Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

‘Tượng đài’ 99 năm tuổi của nước Mỹ sụp đổ: Phá sản vì sáp nhập quá tay, suốt 20 năm ám ảnh với việc trả nợ

Đây là hệ lụy sau một loạt các vụ sáp nhập quá tay, đẩy công ty này vào tình cảnh nợ nần và hoạt động trì trệ.

‘Tượng đài’ 99 năm tuổi của nước Mỹ sụp đổ: Phá sản vì sáp nhập quá tay, suốt 20 năm ám ảnh với việc trả nợ - Ảnh 1.

Yellow, công ty vận tải lớn nhất nước Mỹ, vừa buộc phải dừng hoạt động vào cuối tuần trước. Đây là hệ lụy sau một loạt các vụ sáp nhập quá tay, đẩy Yellow vào tình cảnh nợ nần và hoạt động trì trệ.

Công ty có tuổi đời 99 năm này từng sở hữu một đội hơn 12.000 xe tải vận chuyển hàng hóa trên khắp đất nước cho Walmart, Home Depot và rất nhiều các thương hiệu lớn nhỏ. Điều mà Yellow không thể làm, dù đã nuốt chửng thị phần đối thủ và nhận được sự trợ giúp từ chính phủ, là giữ ổn định dịch vụ và tạo lợi nhuận cho giới đầu tư.  Hiện công ty đang chuẩn bị nộp đơn xin phá sản và đàm phán nhượng lại hoạt động kinh doanh.

Việc ‘tượng đài’ 99 năm tuổi sụp đổ sẽ đe dọa gần 30.000 việc làm, trong đó có khoảng 22.000 thành viên Teamsters. Hàng trăm nhân viên đã bị sa thải sau khi công ty này ngừng tiếp nhận các lô hàng mới. Được biết kể từ năm 2021, Yellow theo đuổi kế hoạch cắt giảm mạnh mẽ chi phí để cải thiện hoạt động kinh doanh.

Theo WSJ, Bộ Tài chính Mỹ hiện nắm giữ khoảng 30% cổ phần trong Yellow. “Đó là câu chuyện buồn. Ngày kỷ niệm 100 năm thành lập vào năm tới sẽ không thể thực hiện”, Chris Sultemeier, thành viên hội đồng Yellow cho biết.

Trong một bản ghi nhớ vào thứ Sáu, Teamsters cho biết “khả năng Yellow sống sót ngày càng ảm đạm”. Công đoàn thậm chí còn kêu gọi các nhân viên sớm thu dọn đồ đạc cá nhân trước khi Yellow nộp đơn xin phá sản.

Yellow bắt đầu hoạt động vào năm 1924 với tư cách một công ty taxi nhỏ hoạt động ở thành phố Oklahoma. Hãng sau đó chở khách bằng những chiếc Ford Model-T vàng - màu sắc đặc trưng khiến người tiêu dùng chỉ cần nhìn qua cũng nhớ mãi.

Sau khi nộp đơn xin phá sản vào năm 1951, Yellow được mua lại bởi George Powell, một chủ ngân hàng ở Kansas City, sau đó trở thành một trong những công ty vận tải thu lợi từ việc xây dựng Hệ thống Xa lộ Liên bang. Mạng lưới rộng khắp từ bờ biển này sang bờ biển khác đã giúp Yellow tồn tại ngay trong thời kỳ hỗn loạn.

Năm 2003, Yellow mua lại Roadway - một công ty cùng ngành với giá khoảng 1 tỷ USD. Các giám đốc điều hành khi đó tin rằng việc sáp nhập sẽ mang lại cho cả hai cơ hội cạnh tranh lớn mạnh hơn.

Đến năm 2005, Yellow tiếp tục thâu tóm một đối thủ cạnh tranh lớn khác là USF với giá 1,37 tỷ USD. Bill Zollars, cựu giám đốc điều hành Yellow, cho biết vào thời điểm đó, các công ty gần như hoạt động gần hết công suất.

‘Tượng đài’ 99 năm tuổi của nước Mỹ sụp đổ: Phá sản vì sáp nhập quá tay, suốt 20 năm ám ảnh với việc trả nợ - Ảnh 2.

Tính đến cuối tháng 3, khoản nợ chưa thanh toán của Yellow là 1,5 tỷ USD

Sau đó, cuộc suy thoái 2008 khiến nhu cầu vận tải đường bộ ‘bốc hơi’. Hợp đồng kinh doanh với Walmart, khi đó là khách hàng lớn nhất, giảm khoảng 50% từ năm 2008 đến 2010.

Nợ nần từ sáp nhập cùng sự phức tạp trong việc điều hành cùng một lúc nhiều công ty khác nhau khiến Yellow ám ảnh. Zolars cho biết tình hình tài chính được cải thiện ngay lập tức sau khi sáp nhập, song thiệt hại do suy thoái kinh tế gây ra là quá nhiều.

Kể từ năm 2009, doanh thu hàng năm của Yellow dao động ở mức gần 5 tỷ USD nhưng gần như năm nào cũng lỗ và chưa bao giờ có lợi nhuận trên 25 triệu USD.

“Trong nhiệm kỳ làm CEO, tôi đã nhiều lần phản đối các đề xuất sáp nhập”, James Welch, cựu Giám đốc điều hành Yellow nói. “Chúng tôi đang gánh quá nhiều nợ. Việc giải quyết các khoản nợ đó đã trở thành công việc khó khăn trong suốt 20 năm”.

Theo Satish Jindel, chủ tịch công ty tư vấn SJ Consulting, hiệu suất đúng giờ của Yellow bị tụt lại so với các đối thủ. Doanh thu trung bình trên mỗi lô hàng vào năm 2022 là 319 USD, thấp hơn so với nhiều đối thủ cạnh tranh. “Họ đã không vận hành và quản lý tốt”.

Thời điểm đại dịch bùng phát, công ty thông báo gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ. Chính phủ liên bang sau đó đã cung cấp khoản vay trị giá 700 triệu USD bởi cho rằng các dịch vụ của Yellow là vô cùng quan trọng đối với an ninh quốc gia.

Dẫu vậy, sang đến năm nay, khủng hoảng tài chính của Yellow vẫn gia tăng. Lượng tiền mặt nắm giữ giảm xuống chỉ còn khoảng 100 triệu USD trong tháng 6 từ mức 235 triệu USD trong tháng 12.

“Công ty sẽ ngừng hoạt động vào ngày 28/7 năm 2023, đóng cửa và sa thải nhân viên tại hầu hết tất cả các địa điểm”, đại diện công ty cho biết.

Tính đến cuối tháng 3, khoản nợ chưa thanh toán của Yellow là 1,5 tỷ USD, bao gồm khoảng 730 triệu USD nợ chính phủ liên bang. Đây là một trong những công ty vận tải đường bộ lớn nhất nước Mỹ và sự sụp đổ của nó có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền trên toàn bộ chuỗi cung ứng quốc gia.

Theo: WSJ, The New York Times

Theo Vũ Anh

Nhịp sống thị trường


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...