Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trình Quốc hội chính sách riêng về mở cửa visa thu hút khách du lịch quốc tế

Sáng 22/3 tại Hà Nội, diễn ra buổi Tọa đàm "Hiến kế hút khách quốc tế" với sự tham dự của những chuyên gia hàng đầu, đại diện các doanh nghiệp lớn hoạt động trong ngành du lịch và lãnh đạo Cục Xuất Nhập Cảnh, Bộ Công an…

Trình Quốc hội chính sách riêng về mở cửa visa thu hút khách du lịch quốc tế

Tại Tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế”, các chuyên gia kinh tế, du lịch và đại diện các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành du lịch khách sạn đã thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc và nút thắt cần tháo gỡ, chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ các nước, đồng thời đề xuất những giải pháp hữu ích thu hút khách quốc tế.

Đánh giá về mục tiêu đón khách du lịch năm 2023, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, từ đầu năm đến nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng dần, mỗi tháng đạt gần 1 triệu lượt khách. Với mức tăng trưởng hiện có cùng nỗ lực truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch tại nhiều sự kiện quốc tế, việc đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023 có thể nằm trong tầm tay, thậm chí có thể vượt kế hoạch, đạt 10 triệu lượt khách.

“Tới đây, Tổng cục Du lịch sẽ cùng các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá ở nhiều thị trường tiềm năng, như: Trung Quốc, châu Âu, Đông Bắc Á… Các chiến dịch truyền thông sẽ được đẩy mạnh ở nhiều hình thức bên cạnh các chiến dịch quảng bá đã làm rất tốt trong năm qua ”, ông Hà Văn Siêu cho biết.

Đánh giá ề sức hút của du lịch Việt Nam với khách quốc tế, TS Nuno F. Ribeiro - Phó Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn (Đại học RMIT Việt Nam) cho rằng, với tần suất xuất hiện dày đặc trên nhiều kênh truyền thông có tiếng cùng các giải thưởng du lịch quốc tế năm 2022 có thể mang lại sự thay đổi cần thiết cho du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia - những thị trường đã nhanh chóng dỡ bỏ các hạn chế về COVID-19 và đã được hưởng lợi từ các thủ tục nhập cảnh, thị thực ít nghiêm ngặt hơn.

Cũng theo TS Nuno F. Ribeiro, thủ tục hành chính của Việt Nam còn rườm rà, nỗ lực quảng bá chưa tương xứng, tỷ lệ khách quốc tế quay lại thấp so với một số nước trong khu vực… Đặc biệt, số nước được miễn thị thực còn ít và thời gian miễn thị thực ngắn trong khi khách quốc tế lưu trú càng lâu chi tiêu càng nhiều.

Cũng nhìn nhận vào những rào cản trong việc thu hút khách du lịch hiện tại, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng: "Chúng ta phải làm cái gì để các nước khác đến học, ví dụ như câu chuyện visa, hiện nay theo tôi được biết là miễn visa theo nguyên tắc đối đẳng, nếu họ miễn thì mình miễn lại, như vậy đó là chuyện bình thường... Hãy chủ động đơn phương miễn thị thực 30 ngày cho các nước không miễn cho mình trước, sau đó họ thấy tốt sẽ quay lại miễn cho công dân nước mình, có thể đây sẽ là chính sách vượt trội trong phạm vi kiểm soát".

Trước những rào cản thu hút khách du lịch liên quan đến visa, Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cho biết, hiện Bộ Công an đã đăng tải dự thảo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để lấy ý kiến đóng góp từ nhân dân.

Trong đó, hai nội dung nổi bật nhất là miễn visa đơn phương và chính sách visa điện tử. Cụ thể, Bộ Công an đề xuất mở rộng diện các quốc gia cấp visa điện tử lên từ 80 nước lên mức tối đa các nước nhưng phải đảm bảo các yêu cầu Luật định. Điều này có nghĩa là visa điện tử được mở rộng với tất cả các quốc gia trên thế giới chỉ có một yêu cầu kiên quyết là tôn trọng, xâm phạm an ninh, trật tự, chủ quyền...của Việt Nam.

Cùng với đó, đề xuất nâng thời hạn tạm trú cho người được cấp visa điện tử từ 30 đến 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần theo đề nghị của người nước ngoài, nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam đến 3 tháng. Các trường hợp có nhu cầu tiếp tục ở lại trên 3 tháng được xem xét giải quyết theo quy định của luật hiện hành.

Theo Đại tá Đặng Tuấn Việt, việc sửa đổi Luật sẽ phải trải qua nhiều bước, nhiều quy trình khác nhau nên dù được thông qua, có thể hết năm 2023 cũng chưa thể áp dụng được vào thực tế và ngành du lịch phải chờ quá lâu, lỡ mất cơ hội thu hút khách, vì vậy Bộ Công an đã lường trước được việc này và đã xây dựng và tách riêng các chính sách liên quan đến visa trình Quốc hội trong kỳ họp sớm nhất để ra nghị quyết và áp dụng sớm vào thực tế.

"Nếu Quốc hội thông qua nghị quyết, Chính phủ sẽ có căn cứ để chỉ đạo và đưa ra các quyết sách sớm về chính sách visa một cách hợp lý, phù hợp với thực tiễn, giúp thu hút khách quốc tế", ông Đặng Tuấn Việt nhấn mạnh.

"Việc tiếp tục nghiên cứu mở rộng chính sách visa điện tử cả về đối tượng áp dụng và giá trị, thời hạn sẽ phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, góp phần thu hút ngày càng nhiều người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng", ông Việt đánh giá.

Nam Anh

Nhịp Sống Thị Trường


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...