Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Muối "cháy hàng" ở Trung Quốc sau khi Nhật Bản xả nước nhiễm xạ từ nhà máy Fukushima

Các đơn vị bán lẻ trực tuyến ở nhiều nơi trên khắp Trung Quốc đã hết sạch muối sau khi Nhật Bản bắt đầu xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Muối 'cháy hàng' ở Trung Quốc sau khi Nhật Bản xả nước nhiễm xạ từ nhà máy Fukushima - Ảnh 1.

Người dân Thượng Hải đi mua muối ngày 24/8. Ảnh: Shine.cn

Trung Quốc đã quyết định cấm ngay lập tức việc nhập khẩu tất cả các mặt hàng hải sản từ Nhật Bản khi Tokyo bắt đầu xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển ngày 24/8. Lý do mà Bắc Kinh đưa ra là nguy cơ ô nhiễm phóng xạ và sự lo ngại của người tiêu dùng.

Hãng tin Reuters và nhiều tờ báo khác sau đó cho biết một số nhãn hiệu muối đã cháy hàng trên các trang giao hàng trực tuyến ở tỉnh ven biển Phúc Kiến, cũng như ở một số khu vực của Bắc Kinh và Thượng Hải.

“Thực sự tôi không cần thiết phải tích trữ muối, nhưng khi thấy mọi người đổ xô đi mua muối vào sáng nay, tôi đã lặng lẽ đặt 10 gói”, một người dùng mạng xã hội viết. “Tôi mua muối hồ và muối từ các mỏ muối. Bây giờ tôi tránh dùng muối biển”.

Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy các kệ muối trong một siêu thị ở Bắc Kinh đã trống trơn, trong khi truyền thông cho biết cổ phiếu của một số công ty lọc nước mặn Trung Quốc đã tăng tới 10%.

Muối 'cháy hàng' ở Trung Quốc sau khi Nhật Bản xả nước nhiễm xạ từ nhà máy Fukushima - Ảnh 2.

Một nhãn hiệu muối tại siêu thị Thượng Hải hạn chế số sản phẩm mà mỗi khách hàng được mua trong một ngày. Ảnh: Shine.cn

Muối 'cháy hàng' ở Trung Quốc sau khi Nhật Bản xả nước nhiễm xạ từ nhà máy Fukushima - Ảnh 3.

Ảnh: Shine.cn

Các tập đoàn công nghiệp và chính quyền các tỉnh ven biển Phúc Kiến, Quảng Đông đã cố gắng trấn an người tiêu dùng.

Giới chức thành phố Phúc Châu (tỉnh Phúc Kiến) tuyên bố trên mạng xã hội rằng sẽ “đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng và đủ lượng muối thực phẩm dự trữ”, đồng thời kêu gọi người dân “mua muối hợp lý theo nhu cầu sử dụng”.

Tập đoàn Công nghiệp Muối Quảng Đông nói với truyền thông rằng chính quyền địa phương có đủ lượng muối dự trữ. Các cuộc thử nghiệm của họ cho thấy muối biển sản xuất tại địa phương vẫn đảm bảo an toàn.

Giám đốc Hiệp hội Công nghiệp Muối Trung Quốc cho biết nước này có các quy định nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Sản lượng muối trong nước đủ để đáp ứng nhu cầu, vì vậy khách hàng không nên tích trữ.

Được Chính phủ Nhật Bản phê duyệt cách đây hai năm và được cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc “bật đèn xanh” tháng trước, việc xả nước phóng xạ là một bước quan trọng trong quá trình đóng cửa nhà máy Fukushima.

Tuy nhiên, Trung Quốc nhắc lại sự phản đối mạnh mẽ của nước này đối với kế hoạch của Nhật Bản và cho biết Tokyo đã không chứng minh được tính hợp pháp của việc xả nước.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố: “Phía Nhật Bản không nên gây ảnh hưởng thứ cấp cho người dân địa phương và thậm chí người dân trên thế giới vì lợi ích của chính mình”.

Trung Quốc tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp để bảo vệ môi trường biển và sức khỏe cộng đồng, đồng thời tăng cường giám sát mức độ phóng xạ trong vùng biển sau khi xả thải.

Ngược lại, Tokyo chỉ trích Trung Quốc vì đã lan truyền “những tuyên bố vô căn cứ về mặt khoa học”.

Tác động của lệnh cấm nhập khẩu hải sản

Trung Quốc vốn là “khách hàng” nhập khẩu hải sản lớn của Nhật Bản, nhưng việc xuất khẩu hải sản trên thực tế chỉ chiếm chưa đến 1% thương mại toàn cầu của Tokyo.

Takahide Kiuchi, nhà kinh tế của Viện nghiên cứu Nomura cho biết, xuất khẩu hải sản sang Trung Quốc đại lục và Hồng Kông (Trung Quốc) chỉ chiếm 0,17% tổng sản lượng xuất khẩu của Nhật Bản vào năm ngoái.

Cụ thể, Nhật Bản xuất khẩu số hải sản trị giá 87,1 tỷ yên sang Trung Quốc đại lục, và số hải sản trị giá 75,5 tỷ yên sang Hồng Kông (Trung Quốc) trong năm 2022.

Các nhà phân tích cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản, chủ yếu từ ô tô và máy móc, đạt gần 100 nghìn tỷ yên. Ngoài ra, phần lớn sản lượng cá đánh bắt của Nhật Bản cũng được tiêu thụ trong nước, nên tác động từ lệnh cấm nhập khẩu hải sản của Trung Quốc là không đáng kể, chủ yếu mang ý nghĩa chính trị.

“Ngay cả khi việc đình chỉ nhập khẩu tiếp tục trong một năm, thì tác động làm giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản chỉ là 0,03%”, chuyên gia Takahide Kiuchi nói.

Tuy nhiên, đơn vị điều hành nhà máy Fukushima – Tập đoàn Điện lực Tokyo (Tepco) vẫn tuyên bố sẽ bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp trong nước do xuất khẩu sụt giảm vì lệnh cấm.

Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy khoảng 82% công ty Nhật Bản kỳ vọng Trung Quốc ít nhất vẫn đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của họ trong tương lai như hiện tại.

Dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy Trung Quốc đại lục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản trong năm 2022, ở mức 145 tỷ đô la.

Ngoài Nhật Bản, Trung Quốc còn mua hải sản từ các nước khác bao gồm Ecuador, Nga và Canada.

Nước thải từ nhà máy Fukushima sẽ được xả theo từng phần nhỏ và được kiểm tra thêm. Lần đầu tiên xả 7.800 mét khối - tương đương khoảng ba bể bơi Olympic, dự kiến kéo dài trong khoảng 17 ngày.

Theo kết quả kiểm tra của Tepco công bố hôm thứ Năm, nước này chứa khoảng 63 becquerel tritium mỗi lít, thấp hơn quy chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về giới hạn trong nước uống là 10.000 becquerel mỗi lít. Becquerel là một đơn vị đo độ phóng xạ.

Bộ Môi trường cho biết Nhật Bản sẽ tiến hành giám sát xung quanh khu vực xả nước và công bố kết quả hằng tuần.

Tepco ước tính quá trình xả nước - tổng cộng hơn 1,3 triệu tấn - sẽ mất khoảng 30 năm.

Theo Reuters

Theo Minh Hạnh

Tiền Phong


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...