Lợi nhuận quý I doanh nghiệp chứng khoán: Kẻ đột phá, người hụt hơi
Bức tranh lợi nhuận của các công ty chứng khoán trong quý I/2025 cho thấy sự phân hóa rõ nét của các doanh nghiệp chứng khoán. Trong khi nhiều doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng ấn tượng và trở thành điểm sáng của ngành, không ít đơn vị chật vật, lợi nhuận "đi lùi".
Hai mảng sáng – tối trong bức tranh lợi nhuận ngành chứng khoán quý I/2025. Ảnh: AI
Theo các chuyên gia kinh tế, sự phân hóa lợi nhuận của các doanh nghiệp chứng khoán phản ánh thực tế cạnh tranh khốc liệt, và ảnh hưởng từ biến động thanh khoản thị trường thời gian qua.
“Vượt sóng” báo lãi lớn
Dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận là Công ty cổ phần Chứng khoán VIX (mã VIX). Trong 3 tháng đầu năm, doanh thu của VIX đạt 979,7 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ 2024. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh, lên hơn 372 tỷ đồng – tương đương mức tăng 2,3 lần. Động lực chính đến từ khoản lãi tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), đạt 784,5 tỷ đồng – chiếm 80% tổng doanh thu hoạt động, tăng 3,8 lần so với cùng kỳ. Mảng cho vay ký quỹ cũng tăng trưởng ấn tượng, ghi nhận lãi hơn 160 tỷ đồng, tăng 40%.
Công ty Chứng khoán MBS - một tên tuổi lớn khác cũng ghi nhận kết quả khả quan. Dù doanh thu hoạt động gần như đi ngang, nhưng nhờ tiết giảm chi phí, MBS vẫn đạt lợi nhuận sau thuế 269 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ. Theo kế hoạch, năm 2025, MBS đặt mục tiêu doanh thu 3.370 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.300 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 40% so với thực hiện năm trước. Như vậy, sau quý đầu tiên, MBS đã hoàn thành 26% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Một điểm sáng khác trong bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp chứng khoán là Công ty Chứng khoán LPBank (LPBS). LPBS lãi trước thuế gần 47 tỷ đồng và sau thuế hơn 40 tỷ đồng, đảo chiều tích cực so với khoản lỗ gần 640 triệu đồng cùng kỳ 2024. Tính đến 31/3/2025, tổng tài sản của LPBS đạt hơn 9.175 tỷ đồng, tăng mạnh 81% so với đầu năm. Đáng chú ý, giá trị hợp lý tài sản tài chính FVTPL tăng vọt từ 612 tỷ đồng lên gần 3.372 tỷ đồng, chủ yếu nhờ đầu tư vào trái phiếu.
Tuy doanh thu giảm nhẹ, Công ty Chứng khoán VPS vẫn báo lãi sau thuế 735 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu quý I đạt 1.468,4 tỷ đồng, giảm 6,4%, chủ yếu do doanh thu môi giới chứng khoán sụt gần 40%, còn 579 tỷ đồng. Dù vậy, VPS vẫn duy trì vị trí dẫn đầu về thị phần môi giới trên sàn HOSE.
Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) cũng ghi nhận kết quả tích cực với lợi nhuận sau thuế đạt 1.011 tỷ đồng, tăng 9%. Doanh thu hoạt động đạt mức tăng 20%, chủ yếu nhờ tăng trưởng ở mảng cho vay ký quỹ, bảo lãnh và đại lý phát hành chứng khoán.
“Ông lớn” Chứng khoán SSI ghi nhận doanh thu hoạt động quý I đạt 2.106 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 819 tỷ đồng, tăng 13%. Trong đó, mảng chứng khoán kinh doanh đóng góp lớn nhất với 1.039 tỷ đồng, tăng 15%.
