Trung Quốc sẽ bơm thêm 320 tỷ nhân dân tệ cứu các ngân hàng nhỏ
Động thái trên được đưa ra sau khi hàng loạt doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa phá sản trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19.
Chính phủ Trung Quốc đang lên kế hoạch bơm thêm 320 tỷ nhân dân tệ tương đương 47 tỷ USD tiền quỹ của chính phủ vào các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa trong nỗ lực giúp các ngân hàng khu vực bớt chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự chững lại của nền kinh tế.
Hoạt động bơm vốn có được tài trợ bằng nguồn tiền huy động từ các quỹ hạ tầng. Ủy ban Giám sát Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) và Bộ Tài chính Trung Quốc có kế hoạch phân bổ khoảng 320 tỷ nhân dân tệ cho một số khu vực nhất định trong khoảng thời gian từ nay đến cuối tháng 8/2022.
Tính đến tháng 6/2022, hạn mức 103 tỷ nhân dân tệ đã được chấp thuận cho tỉnh Liêu Ninh, tỉnh Cam Túc và tỉnh Hà Nam – Trung Quốc cũng như thành phố Đại Liên – Trung Quốc.
Những ngân hàng nhỏ hoạt động trong khu vực này sẽ nhận nguồn vốn dưới hình thức bơm vốn. Mùa xuân năm nay, chính quyền tỉnh Liêu Ninh bơm 13,5 tỷ nhân dân tệ vào 5 ngân hàng, trong đó có ngân hàng Bank of Dandong và ngân hàng Bank of Yingkou.
Tháng 7/2020, Quốc Vụ viện Trung Quốc đã cho phép chính quyền các địa phương bơm vốn vào nhóm các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa sử dụng trái phiếu đặc biệt nhằm cấp vốn cho các dự án hạ tầng.
Động thái trên được đưa ra sau khi hàng loạt doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa phá sản trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19. Ước tính khoảng 2,3 triệu doanh nghiệp trên khắp Trung Quốc đã sụp đổ trong nửa đầu năm 2020, chiếm khoảng 6% tổng số doanh nghiệp ở thời điểm này, theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson.
Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng cũng tăng vọt. Ở thời điểm cuối tháng 6/2020, tỷ lệ nợ xấu cao hơn khoảng 13% so với thời điểm cuối năm 2019.
Trong đợt giải ngân quỹ hỗ trợ trong đại dịch COVID-19, chính phủ Trung Quốc đã bơm ước tính khoảng 210 tỷ nhân dân tệ vào khoảng hơn 300 ngân hàng tính đến cuối năm 2021. Điều này cho phép các ngân hàng nhỏ có thể hồi phục về mặt tài chính xét đến một mức độ nào đó.
Cuối năm 2021, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tại một số các ngân hàng thương mại ở khu vực đô thị hoạt động trong khu vực này ở mức khoảng 13,1%. Tỷ lệ CAR tại nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần chuyên phục vụ cho các thị trấn và khu vực nông thôn ở mức khoảng 12,6%. Tỷ lệ này tăng ước chừng khoảng 0,1 đến 0,1 điểm phần trăm so với cuối năm 2020.
Trong cùng thời gian trên, những ngân hàng lớn hoạt động trên quy mô quốc gia đã cải thiện tỷ lệ an toàn vốn thêm 0,8 điểm lên 17,3%. Bởi nhóm các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa có năng lực tài chính kém hơn, họ có ít kênh để huy động vốn hơn so với nhóm ngân hàng lớn.
Mùa xuân năm nay, làn sóng lây nhiễm COVID-19 chủng mới cũng như các biện pháp phong tỏa đã khiến cho nền kinh tế chững lại. Nhiều doanh nghiệp nhỏ, nhóm khách hàng chính của các ngân hàng nhỏ, trở nên vô cùng khó khăn. Ngành bất động sản vốn giữ vị thế "xương sống" của nền kinh tế khu vực, chật vật trong bối cảnh quy định quản lý ngành tài chính chặt chẽ hơn.
Khi thiếu nguồn vốn, các nhà kinh doanh bất động sản đang trì hoãn hoặc thậm chí dừng hẳn công việc xây dựng. Tháng 7/2022, người mua của các bất động sản chưa hoàn thành đã biểu tình trên diện rộng và không chịu trả tiền cho đến khi bất động sản hoàn thành. Động thái này khiến cho nhiều người lo lắng bởi giá trị các khoản vay mua nhà chiếm khoảng 20% tất cả các khoản vay ngân hàng.
Từ mùa xuân năm nay, nhóm các ngân hàng nhỏ tại tỉnh Hồ Nam và nhiều tỉnh khác đã đóng băng việc rút tiền ra khỏi tài khoản. Khi mà các ngân hàng nhỏ đương đầu với môi trường kinh doanh ngày một khó khăn hơn, ngân hàng trung ương đã thận trọng với khả năng bất ổn xã hội.
Theo Trung Mến
BizLive