Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ninh Bình: Khai thác di sản hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác Văn hóa, Thể thao và Gia đình năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Năm 2024, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức thành công 71 sự kiện văn hóa và thể thao. Các đơn vị trong ngành tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả và hoàn thành tốt các nhiệm vụ như: tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao chào mừng kỷ niệm các sự kiện chính trị, các ngày lễ của đất nước và địa phương, đặc biệt là tổ chức thành công Kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế (924 - 2024), Khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024; Giải Bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup năm 2024; Lễ ký kết chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Ninh Bình và Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam… thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo Nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.

ninh binh khai thac di san hieu qua thuc day phat trien kinh te  xa hoi hinh 1

Ninh Bình đánh thức di sản để phát triển du lịch. Ảnh: ST

Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao được quan tâm, trong năm, thể thao thành tích cao đạt 420 huy chương, tăng 101 huy chương các loại so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 143,8% so với kế hoạch năm 2024.

Hoạt động nghệ thuật quần chúng tại các huyện, thành phố diễn ra sôi nổi, hưởng ứng các ngày lễ, ngày kỷ niệm trong năm. Phong trào luyện tập thể dục, thể thao quần chúng được duy trì thường xuyên. Toàn tỉnh đã tổ chức hơn 830 cuộc thi đấu thể dục thể thao ở cơ sở; số người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên ước đạt 36,8%; tỷ lệ gia đình thể thao đạt 29,6%.

Năm 2025, ngành Văn hóa, thể thao phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ trong tâm như: Tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đồng thời chỉ đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh các huyện, thành phố tập trung thực hiện và hoàn thành xuất sắc các hoạt động văn hoá, gia đình, thể dục thể thao phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước và địa phương. Trình UBND tỉnh ban hành: Đề án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa - xã hội, môi trường-sinh thái chuyên biệt, đặc sắc ở Ninh Bình dựa trên tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh gắn với phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố sáng tạo, gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO;…

Bí thư Tỉnh uỷ Đoàn Minh Huấn ghi nhận và biểu dương những thành tích mà ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh đạt được trong năm qua. Đó là sức mạnh, giá trị văn hóa chuyển hóa vào trong cuộc sống, khó có thể đo lường bằng giá trị vật chất.

ninh binh khai thac di san hieu qua thuc day phat trien kinh te  xa hoi hinh 2

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh uỷ Đoàn Minh Huấn trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Mạnh Cường.

 

Gợi mở một số vấn đề để ngành Văn hóa nghiên cứu, triển khai trong năm 2025, Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh: Ninh Bình có tài sản lớn nhất là di sản, là các tài nguyên văn hóa, trước đây chúng ta mới chỉ khai thác được một tầng rất nông, muốn khai thác sâu, đưa Ninh Bình trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa cần chuyển từ khai thác “thô” sang khai thác “tinh”. Di sản cần được khai thác có hiệu quả để biến tài nguyên di sản thành của cải vật chất, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội.

Năm 2025 là năm cuối về đích hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ 2020-2025, là năm đứng trước bước ngoặt - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Công việc, nhiệm vụ của những người làm văn hóa rất lớn. Tài nguyên văn hóa, di sản văn hóa là điểm khác biệt giúp Ninh Bình tự tin đi ra thế giới. Tuy nhiên, để khai thác, phát huy những giá trị đó không dễ, cần phải bằng những cơ chế, chính sách kiến tạo, sáng tạo. Sở phải nghiên cứu kỹ hơn trong quá trình tham mưu để có sự chuyển đổi. Chuyển từ nghiên cứu phần nổi sang nghiên cứu sâu sắc, toàn diện, làm rõ hơn những giá trị tinh túy của tài nguyên di sản, thông qua nhà khoa học, các chuyên gia bóc tách, đánh giá trữ lượng tài nguyên, cần tiến hành phân tích, đánh giá lại những giá trị đồ sộ và độc đáo của di sản văn hóa Ninh Bình để mọi người cùng nhận diện được giá trị to lớn, độc đáo của nó.

Ngành Văn hóa cần chuyển quan niệm từ phát triển văn hóa thể thao, tài nguyên đơn thuần sang phát triển văn hóa kép: kinh tế di sản, kinh tế thể thao, kinh tế văn hóa… Để làm được điều này thì mô hình như thế nào, cơ chế ra sao để văn hóa thành tài nguyên, nguồn lực cần phải nghiên cứu tính toán kỹ. Tuy nhiên, điều tiên quyết là phải coi trọng yếu tố nhân lực, nguồn lực về con người trong quá trình thực hiện. Cần chuyển từ tư duy sáng tạo văn hóa cổ điển sang tư duy của sáng tạo phục vụ công nghiệp văn hóa, để các sản phẩm có thể thương mại hóa, mang lại giá trị kinh tế cao. Ninh Bình hiện có nhiều dư địa phát triển công nghiệp văn hóa.

Về quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, cần chuyển đổi mô hình quản trị truyền thống sang mô hình quản trị mới cho phù hợp với thực tiễn.

Cần tiếp tục đầu tư xứng đáng cho xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, văn hóa gia đình, xây dựng và phát triển các mô hình văn hóa, các hoạt động thể thao quần chúng ở cơ sở. Ngành cần tạo ra môi trường văn hóa, hội tụ nguồn lực con người, huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp, tham mưu cho các cơ quan quản lý tạo ra cơ chế, chính sách cụ thể tạo ra động lực lực cho phát triển mạnh mẽ văn hóa của tỉnh…

Nhân dịp này, năm 2024, Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình có 1 cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 1 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen do có nhiều thành tích xuất sắc; có 4 cá nhân và 2 tập thể được UBND tỉnh tặng Bằng khen chuyên đề, đột xuất do lập thành tích xuất sắc...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...