Lợi nhuận “chảy ngược”
Dù bức tranh lợi nhuận quý I/2025 có những điểm sáng từ nhóm doanh nghiệp dẫn đầu, toàn cảnh ngành chứng khoán vẫn chưa hoàn toàn tích cực. Nhiều công ty chứng khoán, đặc biệt là các đơn vị quy mô vừa và nhỏ, tiếp tục đối mặt với khó khăn do thanh khoản thị trường suy yếu kéo dài và áp lực cạnh tranh gia tăng.
Sự phân hóa thể hiện rõ khi hàng loạt công ty báo lợi nhuận sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, báo cáo tài chính quý I/2025 của Công ty Chứng khoán VCBS cho thấy doanh thu đạt 344,6 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận trước thuế giảm hơn 30%, chỉ còn hơn 125 tỷ đồng. Nguyên nhân là do doanh thu từ tự doanh và môi giới đều đi xuống theo xu hướng giảm thanh khoản chung của thị trường.
Lợi nhuận trước thuế của VCBS ghi nhận hơn 125 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: A.I
Cùng chiều giảm là Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC, mã HCM) khi báo lãi quý I đạt 283 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2024. Doanh thu môi giới giảm 23%, xuống còn 164 tỷ đồng; trong khi mảng tự doanh sụt tới 31%, chỉ còn 111 tỷ đồng.
Tình hình còn khó khăn hơn với Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC, mã VDS), khi doanh thu hoạt động quý I chỉ đạt hơn 169 tỷ đồng, giảm 40,4% so với cùng kỳ năm trước. Cả hai mảng chính – tự doanh và môi giới đều ghi nhận mức sụt giảm sâu. Lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt chỉ còn 21,5 tỷ đồng và 18 tỷ đồng, giảm gần 84% so với quý I/2024.
Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh giảm mạnh. Doanh thu quý I/2025 chỉ đạt 150 tỷ đồng, giảm gần 58% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế lao dốc còn 17,8 tỷ đồng, giảm tới 93,5%. Theo giải trình, cùng kỳ năm trước công ty nhận cổ tức lớn từ các khoản đầu tư dài hạn, trong khi năm nay khoản thu này không còn, kéo lợi nhuận giảm sâu.
Một trường hợp gây chú ý là Công ty Chứng khoán Tiên Phong (ORS). Dù doanh thu quý I đạt 449,3 tỷ đồng (giảm 7,14%), nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ còn hơn 2 tỷ đồng, giảm tới gần 98% so với cùng kỳ năm trước (trên 93 tỷ đồng). Công ty cho biết sự sụt giảm chủ yếu do chi phí tăng và doanh thu đi xuống.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS), khi báo lãi trước thuế quý I chỉ đạt gần 182 tỷ đồng, giảm 31%. Nguyên nhân chính là mảng tự doanh, môi giới kém hiệu quả và chi phí dự phòng tăng mạnh.
Ngoài ra, nhiều công ty khác cũng ghi nhận lợi nhuận đi lùi so với cùng kỳ, trong đó Chứng khoán FPT (FTS) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 173 tỷ đồng, giảm gần 10%; Chứng khoán DNSE lãi trước thuế gần 66,5 tỷ đồng, giảm 14%; hay Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 51 tỷ đồng, giảm 23,5%...
Theo giới phân tích, sự phân hóa lợi nhuận cho thấy bối cảnh kinh doanh ngành chứng khoán ngày càng khắc nghiệt. Doanh nghiệp phải đối mặt với biến động thanh khoản, áp lực chi phí gia tăng và kỳ vọng sinh lời từ tự doanh suy yếu. Trong khi nhóm đầu ngành vẫn có dư địa để thích ứng linh hoạt và tối ưu vận hành, thì các công ty quy mô nhỏ hơn đang chịu sức ép rõ rệt, đòi hỏi chiến lược tái cấu trúc, cắt giảm rủi ro và tối ưu nguồn lực nếu không muốn bị đào thải khỏi cuộc đua.