Sâm Ngọc Linh trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức dân gian về cây sâm Ngọc Linh quý hiếm tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam) vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh, đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, khẳng định giá trị "vàng xanh" của vùng đất này.
![]() |
Tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh, "vàng xanh" quý hiếm của huyện Nam Trà My (Quảng Nam), vừa được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Quảng Nam cho biết, Bộ VHTTDL vừa có quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể quốc gia đối với tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My.
Huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam từ lâu đã được mệnh danh là "thủ phủ" của sâm Ngọc Linh, một loại dược liệu đặc biệt quý hiếm, có giá trị độc đáo mà không loài sâm nào khác trên thế giới có được. Sâm Ngọc Linh không chỉ là sản phẩm quốc gia mà còn được ví như "vàng xanh" của đất nước.
Giá trị của sâm Ngọc Linh không chỉ nằm ở điều kiện tự nhiên đặc biệt của vùng đất này mà còn ở những tập quán, lễ nghi truyền thống cùng với kinh nghiệm và tri thức dân gian được cộng đồng cư dân địa phương tích lũy qua nhiều thế hệ trong việc khai thác, nhân giống, trồng, chăm sóc và chế biến.
Những tri thức này đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn nguồn gen quý hiếm và phát triển cây sâm Ngọc Linh.
Người Xơ Đăng ở Nam Trà My phát triển sâm Ngọc Linh dưới tán rừng nguyên sinh. |
Theo Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam, đến nay sâm Ngọc Linh đã được nhân rộng ra 7 xã của huyện Nam Trà My, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống và bảo tồn những phong tục tốt đẹp gắn liền với việc bảo vệ rừng nguyên sinh.
Sâm Ngọc Linh của Việt Nam nổi tiếng với hàm lượng hoạt chất saponin cao nhất (12-15%) so với các loài sâm khác thuộc chi Panax.
Nhờ những giá trị dinh dưỡng và dược tính cao đã được nghiên cứu và công bố, sâm Ngọc Linh đã được Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia. Hiện nay, nhiều sản phẩm đa dạng từ sâm Ngọc Linh đã được sản xuất và chế biến, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và làm phong phú thêm đặc sản của địa phương.
Sở VHTTTD tỉnh Quảng Nam khẳng định, tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh có vai trò to lớn đối với đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Nam Trà My nói riêng và tỉnh Quảng Nam, cả nước nói chung. Đây là di sản văn hóa đặc trưng của vùng núi, thể hiện sự gắn kết cộng đồng và tinh thần đoàn kết dân tộc.
Ngoài ra, bên cạnh nghề trồng sâm, những tri thức dân gian khác của các tộc người thiểu số dưới chân núi Ngọc Linh cần được tiếp tục bảo tồn và phát triển để trở thành hành trang quý giá cho cuộc sống của người dân. Việc đưa tri thức về sâm Ngọc Linh vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia sẽ tạo cơ sở vững chắc để gìn giữ, tôn vinh và phát huy giá trị di sản văn hóa độc đáo này.
Trước đó, vào ngày 10/5, UBND tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai Quyết định 463/QĐ-TTg ngày 28/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực”. Theo đề án này, Quảng Nam sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất, chế biến sâu và thương mại hóa các sản phẩm từ dược liệu, với sâm Ngọc Linh đóng vai trò chủ đạo trong giai đoạn 2025-2035. Tỉnh cũng sẽ tập trung vào việc phát triển vùng nguyên liệu, hoàn thiện hạ tầng và thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp dược liệu. |