Lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ vọt lên 4,2%, chưa từng có kể từ khủng hoảng tài chính 2008
Lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ đã tăng trở lại hôm 20/10, leo lên mức chưa từng thấy trong hơn một thập kỷ qua.
Cụ thể, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng 10 điểm cơ bản lên 4,23%, thậm chí có lúc chạm 4,239%, mức cao nhất kể từ năm 2008 - thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm, vốn nhạy cảm với các chính sách tiền tệ, cũng đã tăng 5 điểm cơ bản lên 4,608%. Lợi suất chuyển động ngược chiều với giá.
"Tôi nghĩ 4% là con số hợp lý", Michael Schumacher của Wells Fargo nói. "Con số 4,22% trở nên là không thể kiểm soát. Chúng ta không cần 10 năm để hành động như với một cổ phiếu meme. Điều đó không lành mạnh".
Ở thời điểm hiện tại, lợi suất trái phiếu tăng cao khi những lo ngại với suy thoái gia tăng do Cục dự trữ Liên bang Mỹ quyết tâm chống lạm phát dai dẳng bằng cách tăng lãi suất. Ngân hàng dự kiến tăng lãi suất 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tiếp theo vào mùng 1 và 2/11.
Hôm 20/10, Chủ tịch Fed Philadelphia Patrick Harker cũng nói rằng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất. "Khi chúng ta không đạt được bất cứ tiến bộ nào trong kiềm chế lạm phát, chúng tôi nghĩ rằng lãi suất sẽ đạt trên 4% vào cuối năm", ông Harker nói.
Trong một diễn biến khác, chứng khoán tương lai của Mỹ tiếp tục giảm điểm khi các nhà đầu tư vừa trải qua một phiên biến động với lợi suất trái phiếu tăng cao và báo cáo thu nhập doanh nghiệp sẽ được công bố ồ ạt. Tính tới 15h theo giờ Hà Nội, Dow Jones futures giảm 84,6 điểm, tương đương 0,28% xuống còn chưa đầy 30.250 điểm. S&P 500 futures cũng giảm 0,42% trong khi Nasdaq giảm 0,71%.
Trước đó, chứng khoán Mỹ đã quay đầu giảm điểm trong phiên 20/10. Đây được mô tả là một cú quay xe "gắt" khi Dow Jones mở đầu phiên với mức tăng gần 400 điểm. Lợi suất trái phiếu kho bạc tăng mạnh đã dội một gáo nước lạnh vào chứng khoán.
Dẫu vậy, ngay cả khi hứng chịu một phiên giảm, chứng khoán Mỹ vẫn đang đi theo con đường có một tuần tốt nhất kể từ đầu tháng 9. Hai cú tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 17 và 18/10 đã giúp chứng khoán Mỹ có một bước đà tốt.
Trong khi đó, thu nhập doanh nghiệp đang có những diễn biến trái chiều. Trong khi AT&T và IBM nằm trong số những doanh nghiệp có kết quả tốt hơn so với dự tính, một số cái tên khác như Snap và Robert Half lại không đạt kỳ vọng và bị bán tháo cổ phiếu.
"Thị trường đang cố gắng tìm kiếm mọi dấu hiệu cho thấy lạm phát đang biến động theo hướng mà FED có thể giảm tốc độ tăng lãi suất", Jamie Cox của Harris Financial Group cho biết.
Chứng khoán châu Âu cũng đang giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 21/10. DAX của Đức giảm 193,51 điểm, tương đương 1,52%; FTSE 100 của Anh giảm 46 điểm, tương đương 0,67% còn CAC 40 của Pháp giảm 100 điểm, tương đương 1,65%. Euro Stoxx 500 cũng giảm tới 1,56%.
Tham khảo: CNBC
Nhịp sống Thị trường