEO được giới phân tích đánh giá là một phần trong lộ trình tái cấu trúc hoạt động của VietABank nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và quản trị rủi ro.

Không chỉ dừng lại ở khối tài chính, doanh nghiệp niêm yết của lĩnh vực hàng không cũng ghi nhận thay đổi nhân sự cấp cao tại Hãng hàng không Vietravel (Vietravel Airlines). Từ ngày 31/3/2025, ông Nguyễn Đức Anh được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Ban Kỹ thuật. Ông Đức Anh là Thạc sĩ chuyên ngành Hàng không Vũ trụ, tốt nghiệp từ chương trình liên kết giữa Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh và Đại học Ecole Nationale Supérieure (Pháp), với hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành và từng giữ nhiều vị trí kỹ thuật chủ chốt tại các hãng bay lớn. Tại Vietravel Airlines, ông Đức Anh đã đồng hành từ những ngày đầu thành lập, góp phần đặt nền móng kỹ thuật cho hãng.

Trong ngành sản xuất công nghiệp, Công ty Cổ phần Kim khí TP Hồ Chí Minh (HMC) chính thức bầu ông Phạm Công Thảo giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2024–2029. Ông Thảo thay thế ông Võ Trí Nghĩa – người đã đệ đơn từ nhiệm vào ngày 3/4/2025 theo quyết định điều động từ cấp quản lý cao hơn. Việc thay đổi lãnh đạo tại HMC diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này đang triển khai chiến lược tái cấu trúc danh mục sản phẩm và mở rộng thị trường trong nước.

Cũng trong tháng 3, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) có sự điều chuyển nhân sự đáng chú ý, khi ông Lưu Bách Đạt được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc. Người tiền nhiệm – ông Đào Hữu Duy Anh – được chuyển sang đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị cho nhiệm kỳ 2024–2029. Đây là bước điều chỉnh nhân sự mang tính chiến lược của doanh nghiệp niêm yết này, nhằm phân tách rõ vai trò điều hành và hoạch định chính sách trong bối cảnh DGC tiếp tục mở rộng đầu tư vào lĩnh vực hóa chất công nghiệp chuyên sâu.

Trước đó, vào giữa tháng 2, Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, mã NSC) đã bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Trà My làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật. Việc bà Trà My – người có nhiều kinh nghiệm trong điều hành doanh nghiệp nông nghiệp được trao vị trí cao nhất trong bộ máy lãnh đạo, thể hiện định hướng củng cố nội lực và thúc đẩy đổi mới công nghệ giống cây trồng của Vinaseed.

Khi người cũ lặng lẽ rời đi

Trong khi nhiều "ghế nóng" tại các doanh nghiệp niêm yết nhanh chóng có chủ mới, thì không ít lãnh đạo kỳ cựu lại âm thầm rút lui. Những lá đơn từ nhiệm dồn dập xuất hiện ngay trước thềm mùa đại hội cổ đông thường niên năm 2025, phản ánh rõ nét quá trình chuyển giao thượng tầng đang diễn ra mạnh mẽ trong khối doanh nghiệp niêm yết.

Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn ST8 (mã ST8) thông báo đã nhận đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Đức Ngọc – Thành viên Hội đồng quản trị độc lập. Lý do được ông Ngọc đưa ra là để tập trung cho định hướng công việc cá nhân mới. Đáng chú ý, đơn từ nhiệm được gửi đúng thời điểm ST8 chuẩn bị tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 vào ngày 28/4, cho thấy đây là sự chủ động mang tính chuyển giao và có tính toán.

Trong khi đó, tại Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (mã SCR), làn sóng rút lui còn rõ rệt hơn. Trong nghị quyết công bố ngày 11/4, Hội đồng quản trị SCR xác nhận đã tiếp nhận đơn từ nhiệm của ba thành viên: ông Đặng Hồng Anh, ông Phạm Trung Kiên và ông Lê Quang Vũ. Lý do được nêu đều là "cá nhân", nhưng động thái cùng lúc của ba thành viên trong hội đồng quản trị đã khiến không ít cổ đông bất ngờ. Toàn bộ nội dung liên quan sẽ được cập nhật trong tài liệu họp Đại hội cổ đông thường niên năm tài chính 2024. Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Thành Chương được giao toàn quyền tổ chức đại hội, đảm bảo tuân thủ đúng trình tự, quy định pháp luật.

Trong đơn từ nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT, ông Đặng Hồng Anh – người gắn bó với SCR từ tháng 4/2022 bày tỏ việc không thể tiếp tục đảm nhiệm trọng trách vì lý do cá nhân. Hai thành viên còn lại cũng đồng loạt nêu lý do tương tự. Mặc dù lý do rút lui không đi vào chi tiết, song sự đồng thuận về thời điểm cho thấy đây là một bước đi nằm trong lộ trình điều chỉnh nhân sự của SCR.

Tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex (mã GEX), ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật đã nộp đơn xin rút khỏi vị trí Thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2021–2026. Ông Tuấn cho biết quyết định này nhằm tách bạch giữa vai trò điều hành và vai trò hoạch định chính sách, hướng đến mô hình quản trị minh bạch và chuyên biệt hơn. Dù vẫn tiếp tục đảm nhiệm vai trò CEO, việc ông Tuấn rút khỏi Hội đồng quản trị thể hiện một cách tiếp cận quản trị hiện đại, tránh chồng chéo quyền lực giữa hai tầng nấc điều hành và kiểm soát...

Dưới góc nhìn giới phân tích, làn sóng từ nhiệm trong mùa đại hội cổ đông của các doanh nghiệp niêm yết năm nay không đơn thuần là sự rút lui mang tính cá nhân, mà phản ánh áp lực đổi mới mô hình lãnh đạo trong bối cảnh kinh tế đầy biến động. Nhu cầu thích ứng với các chuẩn mực mới, chuyển đổi số, cũng như gia tăng kỳ vọng cổ đông về quản trị minh bạch và hiệu quả, đang buộc nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại bộ máy từ thượng tầng. Việc từ nhiệm của người cũ không chỉ mở đường cho lớp lãnh đạo mới, mà còn là bước đi cần thiết để các tổ chức tái định vị chiến lược và tối ưu hóa vận hành.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...