Liên minh châu Âu cân nhắc hạ mức giá trần dầu Nga
Các quan chức Liên minh châu Âu (EU) đang đàm phán về một mức trần thấp hơn đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga.
Theo nguồn tin của Bloomberg, mức giá được đề xuất là 60 đô la Mỹ/thùng .
EU đã bế tắc về vấn đề này kể từ tuần trước khi Ba Lan, Estonia và Lithuania khẳng định rằng mức trần đề xuất từ 65-70 đô la là “quá hào phóng” đối với Mátxcơva. Thay vào đó, EU nên đặt giá trần ở mức 30 đô la, cho phép Mátxcơva chỉ lãi 10 đô la trên mỗi thùng, với giả định chi phí sản xuất là 20 đô la mỗi thùng.
Trong khi đó, các “ông lớn” vận chuyển, bao gồm Hy Lạp, Malta và Đảo Síp đã đề xuất mức trần khoảng 70 đô la/thùng.
Nguồn tin của Bloomberg không nói rõ rằng liệu tất cả các quốc gia có đồng ý với mức trần 60 đô la hay không, nhưng hầu hết họ không phản đối nếu mức này đi kèm với các yêu cầu khác.
Một trong những nguồn giấu tên cho biết con số 60 đô la sẽ phù hợp với khoảng giá trần của nhóm G7. Các cuộc đàm phán hiện vẫn đang diễn ra.
Biện pháp áp giá trần - được đề xuất bởi Mỹ - sẽ làm giảm doanh thu từ dầu mỏ của Mátxcơva. Nhưng trên thực tế, con số 60 đô la được cho là cao hơn một chút so với giá dầu thô Urals của Nga ở thời điểm hiện tại.
Để được thông qua, mức trần giá dầu phải được tất cả các quốc gia thành viên EU và nhóm G7 ủng hộ.
EU chịu áp lực phải đưa ra mức giá trần trước ngày 5/12, khi một biện pháp trừng phạt khác của khối đối với dầu Nga có hiệu lực.
Giới hạn giá được cho là sẽ giúp ngăn các công ty vận chuyển, bảo hiểm giao dịch với các nhà sản xuất hoặc đại lý dầu mỏ của Nga. Hầu hết các công ty vận chuyển và bảo hiểm lớn đều có trụ sở tại các quốc gia G7, có nghĩa là một thỏa thuận giữa các quốc gia đó sẽ cản trở nghiêm trọng khả năng bán dầu của Mátxcơva với giá cao hơn mức trần. Nga đã nhiều lần tuyên bố sẽ không bán dầu cho bất kỳ quốc gia nào áp giới hạn giá.
Tuần trước, Nga đã cảnh báo các quốc gia ủng hộ mức giá trần của G7 rằng họ sẽ bị cắt giảm sản lượng nhập khẩu dầu trong tương lai. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova viện dẫn sự bất ổn về kinh tế và chính trị do một biện pháp như vậy gây ra, cho rằng nó sẽ tạo ra một "tiền lệ nguy hiểm" khi các quốc gia sản xuất dầu phát hiện ra rằng họ có thể bị nhắm mục tiêu tương tự bởi các biện pháp trừng phạt có động cơ ý thức hệ.
Theo RT
Theo Minh Hạnh
Tiền Phong