Sự thật chuyện 'giải cứu trứng gà 65.000 đồng 30 quả' tràn lan trên vỉa hè Hà Nội
Những ngày nay trên các con phố Hà Nội không hiếm gặp người dân tranh thủ ghé vào bên đường mua trứng tại các điểm treo biển "Chung tay giải cứu trứng gà cho bà con nông dân".
Chị Nguyễn Thị Thắm ở quận Hoàng Mai, cho hay, thấy thông tin trên mạng xã hội chia sẻ thông tin kêu gọi giải cứu trứng cho người nông dân, sau khi tan giờ làm chị Thắm tranh thủ ghé qua điểm bán hàng ở Định Công, gần đường vành đai 3 mua 30 quả trứng gà hết 75 nghìn đồng.
"Nếu vào siêu thị mua thì khoảng 35 nghìn đồng/ chục quả, không mắc hơn nhiều nhưng mua trứng giải cứu cho nông dân, tôi cảm thấy vui hơn", chị Thắm chia sẻ.
Theo ghi nhận tại một điểm bán hàng trên đường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, một người bán hàng giới thiệu loại trứng được chuyển đến đây bằng xe ô tô, có nguồn gốc từ xã Liên Châu, huyện Thanh Oai.
Trên chiếc xe tải có tấm biển ghi dòng chữ "Giải cứu trứng cho người nông dân" cùng giá bán 65 nghìn đồng/ 30 quả. Bên cạnh là hàng nghìn quả trứng được chia ra nhiều túi, mỗi túi 30 quả.
Một người bán hàng ở khu vực này cho hay, sau Tết thị trường tiêu thụ kém, trong khi đó gà ở các trang trại vẫn liên tục đẻ, bị tồn nhiều nên chủ trại mang về Hà Nội bán.
Cũng theo ghi nhận, tại một số điểm bán hàng gần khu vực trường đại học thì thường có nhiều sinh viên đến mua, Lê Thị Vân (sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội) mua trứng giải cứu sẽ rẻ hơn ở chợ và siêu thị.
"Thay vì mua 20 quả thì số tiền ấy mua ở đây được khoảng 30 quả, tuy không rõ nguồn gốc nhưng theo tôi thì trứng gà hay trứng vịt không làm giả được", chị Vân nói.
Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Sáng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, địa phương này không có chuyện "giải cứu trứng gà, vịt cho người dân xã Liên Châu" .
Theo chủ tịch huyện Thanh Oai, địa phương chưa nhận được đề nghị từ phía người dân và các ban ngành về việc hỗ trợ nông dân trong thời điểm này.
Còn, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, nhận định, từ đầu năm 2023, mức độ tiêu thụ trứng có giảm nhưng không đến mức phải "giải cứu".
Nói về sự xuất hiện của nhiều điểm bán hàng "giải cứu", ông Sơn cho rằng, đây có thể làm một hình thức bán hàng, tạo sự quan tâm của người mua.
Trước đó, trong một cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Hòa – phó chủ nhiệm Hợp tác xã Kim Tiến, xã Kim Tân, huyện Kim Sơn, cho biết, năm nay mức độ tiêu thụ gia cầm và trứng gia cầm có phần giảm, người nông dân vẫn chăn nuôi và vẫn sản xuất. Cụ thể hợp tác xã có 24 hội viên thì có 4 hộ gia đình nuôi gia cầm, nhưng không có gia đình nào đi bán trực tiếp.
"Đa số là các dân buôn đánh xe về tận nơi thu gom, họ ép giá xuống thấp nhất cũng phải chịu. Giá trứng vịt đang bán tại trang trại là 35 nghìn đồng/ kg, tương đương với 25 quả. Tính ra thì người nông dân không có lãi nhiều, nếu không tính toán kỹ là lỗ vốn", ông Hòa cho hay.