Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

WSJ: Lượng tàu có "điểm đến không xác định" tăng đột biến, phương Tây âm thầm mua dầu Nga?

Xuất khẩu dầu từ các cảng của Nga đến các nước EU, vốn là những nước mua dầu thô lớn nhất của Nga, đã tăng lên mức trung bình 1,6 triệu thùng/ngày trong tháng 4.

Wall Street Journal cho biết, một thị trường lặng lẽ đang hình thành để che giấu nguồn gốc xuất xứ của dầu Nga.

Xuất khẩu dầu tăng trong tháng 4

Theo trang mạng chuyên theo dõi các tàu dầu TankerTrackers.com, xuất khẩu dầu từ các cảng của Nga đến các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), vốn là những nước mua dầu thô lớn nhất của Nga, đã tăng lên mức trung bình 1,6 triệu thùng/ngày cho đến nay vào tháng 4.

Xuất khẩu dầu của Nga từng giảm xuống 1,3 triệu thùng/ngày trong tháng 3 sau khi nước này mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Dữ liệu tương tự từ Kpler, một nhà cung cấp dữ liệu hàng hóa khác, cho thấy dòng chảy đã tăng lên 1,3 triệu thùng/ngày trong tháng 4 so với con số 1 triệu thùng/ngày vào giữa tháng 3.

Nhưng một thị trường lặng lẽ đang hình thành để che khuất nguồn gốc của loại dầu đó. Không giống như trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, những người mua dầu lo lắng về rủi ro về vị thế uy tín của việc giao dịch dầu thô từ Nga do các lệnh cấm của phương Tây.

Vì vậy, một phương pháp đang được sử dụng ngày càng phổ biến để giao hàng là tàu dầu từ các cảng của Nga được vận chuyển ngày càng nhiều mà chưa rõ điểm đến, tức là được dán nhãn "điểm đến không xác định".

Vào tháng 4 (tính cho đến nay), hơn 11,1 triệu thùng đã được chất vào các tàu chở dầu mà không có lộ trình định sẵn, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào, theo TankerTrackers.com. Con số này gần như là 0 trước khi bùng nổ xung đột Ukraine.

Vì sao cần "điểm đến không xác định"?

Một lý do để che giấu nguồn gốc xuất xứ dầu Nga là các nước rất cần dầu thô để duy trì nền kinh tế phát triển và ngăn giá nhiên liệu tăng cao. Tuy nhiên, các công ty và người trung gian mua bán dầu cần giao dịch một cách lặng lẽ, tránh bất kỳ ảnh hưởng nào cũng như cáo buộc cấp tiền cho chiến dịch quân sự của Nga.

Các nhà phân tích và thương nhân cho biết, việc sử dụng nhãn "điểm đến không xác định" là một dấu hiệu cho thấy dầu đang được đưa đến các tàu lớn hơn trên biển và dỡ hàng. Dầu thô của Nga sau đó được trộn với hàng hóa của con tàu, để che giấu nguồn gốc của nó. Đây là cách cũ được sử dụng cho hàng xuất khẩu từ các quốc gia bị trừng phạt như Iran và Venezuela.

Tàu Elandra Denali ở ngoài khơi Gibraltar vào tuần trước nhận 3 tải dầu từ các tàu chở dầu rời các cảng Ust-Luga và Primorsk ở Nga. Lịch trình con tàu cho thấy nó khởi hành từ Incheon, Hàn Quốc và đang có kế hoạch đến Rotterdam, một cảng lọc dầu quan trọng ở Hà Lan.

Nhiều loại dầu lọc mới mang nhãn Latvian blend và Turkmenistani blend cũng được chào bán trên thị trường, các thương nhân cũng cho biết. Chúng được ngầm hiểu chứa thành phần lớn là dầu Nga.

Thế khó của châu Âu

Mỹ, Anh, Canada và Australia đều đã cấm nhập dầu Nga. EU đang tiến thoái lưỡng nan do phụ thuộc vào năng lượng nước này, nhập khẩu 27% lượng dầu từ nước này.

Các lãnh đạo châu Âu vẫn đang tranh cãi liệu có nên cấm vận hay không, nhưng vẫn chưa hành động, vì họ phải cân bằng giữa việc cô lập Nga mà không khiến kinh tế trong nước thiệt hại vì giá nhiên liệu tăng.

WSJ: Lượng tàu có điểm đến không xác định tăng đột biến, phương Tây âm thầm mua dầu Nga? - Ảnh 2.

Một trạm nén khí của đường ống Yamal từ Nga đến châu Âu tại Ba Lan. Ảnh: Reuters

Xuất khẩu dầu từ Nga giảm trong tháng 3, dẫn đến mức dự trữ trong nước tăng và sản lượng tại một số nhà máy lọc dầu giảm. Dù chưa có lệnh trừng phạt, nhiều hãng năng lượng châu Âu cũng đã tự giảm nhập dầu Nga trong vài tuần sau xung đột, do các ngân hàng ngần ngại cho vay và phí bảo hiểm tăng vọt.

Tuy nhiên, với việc số dầu cập cảng châu Âu trong tháng 4 tăng lên, cũng như số tàu có "điểm đến không xác định" nhiều hơn, các công ty có vẻ đã tìm ra cách giải quyết.

"Việc EU trừng phạt hoàn toàn dầu mỏ của Nga giống như kiểu ngày mai bạn nói rằng bạn bị cắt giảm 40% lương và bạn cần tiếp tục sống như thể chưa có chuyện gì xảy ra", ông Giovanni Staunovo, một nhà phân tích hàng hóa tại UBS Group AG, cho biết. "Trong khi đó, dầu Nga đang có những đợt giảm giá lớn trên thị trường. Một số người sẽ thấy điều này rất hấp dẫn".

Theo các nhà giao dịch, một loại dầu thô phổ biến của Nga được gọi là Urals hiện có giá thấp hơn dầu Brent 20-30 USD một thùng. Trước xung đột, mức chênh lệch chỉ là 1- 2 USD. Nga đang đàm phán thỏa thuận bán dầu cho người mua ở Ấn Độ.

Phần lớn dầu Nga vẫn đang được ghi điểm đến rõ ràng trong các tài liệu vận chuyển.

Dầu đến Romania, Estonia, Hy Lạp và Bulgaria đã tăng gấp đôi trong tháng này so với trung bình tháng 3. Số dầu đến Hà Lan, người mua lớn nhất ở châu Âu và Phần Lan, và Phần Lan cũng tăng mạnh.

Một số khách hàng vội vàng mua trước nguy cơ có lệnh hạn chế mới trong khi số khác thì nói rằng đã ký thỏa thuận từ trước khi xung đột xảy ra. Các biện pháp trừng phạt sẽ buộc họ phải phá bỏ các hợp đồng đó.

Giáo sư kinh tế Simon Johnson tại MIT chuyên nghiên cứu về địa chính trị dầu mỏ và là cựu nhà kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết: "Thực tế là họ đang mua nhiều hơn trước xung đột cho thấy nguyên nhân không chỉ là các hợp đồng dài hạn. Lý do là giá rẻ. Cho đến khi có một lệnh cấm vận hoàn toàn, điều này có thể tiếp diễn".

Theo Global Witness và Refinitiv, trong những tuần gần đây, các hãng dầu lớn như Royal Dutch Shell, Repsol, Exxon Mobil, Eni, Trafigura và Vitol thuê tàu vận chuyển dầu thô Nga từ các cảng ở biển Đen và biển Baltic đến EU.

Dữ liệu cho thấy các chuyến hàng đã đến Italy, Tây Ban Nha và Hà Lan trong tháng này.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết