Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐHCĐ MBS: Gia tăng quy mô hoạt động tự doanh trong năm 2024, kết quả kinh doanh quý 1 dự kiến tăng trưởng tối thiểu 30%

Tại ĐHCĐ, MBS đã thông qua việc tăng vốn điều lệ từ 4.376 tỷ lên gần 5.760 tỷ đồng.

ĐHCĐ MBS: Gia tăng quy mô hoạt động tự doanh trong năm 2024, kết quả kinh doanh quý 1 dự kiến tăng trưởng tối thiểu 30%

Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, MBS đặt mục tiêu tổng doanh thu 2024 đạt 2.786 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 930 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 53% và 36% so với thực hiện năm trước. Nếu thành công, đây sẽ là mức lãi cao nhất MBS từng ghi nhận trong lịch sử hoạt động.

Tại đại hội, MBS thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ. Công ty nhấn mạnh việc tăng vốn là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, nhằm nâng cao năng lực tài chính, tăng quy mô vốn hoạt động kinh doanh, vốn cho vay margin, tăng năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của MBS, cung cấp nhiều sản phẩm tài chính mới cho khách hàng.

Cụ thể, MBS dự kiến phát hành 109 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 4:1, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 4 cổ phiếu có thể mua thêm 1 cổ phiếu mới. Giá phát hành là 10.000 đồng, tương ứng thu về hơn 1.094 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2024.

Song song, MBS sẽ phát hành riêng lẻ gần 29 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá thỏa thuận nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách (11.512 đồng/cp). Số lượng nhà đầu tư chào bán tối đa là 30 nhà đầu tư.

Tổng cộng MBS dự kiến thu về tối thiểu 1.425 tỷ đồng, trong đó với 1.094 tỷ đồng thu từ cổ đông, MBS sẽ chi 594 tỷ nhằm bổ sung vốn cho vay margin, 450 tỷ cho hoạt động tự doanh và bảo lãnh phát hành, ngoài ra 50 tỷ dùng đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin. Trong đó thứ tự ưu tiên là hệ thống công nghệ thông tin, tiếp đến là bổ sung vốn cho tự doanh, tiếp đến sẽ là bổ sung vốn cho hoạt động cho vay margin.

Với 331 tỷ thu từ chào bán riêng lẻ, công ty sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh trong các hoạt động như cho vay margin.

ĐHCĐ MBS: Gia tăng quy mô hoạt động tự doanh trong năm 2024, kết quả kinh doanh quý 1 dự kiến tăng trưởng tối thiểu 30%- Ảnh 1.

Hoàn tất 100% các phương án phát hành trên, vốn điều lệ của MBS sẽ tăng từ 4.376 tỷ lên gần 5.760 tỷ đồng.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch MBS cho biết trong năm nay, MBS sẽ đẩy mạnh hơn mảng tự doanh nhằm giảm áp lực phụ thuộc tỷ trọng lớn vào mảng môi giới.

Thảo luận tại đại hội

Cổ đông: Triển vọng vĩ mô năm 2024, có cơ hội, thách thức nào với ngành chứng khoán?

Ông Phạm Thế Anh (Thành viên HĐQT MBS): Về triển vọng vĩ mô, trong những năm qua, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn sau đại dịch, lạm phát, căng thẳng địa chính trị…Tuy nhiên, những điều xấu nhất có lẽ đã rơi vào năm 2022 – 2023 và triển vọng kinh tế thế giới đang tốt lên.

Với kinh tế trong nước, các chính sách đang hỗ trợ cho tăng trưởng. Một số động lực tăng trưởng kinh tế chính trong năm 2024 có thể kể tới như Xuất khẩu đang cải thiện dần. Dù vậy cũng cần lưu ý xuất khẩu sẽ khó có thể tăng trưởng cao như đợt Covid.

Về mặt đầu tư, Việt Nam là quốc gia được thế giới lựa chọn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với việc phân tán rủi ro địa chính trị, Việt Nam sẽ là điểm thu hút FDI mạnh trong những năm tới.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đẩy mạnh đầu tư công. Việc tiêu dùng trong nước cũng đang khởi sắc trở lại khi mà tâm lý bi quan đã được cởi bỏ, các thị trường tài sản khởi sắc. Do đó, kỳ vọng tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay từ 6-6,5%.

Về thị trường chứng khoán, các điều kiện tài chính đang ủng hộ chúng ta như nhiều NHTW lớn trên thế giới đã hạ lãi suất. Định hướng Chính phủ và NHNN đang duy trì lãi suất thấp, đó là điều kiện quan trọng hỗ trợ thị trường tăng trưởng.

Về vấn đề tỷ giá, dù ngắn hạn có biến động, nhưng dài hạn chúng ta vẫn duy trì xuất khẩu, FDI vào Việt Nam thì tỷ giá không quá lo ngại. Lạm phát có thể đáng quan tâm, có thể vào cuối năm lạm phát sẽ tăng dần do liên quan một số vấn đề như tăng lương, tăng giá điện, nước, hay bệnh dịch trong nông nghiệp.

Tuy nhiên, tổng quan, tôi cho rằng với định hướng chính sách cơ quan quản lý, lãi suất huy động vẫn ở mức thấp, cùng với tăng trưởng của nền kinh tế sẽ giúp cải thiện KQKD các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán.

Cổ đông: MBS có những khó khăn gì, tận dụng cơ hội trong hệ sinh thái MB ra sao?

Ông Phan Phương Anh (Tổng giám đốc MBS): MBS có quy mô vốn tương đối nhỏ, VCSH hơn 5.000 tỷ, vốn điều lệ khoảng 4.300 tỷ đồng, đứng thứ 13 trên thị trường, đó là khó khăn của MBS trong việc triển khai kinh doanh phục vụ khách hàng. Cạnh tranh giữa các CTCK ngày càng gay gắt, hàng loạt CTCK tăng vốn, giảm phí, lãi suất. Điều này tốt cho thị trường, nhà đầu tư, nhưng ảnh hưởng tới công ty chứng khoán.

MBS hiện đang làm việc với 3 đối tác chiến lược nước ngoài tiềm năng, hỗ trợ cả về vốn lẫn công nghệ, kỳ vọng năm nay sẽ có kết quả.

Lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ nhất của MBS chính là thành viên của MB Group. Có lợi thế về mặt thương hiệu, có được hỗ trợ về con người, kỷ luật, công nghệ, thanh khoản, vốn, khách hàng…của MB.

Cổ đông: Sự kiện VNDirect bị hacker tấn công, có ảnh hưởng ra sao tới thị trường?

Ông Phan Phương Anh (Tổng giám đốc MBS): Đây là sự kiện nóng của TTCK những ngày qua. Trong những ngày đầu tuần, Thủ tướng, UBCK đã có chỉ đạo quyết liệt về việc các CTCK phải đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống.

Với ngành chứng khoán, chắc chắn sự kiện hacker sẽ có ảnh hưởng. NĐT sẽ quan tâm hơn tới việc các CTCK đầu tư ra sao cho hệ thống CNTT, an toàn, bảo mật. MBS nằm trong top 3 các CTCK đầu tư mạnh mẽ nhất cho hoạt động CNTT. Hiện có khoảng hơn 100 người làm việc trong mảng CNTT, và có khoảng 2.000 cán bộ CNTT của MBB đang hỗ trợ đắc lực. Ngoài ra còn có Viettel, cổ đông lớn nhất hỗ trợ cho MB/MBS để có hệ thống giao dịch an toàn, bảo mật. Đối với MBS, công ty sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư để đảm bảo hệ thống an toàn, thông suốt.

PV


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...