Hà Nội "thúc" triển khai dự án đường BT hơn 6 nghìn tỷ chậm tiến độ 10 năm
UBND TP Hà Nội cho biết, tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ của các Sở, ngành TP, đơn vị để tiếp tục thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây theo hình thức hợp đồng BT còn chậm nên cần khẩn trương thực hiện loạt nhiệm vụ, đảm bảo hoàn thành toàn bộ dự án năm 2025.
Văn phòng UBND TP vừa có Thông báo Kết luận của các Phó Chủ tịch UBND TP: Nguyễn Trọng Đông, Dương Đức Tuấn tại cuộc họp nghe báo cáo về xử lý các tồn tại, vướng mắc, thủ tục đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây theo hình thức hợp đồng BT và các dự án khác để hoàn vốn dự án BT.
Thông báo nêu rõ, trước đó HĐND TP, UBND TP đã chỉ đạo các Sở, ngành TP, đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tiếp tục thực hiện Dự án đầu tư vào Quý I/2023 và hoàn thành năm 2025. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ của các Sở, ngành TP, đơn vị còn chậm.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai hoàn chỉnh các thủ tục để tiếp tục thực hiện Dự án đầu tư, đảm bảo hoàn thành Dự án vào năm 2025, các Phó Chủ tịch UBND TP thống nhất yêu cầu các Sở, ban, ngành TP, các địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện loạt nhiệm vụ.
Theo đó, đối với việc điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây theo hình thức hợp đồng BT, UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động hướng dẫn các đơn vị hoàn chỉnh thủ tục để sớm thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây theo hình thức hợp đồng BT sau khi tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, đảm bảo yếu tố pháp lý chặt chẽ của Dự án đầu tư.
Đối với việc gia hạn hợp đồng BT và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, UBND TP giao Sở Giao thông vận tải khẩn trương hoàn chỉnh quy trình, thủ tục ký phụ lục gia hạn hợp đồng BT với Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (thời gian hoàn thành trong tháng 6/2023).
Thống nhất chủ trương đối với báo cáo, đề xuất của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP về việc tạm thời gia hạn thời gian thực hiện dự án, thời gian thực hiện hợp đồng dự án BT đến ngày 31/12/2023 (thời gian thực hiện cụ thể sẽ được xác định và ký phụ lục sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh của dự án được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt) để đảm bảo hiệu lực hợp đồng được liên tục, xuyên suốt, làm cơ sở cho Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tiếp tục triển khai công tác giải phóng mặt bằng, triển khai thi công (nhất là đoạn tuyến đã GPMB khoảng 7km từ km19+900 đến km26+500).
Về việc phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công đoạn tiếp theo từ km19+900 - km41+500 theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã được Sở Giao thông vận tải thẩm định tại văn bản số 9478 ngày 29/10/2019 làm cơ sở triển khai thi công đoạn tuyến đã được bàn giao mặt bằng. Giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP và Sở Giao thông vận tải hướng dẫn tổ chức thực hiện theo quy trình, quy định.
Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, cùng các đơn vị có liên quan khôi phục mốc giới theo chỉ giới đường đỏ đã phê duyệt để các huyện thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng tuyến đường.
Cùng với đó, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (nhà đầu tư) và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển địa ốc Cienco 5 (doanh nghiệp dự án) khẩn trương củng cố hồ sơ điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây theo hình thức hợp đồng BT, hoàn thiện phụ lục hợp đồng BT.
Xem xét gia hạn thời gian thực hiện các dự án đối ứng
Về công tác giải phóng mặt bằng Dự án BT, UBND TP giao UBND các huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên khẩn trương, tích cực giải phóng mặt bằng phần còn lại của giai đoạn 2 thuộc dự án đầu tư (14km qua địa bàn 2 huyện). Yêu cầu hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng đầu Quý I/2024 để đảm bảo tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án năm 2025…
Về các dự án đầu tư đối ứng, UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị về quy trình, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đối ứng (Khu đô thị Thanh Hà A, B; Khu đô thị Mỹ Hưng) theo quy định của pháp luật; xem xét việc gia hạn thời gian thực hiện các dự án đối ứng.
Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương bàn giao mốc ranh giới Khu đô thị Mỹ Hưng để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 và Công ty cổ phần Đầu tư phát triển địa ốc Cienco 5 khẩn trương hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đối ứng.
Liên quan đến xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại các dự án đối ứng , theo đó tại các Khu đô thị Thanh Hà A, Thanh Hà B, đối với các hạng mục, công trình không có vi phạm về trật tự xây dựng, vi phạm về quy hoạch, UBND TP giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với UBND quận Hà Đông, UBND huyện Thanh Oai, Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tham mưu, báo cáo UBND TP để hoàn thiện các thủ tục liên quan đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Đối với các hạng mục, công trình vi phạm, yêu cầu làm rõ nội dung, mức độ vi phạm, căn cứ quy định của pháp luật để đề xuất phương án xử lý, báo cáo UBND TP.
Được biết, Dự án BT Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây có tổng vốn đầu tư hơn 6.067 tỷ đồng. Nguồn kinh phí đầu tư được đối ứng bằng tiền sử dụng đất của 3 dự án: Khu đô thị Thanh Hà A (195,5ha), Khu đô thị Thanh Hà B (193,22ha), Khu đô thị Mỹ Hưng (182ha).
Thực hiện dự án có 2 đơn vị tham gia, gồm: Nhà đầu tư là Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 và doanh nghiệp dự án là Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5. Dự án BT được triển khai từ năm 2008 nhưng mới hoàn thành 19,9km, còn 21,6km đang GPMB, đến nay dự án chậm hơn 9 năm.
Theo Đình Phong
Tiền phong