Cổ phiếu “gã khổng lồ” Vinamilk bất ngờ nổi sóng, ghi nhận điều chưa từng có trong lịch sử
Giá trị giao dịch của riêng cổ phiếu Vinamilk đã chiếm tới 15% tổng giá trị giao dịch cả nhóm VN30 trong phiên.
Sau giai đoạn đi ngang tích luỹ, cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã bất ngờ giao dịch bùng nổ trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7. Cổ phiếu này tăng bốc 5,8% qua đó leo lên mức 71.600 đồng/cp, cao nhất trong vòng 5 tháng. Vốn hóa thị trường tương ứng đạt 149.640 tỷ đồng (~6 tỷ USD).
Đáng chú ý, dòng tiền đổ vào cổ phiếu đầu ngành sữa rất mạnh đẩy khối lượng giao dịch tăng đột biến lên trên 21 triệu đơn vị, gấp gần 6 lần bình quân phiên trong 10 phiên gần nhất. Đây cũng là khối lượng giao dịch cao kỷ lục trong lịch sử của cổ phiếu VNM. Giá trị giao dịch tương ứng đạt 1.490 tỷ, cao nhất toàn thị trường và tương đương 15% tổng giá trị giao dịch nhóm VN30 trong cả phiên.
Bứt phá mạnh cùng thanh khoản cao khiến giới đầu tư kỳ vọng vào một con sóng mới của cổ phiếu VNM. Nền tảng cơ bản là tình hình kinh doanh của doanh nghiệp vẫn là bệ phóng vững chắc nhất cho cổ phiếu. Doanh nghiệp ngành sữa này vừa hé lộ bức tranh kinh doanh 6 tháng tương đối khả quan.
Riêng trong quý 2/2024 Vinamilk đạt 16.656 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức doanh thu cao kỷ lục từng ghi nhận trong 1 quý. Đây cũng là quý có mức tăng trưởng cao nhất của Vinamilk tính từ đầu năm 2022. Kết quả, Vinamilk báo lợi nhuận sau thuế đạt 2.696 tỷ, trong đó lãi ròng đạt 2.670 tỷ, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất trong 11 quý.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, hãng sữa lớn nhất Việt Nam đạt doanh thu 30.790 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng 19% lên khoảng 4.309 tỷ đồng.
Năm 2024, Vinamilk lên kế hoạch tổng doanh thu kỷ lục 63.163 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 9.376 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng, "gã khổng lồ" ngành sữa đã thực hiện được 49% kế hoạch doanh thu và 52% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Vinamilk hiện là doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa, nắm giữ hơn 50% thị phần ngành sữa Việt Nam. Doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn nhất cả nước, sở hữu 15 trang trại công nghệ cao với tổng đàn bò hơn 140 nghìn con và 16 nhà máy có công suất 1 tỷ lít sữa mỗi năm. Hiện nay hơn 80% doanh thu của VNM vẫn đang đến từ thị trường nội địa, doanh nghiệp đang nỗ lực để tiếp tục mở rộng xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới.
Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng trong bối cảnh ngành FMCG nói chung và ngành sữa nói riêng tiếp tục gặp khó với tăng trưởng âm, Vinamilk vẫn duy trì tăng trưởng doanh thu tốt hơn toàn ngành sữa, cho thấy tín hiệu tiếp tục chiếm được thị phần. Động lực tăng trưởng đến từ các ngành hàng sữa đặc, sữa chua uống và sữa hạt.
Ngược lại, thị trường nước ngoài vẫn tiếp tục tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ. Xuất khẩu đi các thị trường truyền thống đóng góp tăng trưởng chính, các thị trường tiềm năng Châu Phi, Nam Mỹ đang nghiên cứu đẩy mạnh xâm nhập thị trường. Các chi nhánh nước ngoài ở Campuchia và Mỹ đều ghi nhận tăng trưởng tích cực nhờ cải thiện vị thế thương hiệu.
KBSV dự phóng KQKD năm 2024 của VNM có thể đạt doanh thu thuần 62.516 tỷ đồng (tăng 4%) và lợi nhuận gộp đạt 25.936 tỷ, tương ứng biên LNG đạt 41,5%. LNST công ty mẹ dự báo đạt 9.343 tỷ đồng (+5.3% YoY).
Đồng quan điểm, Chứng khoán DSC cho rằng năm 2024 VNM sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn so với giai đoạn 2020-2023 nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào đã hạ nhiệt. Diễn biến giá nguyên vật liệu thuận lợi kỳ vọng giúp ổn định biên lợi nhuận gộp năm 2024 của các doanh nghiệp sữa, trong đó VNM có thể cải thiện biên lợi nhuận gộp lên mức 42%.
Đồng thời, nhu cầu tiêu dùng có thể được cải thiện trong nửa cuối năm khi sức mua nội địa hồi phục và thị trường nước ngoài tiếp tục tăng trưởng
Ngoài ra, các dự án lớn sẽ được VNM đẩy mạnh trở lại kể từ quý 3/2024, trong đó đáng chú ý là việc khởi công dự án Nhà máy sữa Hưng Yên. DSC kỳ vọng các dự án này sẽ mang lại động lực mới cho VNM trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng chững lại trong các năm gần đây.
Bắc Kiên