Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

‘Cú lừa’ nước ép 100% dưa nhưng chỉ chứa 2% nước ép dưa khiến Tropicana Nhật Bản bị phạt tiền

Bao bì của sản phẩm có in hình quả dưa nổi bật, bên cạnh là dòng chữ “100% Melon Taste” (100% vị dưa).

 

‘Cú lừa’ nước ép 100% dưa nhưng chỉ chứa 2% nước ép dưa khiến Tropicana Nhật Bản bị phạt tiền

Vào tháng 9 năm ngoái, thương hiệu nước trái cây nổi tiếng Tropicana đã trở thành tâm điểm chú ý ở Nhật Bản sau một chiêu marketing bị đánh giá là “lừa dối”. Vấn đề nằm ở sản phẩm “100% Whole Fruit Melon Taste” của hãng. Tên gọi này khiến nhiều người nghĩ rằng sản phẩm chứa 100% nước dưa ép. Ngoài ra, trên bao bì, hình ảnh quả dưa nổi bật hơn cả, bên cạnh là dòng chữ “100% Melon Taste” (100% vị dưa).

Khi kiểm tra kỹ hơn, sản phẩm này chỉ chứa 2% nước ép dưa và 98% còn lại là nước ép táo, nho và chuối. Cơ quan phụ trách các vấn đề người tiêu dùng Nhật Bản đã cảnh báo công ty nước giải khát Kirin – đơn vị sở hữu thương hiệu Tropicana, ngừng đóng gói với bao bì như trên để tránh gây hiểu lầm. Sau đó, công ty đã tuân theo yêu cầu và thiết kế lại bao bì với hình ảnh nho, táo nổi bật hơn đồng thời thay thế các cụm từ như “100% Melon Taste” bằng “100% Fruit Juice” (100% nước ép trái cây).

‘Cú lừa’ nước ép 100% dưa nhưng chỉ chứa 2% nước ép dưa khiến Tropicana Nhật Bản bị phạt tiền - Ảnh 1.

Bao bì mới của sản phẩm.

Tuy nhiên, có vẻ như cơ quan này vẫn chưa yên tâm về Kirin nên đã yêu cầu công ty nộp phạt 19 triệu yên (gần 150.000 USD) vào ngày 18/1 vì bao bì gây hiểu lầm.

Con số trên được đưa ra bằng cách tính toán doanh số bán sản phẩm “100% Whole Fruit Melon Taste” của Tropicana từ tháng 6 năm 2020 đến tháng 4 năm 2022, giai đoạn bao bì gây hiểu lầm được sử dụng. Theo Luật trung thực trong quảng cáo của Nhật Bản, tiền phạt phải tương đương 3% doanh thu hay một cách khác là cao hơn 1% so với lượng nước ép dưa thực sự chứa trong sản phẩm (2%).

Khi tin tức về khoản tiền phạt được đưa ra, nhiều người dùng mạng ở Nhật Bản đã rất bất ngờ với sự thật là trong chai nước ép 100% vị dưa mà họ vẫn uống chỉ chứa 2% nước ép dưa.

“Tôi từng mua sản phẩm này rất nhiều và chưa bao giờ đọc thành phần. Bao bì khiến tôi nghĩ nó chứa 100% nước ép dưa”, một người bình luận.

Một người khác bày tỏ quan điểm: “Tôi cho rằng sau sự việc này, các tập đoàn sản xuất lớn nên thận trọng hơn với thiết kế bao bì để không gây hiểu lầm”.

Trong khi đó, vẫn có ý kiến bênh vực: “Tỷ lệ thành phần được in rõ ràng trên bao bì. Mọi người nên đọc kỹ hơn trước khi mua”.

Trường hợp của Tropicana Nhật Bản gợi nhớ đến trường hợp bao bì gây hiểu lầm của hãng mĩ phẩm Innisfree năm 2021. Cụ thể, một người dùng Hàn Quốc đã lên tiếng "tố" hãng mỹ phẩm này vì trên một sản phẩm làm đẹp từ trà xanh của hãng có ghi "Hello, I’m paper bottle" (Tạm dịch: Xin chào, tôi là chai giấy) nhưng khi người này cắt ra mới phát hiện chiếc chai chỉ có một lớp vỏ giấy mỏng bao quanh còn bên trong lại là chai nhựa.

Sau đó, Innisfree đã hứng chịu không ít chỉ trích vì chiến dịch marketing gây hiểu lầm của mình. Bài đăng với tiêu đề "Tôi cảm thấy bị phản bội khi phát hiện chai giấy của Innisfree hóa ra bằng nhựa" trong nhóm "Không mua sắm đồ nhựa" của khách hàng trên nhanh chóng trở nên viral ở Hàn Quốc.

Thậm chí, người này còn gửi đơn khiếu nại lên trung tâm bảo vệ người tiêu dùng, nói rằng hãng đã ghi nhãn không đúng sự thật để đánh lừa người mua rằng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Sau phản ứng dữ dội của công chúng, Innisfree đã thừa nhận rằng nhãn "Hello, I’m paper bottle" của họ đúng là có thể gây hiểu lầm. Công ty cho biết trong một tuyên bố: "Chúng tôi sử dụng ‘chai giấy’ để giải thích cho vai trò của nhãn giấy bao quanh chai. Chúng tôi đã bỏ qua khả năng việc đặt tên như vậy có thể khiến mọi người hiểu rằng toàn bộ chiếc chai được làm bằng giấy. Chúng tôi thực sự xin lỗi vì đã không cung cấp thông tin một cách chính xác".

Nguồn: Japan Today

Theo Mộc Tiên

Nhịp sống thị trường


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...