5 loại “rau biển” chứa cả kho báu dinh dưỡng và hoạt chất sinh học tốt cho sức khỏe, nữ giới càng nên ăn thường xuyên
Ngoài hải sản, chúng ta có thể tìm thấy nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe khác từ biển.
Khi nhắc tới thực phẩm giàu dinh dưỡng từ biển, đa số mọi người nghĩ ngay tới hải sản. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đến 5 loại thực phẩm thường được gọi vui là “rau biển” với cả kho hợp chất sinh học và vitamin dưới đây:
1. Tảo bẹ
Tảo bẹ lấy dinh dưỡng từ môi trường biển, cho nên nó chứa một lượng lớn các vitamin, muối khoáng và các nguyên tố vi lượng quý giá, cùng với các enzym cần thiết cho cơ thể.
Bạn sẽ tìm thấy một kho tàng dinh dưỡng trong tảo bẹ. Bao gồm iot, sắt, mangan, canxi, magie, đồng, kẽm và nhiều loại vitamin như riboflavin (vitamin B2), niacin (vitamin B3), thiamin (vitamin B1), vitamin A, B12, B6 và vitamin C, vitamin K… Đặc biệt, tảo bẹ còn chứa các chất chống oxy hóa tự nhiên như carotenoid, flavonoid và alkaloid, giúp loại bỏ gốc tự do gây hại cho tế bào và mô.
Nó cũng chứa số lượng lớn các hoạt chất sinh học chẳng hạn như polisaccarit, gôm đường, oligosaccarit, polyphenol, xeton, terpen… cùng các chất tốt cho nội tiết tố. Nó cũng là thực phẩm giúp no lâu, giảm cảm giác thèm ăn và tăng cường tốc độ đốt cháy chất béo. Vì vậy, tảo bẹ quen thuộc với nữ giới trong làm đẹp, giảm cân, bổ sung nội tiết tố. Thực phẩm này còn giúp điều hòa chức năng tuyến giáp, ngăn ngừa tiểu đường, tốt cho mạch máu và xương, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.
2. Rong biển Wakame
Wakame được mệnh danh là "vua rong biển" và có hình dáng giống bắp cải nên còn được gọi vui là rau bắp cải biển. Nó trông hơi giống tảo bẹ, nhưng kết cấu của nó mềm hơn tảo bẹ, lá mỏng hơn tảo bẹ và màu sắc tương đối nhạt hơn. Nó có vị mềm hơn và dễ nhai hơn tảo bẹ.
Wakame là một loại thực phẩm ít calo, ít chất béo. Nó cũng giàu hoạt chất sinh học polysaccharides và có hàm lượng canxi nổi bật. Thực phẩm này thường được bày bán ở dạng khô sau đó mới dùng chế biến món ăn. Nhờ giàu dinh dưỡng và hoạt chất sinh học mà nó tốt cho tim mạch, tiêu hóa, phòng ngừa tiểu đường, chống lại ung thư, hiệu quả giảm cân cao…
Các loại vitamin nổi bật trong rong biển Wakame có thể kể đến như vitamin K, vitamin C, vitamin A… Nhiều khoáng chất như sắt, mangan, folate, magie và canxi, sắt, iốt… Hàm lượng canxi trong wakame khô cao tới 947 mg/100g. Nó còn giàu chất xơ, chất chống oxy hóa và chất phytochemical - một hợp chất giúp duy trì và tăng cường sức khỏe con người. Rong biển Wakame còn chứa hàm lượng diệp lục cao, một chất mang lại vô số lợi ích sức khỏe và làm đẹp.
3. Rong mứt biển
Tên khoa học của rong mứt biển hay thường gọi tắt rong mứt, rong biển đen là Porphyra. Ngoài làm thức ăn, rong mứt biển còn được dùng làm thuốc, thức ăn hỗ trợ chữa bệnh cho con người.
Thực phẩm này được đánh giá cao về chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng, thậm chí nhiều hơn gấp 10 lần so với các loại rong biển khác. Theo các nghiên cứu về dinh dưỡng của rong mứt biển, loại rong này có chứa rất nhiều vitamin B, B2, A, C và nhiều axit amin thiết yếu, các chất khoáng quan trọng đối với cơ thể. Nó cũng rất giàu sắt, protein, chất béo tốt cho sức khỏe.
