Hàn Quốc chế tạo gạo lai thịt bò
Một nhóm các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đã tạo ra loại gạo lai thịt bò được nuôi cấy từ cơ và tế bào mỡ động vật bên trong hạt gạo.
Nhóm nghiên cứu tuyên bố rằng khi được thương mại hóa, gạo lai thịt bò này có thể cung cấp "nguồn protein thay thế bền vững với giá cả phải chăng và thân thiện với môi trường (lượng khí thải carbon thấp hơn).
"Hãy tưởng tượng có được tất cả các chất dinh dưỡng chúng ta cần từ gạo protein nuôi cấy tế bào. Gạo vốn đã có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhưng việc bổ sung thêm tế bào từ vật nuôi có thể nâng cao hơn nữa thông số này", Sohyeon Park, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, người đã hợp tác cùng với đồng tác giả Jinkee Hong tại Đại học Yonsei, Hàn Quốc, cho biết.
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học đã phát triển thịt nuôi cấy tế bào bằng cách mô phỏng môi trường tế bào bằng gạo. Vì hạt gạo xốp và có cấu trúc có tổ chức nên người ta nhận thấy chúng cung cấp một "khung vững chắc" để chứa các tế bào có nguồn gốc từ động vật trong các ngóc ngách của cấu trúc gạo. Một số phân tử được tìm thấy trong gạo cũng có thể nuôi dưỡng và thúc đẩy sự phát triển của các tế bào này, điều mà các nhà nghiên cứu cho rằng khiến gạo trở thành một nền tảng lý tưởng.
Trong nghiên cứu, đầu tiên nhóm phủ gạo bằng gelatin cá. Sau đó, tế bào gốc mỡ và cơ bò được "tiêm" vào gạo và để nuôi cấy trong đĩa petri từ 9 đến 11 ngày. Sản phẩm cuối cùng được thu hoạch là gạo lai thịt nuôi cấy tế bào với các thành phần chính được cho là "đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm và có nguy cơ gây dị ứng thực phẩm thấp".
Gạo lai thịt bò được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. (Ảnh: Đại học Yonsei)
Để xác định đặc điểm của gạo thịt bò lai, các nhà nghiên cứu đã nấu gạo này và thực hiện nhiều phân tích khác nhau trong ngành thực phẩm, bao gồm giá trị dinh dưỡng, mùi và kết cấu. Các phát hiện cho thấy lúa lai chứa nhiều protein hơn 8% và chất béo cao hơn 7% so với gạo thông thường. So với kết cấu dẻo và mềm điển hình của gạo thông thường, gạo lai được nhận định là có kết cấu chắc hơn. Loại protein này đặc biệt có 18% nguồn gốc từ động vật, nghĩa là giàu axit amin thiết yếu.
Ông Park nhận xét: "Chúng ta thường thu được lượng protein cần thiết từ chăn nuôi, nhưng hoạt động chăn nuôi tiêu tốn rất nhiều tài nguyên, nước và thải ra nhiều khí nhà kính".
Theo nhóm nghiên cứu, sản phẩm cuối cùng có "lượng khí thải carbon nhỏ hơn đáng kể với mức giá chỉ bằng một phần nhỏ". Trên thực tế, cứ 100 g protein được sản xuất, lúa lai ước tính thải ra ít hơn 6,27 kg CO2, trong khi thịt bò thải ra 49,89 kg.
Các nhà khoa học dự đoán: "Nếu được thương mại hóa, lúa lai có thể có giá khoảng 2,23 USD/kg, trong khi thịt bò có giá 14,88 USD/kg". Sản phẩm này được xem là một lựa chọn hấp dẫn có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm thịt bò truyền thống.
"Chúng tôi nhận thấy có rất nhiều khả năng cho loại thực phẩm lai làm từ ngũ cốc này. Một ngày nào đó nó có thể đóng vai trò cứu trợ lương thực cho nạn đói, khẩu phần ăn cho quân đội hoặc thậm chí là thực phẩm trong không gian", ông Parks kết luận.
Theo Quỳnh Chi