Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam tiếp tục là điểm đến nổi bật của FDI ngành sản xuất

Theo báo cáo của ngân hàng DBS (Singapore), dòng vốn FDI mới đổ vào lĩnh vực sản xuất năm 2023 của Việt Nam tăng mạnh, bất chấp nhiều khó khăn kinh tế toàn cầu.

Báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng DBS - tập đoàn dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia hàng đầu của Singapore công bố ngày 3/7 cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm tốc trong năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức, nhưng đây vẫn là điểm đến hấp dẫn của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục hồi trong quý II/2023, nhưng vẫn chậm do ảnh hưởng của môi trường kinh tế toàn cầu nhiều khó khăn, báo cáo cho biết.

Báo cáo của DBS cho rằng xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2023 khi chu kỳ ngành điện tử toàn cầu phục hồi, trong khi các hoạt động dịch vụ trong nước và du lịch của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng và bổ trợ cho nền kinh tế.

Báo cáo dự báo rằng nền kinh tế sẽ được hỗ trợ thông qua các chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng. Bên cạnh đó, ngành xây dựng của Việt Nam tăng mạnh trong quý II/2023 nhờ chi tiêu công tăng, theo đó tạo ra cải thiện về cơ sở hạ tầng, giúp Việt Nam giữ ưu thế trong cạnh tranh vào tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài trong dài hạn.

Tuy nhiên, việc các nền kinh tế phát triển thắt chặt chính sách có thể sẽ kìm hãm nhu cầu của toàn cầu đối với các sản phẩm của Việt Nam và triển vọng tăng trưởng chung.

Theo báo cáo, bất chấp những cơn gió ngược theo chu kỳ, FDI vẫn là "cơn gió thuận" đối với Việt Nam trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tăng trưởng của ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu của Việt Nam đã lao dốc mạnh khi nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, nhưng có dấu hiệu phục hồi trong quý II năm 2023.

Sản lượng hàng hóa xuất khẩu cũng có xu hướng tăng, trong đó xuất khẩu hàng điện tử dự kiến chuyển biến tích cực vào quý IV năm 2023. Mặt hàng này vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu của Việt Nam, gần 30%.

Báo cáo của DBS đánh giá Việt Nam vẫn là nước hưởng lợi chính từ sự chuyển dịch sản xuất hoặc đồng sản xuất nhờ các yếu tố thuận lợi riêng gồm chi phí cạnh tranh cho lực lượng lao động tương đối lành nghề.

Ngoài ra, nhờ việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam được đánh giá có triển vọng tăng trưởng trung hạn tươi sáng ở mức 6 - 7% và hệ sinh thái điện tử đang phát triển.

"Điểm nổi bật là dòng vốn FDI mới đổ vào lĩnh vực sản xuất tăng mạnh trong năm 2023, bất chấp những khó khăn kinh tế toàn cầu và những hạn chế khác sau đại dịch COVID-19", báo cáo của DBS nhấn mạnh.

Xu hướng này phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài rằng tiềm năng dài hạn của Việt Nam vẫn không hề suy giảm.

Các chuyên gia DBS cho rằng sức hấp dẫn của Việt Nam đối với dòng vốn FDI nhiều khả năng vẫn vẹn nguyên trong thời gian tới.

Theo PV

VTV.VN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...