Rong mứt biển cực tốt cho tiêu hóa, làm sạch mạch máu, giảm nguy cơ ung thư, bảo vệ tuyến giáp và giảm căng thẳng thần kinh, hạn chế dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Nó cũng chứa rất nhiều chất béo tốt hỗ trợ người đang ăn kiêng và bệnh nhân bị tiểu đường. Hàm lượng axit glutamic và axit aspartic cao hơn tảo bẹ nên không chỉ tốt mà còn tạo ra vị ngon ngọt hơn các loại rong biển khác.
4. Hijiki
Hijiki đã là một phần của ẩm thực và chế độ ăn uống của Nhật Bản trong nhiều thế kỷ. Đây là loại rong biển nước sâu thường xuất hiện tự nhiên trên các bờ biển Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hoặc được nuôi trồng. Rong biển Hijiki sợi nhỏ, thường có màu nâu hoặc xanh nâu và khi được sấy khô sẽ có màu nâu sẫm.
Nó được mệnh danh là “hải sản chay” của biển cả. Rất giàu chất xơ và các khoáng chất thiết yếu như canxi, sắt và magie. Hàm lượng canxi, selen và iot rất cao. Các hoạt chất sinh học quý báu như polysaccharides, phytosterol, polyphenol, terpenoid … giúp Hijiki trở thành cái tên nổi bật trong chăm sóc sức khỏe cũng như sắc đẹp. Đặc biệt là đối với chị em phụ nữ.
Thực phẩm này cũng giàu axit amin, nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể con người. Nó được cho là giàu canxi hơn cả sữa và lượng sắt cao gấp 7 lần gan gà.
Ăn Hijiki với lượng nhỏ nhưng đều đặn giúp chúng ta phòng chống nhiều bệnh tật. Có thể kể đến như tốt cho tim mạch, chống ung thư, cải thiện tiêu hóa, hỗ trợ giảm cân, bảo vệ tuyến giáp, làm đẹp da và tóc từ bên trong.
5. Tảo xoắn
Tảo xoắn hay còn gọi Spirulina là một loại vi khuẩn lam và cũng là một nguồn vi tảo quan trọng. Về mặt dinh dưỡng, tảo xoắn chứa nhiều chất dinh dưỡng như các vitamin, khoáng chất, protein, chất béo omega-3 và omega-6. Đặc biệt là các hoạt chất sinh học như phycocyanin, polyphenol, carotenoid, vitamin, sterol.
Trong số đó, tảo xoắn nổi tiếng với nguồn vitamin B và hợp chất β-carotene. Bởi không chỉ đa dạng (vitamin B1, vitamin B2 và vitamin B12…) mà còn có hàm lượng rất cao. Các nghiên cứu cho thấy hàm lượng B12 của tảo xoắn gấp 4 lần gan động vật. Hàm lượng β-carotene trong tảo xoắn cao gấp 30 lần so với cà rốt, rất tốt cho mắt và góp phần đẩy lùi viêm nhiễm, phòng nhiều bệnh tật.
Tảo xoắn rất giàu khoáng chất như sắt, magie, canxi và phốt pho. Hàm lượng sắt của nó cao gấp 20 lần so với lúa mì. Đương nhiên, môi trường sống của nó cũng giúp nó chứa lượng iot nhất định tốt cho tuyến giáp. Tảo xoắn còn giảm đường huyết, tốt cho tăng cường cơ bắp, tốt cho tim mạch, loại bỏ kim loại nặng ra khỏi cơ thể, phòng ung thư…
Tuy nhiên, tảo xoắn không phổ biến trên bàn ăn của chúng ta. Nó thường xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta dưới dạng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn như bột tảo xoắn và viên nén tảo xoắn. Cần lưu ý rằng ăn uống hợp lý có thể bổ sung cho chúng ta một số chất dinh dưỡng nhưng không được thay thế thuốc và cũng đừng mong thu được tác dụng thần kỳ nào đó!
Nguồn và ảnh: QQ, Nutrient
Theo Ngọc Ái