Gói thầu 35.000 tỷ sẽ là bệ phóng tăng trưởng cho nhóm Vietur giai đoạn 2023-2026
Chiều 24/8, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã chính thức công bố Liên danh Vietur đã vượt qua vòng chấm thầu để trở thành nhà thầu thi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành - gói thầu lớn nhất dự án này. Tương lai và sức khỏe tài chính của nhóm Vietur vừa trúng thầu đang là chủ đề nóng được nhiều người quan tâ
Động lực tăng trưởng giai đoạn 2023-2026, lợi nhuận có thể đạt tới hơn 500 tỷ mỗi doanh nghiệp
Mới đây, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - chủ đầu tư dự án thành phần 3 sân bay Long Thành) cho biết, sau hơn 2 tháng chấm chọn nhà thầu thi công và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách sân bay Long Thành, cuối cùng đã chọn được Liên danh Vietur trúng thầu.
Về thời gian khởi công thi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành, ban đầu ACV dự kiến ngày 26/8, nhưng nay phải lùi lại ngày 31/8. Kế hoạch khởi công này đã được ACV trình cấp thẩm quyền thông qua.
Với kết quả trên, Liên danh Vietur đã vượt qua 2 liên danh còn lại là Liên danh Hoa Lư và Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors để thi công gói thầu trị giá hơn 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành. Kết quả này không quá bất ngờ, khi Vietur là liên danh duy nhất vượt qua vòng chấm hồ sơ kỹ thuật để bước vào vòng chấm hồ sơ chào giá đã được ACV công bố hồi đầu tháng 8 này.
Ông Trần Bá Trung - chuyên gia phân tích tại VNDIRECT tin rằng Dự án sân bay Long Thành sẽ là động lực tăng trưởng cho các DN xây dựng – vật liệu xây dựng trong giai đoạn 2023-2026. Với quy mô giá trị gói thầu lớn tại sân bay Long Thành, các doanh nghiệp xây lắp được lựa chọn tham gia thi công sẽ đứng trước cơ hội bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới. VNDIRECT lưu ý gói thầu tại các dự án sân bay thường được chủ đầu tư đối ứng vốn trong thời điểm khởi công lớn hơn (khoảng 30 - 50%) so với các dự án hạ tầng giao thông thông thường (10 - 20%), qua đó hỗ trợ dòng tiền cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng.
Trong nửa đầu năm 2023, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng chịu ảnh hưởng mạnh từ việc thị trường bất động sản suy yếu, dẫn đến việc đình trệ trong thi công các dự án xây dựng nhà ở. Điều này đã khiến cho doanh thu ngành xây dựng giảm sút rõ rệt.
Tuy nhiên, việc Chính phủ sẽ triển khai các dự án giao thông trọng điểm mới trong nửa sau của năm 2023 được kỳ vọng sẽ là "phao cứu sinh" cho cả ngành xây dựng, vật liệu xây dựng. Tại buổi tọa đàm "Thị trường vật liệu xây dựng: Những điểm nghẽn và giải pháp" diễn ra mới đây, các hội, hiệp hội về vật liệu xây dựng cho rằng để giải quyết khó khăn hiện tại, cần đẩy mạnh đầu tư công để đạt từ 95 - 100% của kế hoạch năm 2023. Như vậy, việc trúng gói thầu trị giá rất lớn so với mặt bằng chung, nhóm liên danh Vietur đang thành một điểm sáng trong ngành, ổn định và bứt phá doanh thu, hạn chế tác động của nền kinh tế và thị trường BĐS trong giai đoạn biến động.
Theo Vietcap, gói thầu Long Thành 5.10 trở thành giá trị backlog hấp dẫn khi khối lượng công việc này tương đương với 126% tổng giá trị hợp đồng ký mới hàng năm của CTD và HBC trong giai đoạn 2019-2022. Giả sử biên lợi nhuận ròng thu được trên tổng giá trị gói thầu là 3%, ước tíh tổng lợi nhuận ròng mà liên danh trúng thầu thu được sẽ vào khoảng 1.000 tỷ đồng.
Vietcap ước tính tổng lợi nhuận ròng tối đa là 525 tỷ đồng cho một nhà thầu tham gia gói thầu 5.10, trong trường hợp nhà thầu hoàn thành 50% tổng backlog của gói. Tuy nhiên, do thời gian xây dựng cho Sân bay Long Thành giai đoạn 1 là 39 tháng, tổng lợi nhuận ước tính trên sẽ được ghi nhận trong khoảng thời gian từ 3 năm đến 3,5 năm.
CC1- Cái tên nóng nhờ trúng loạt gói thầu lớn
Đáng chú ý, ngoài gói thầu 5.10 mà liên danh Vietur đã trúng, hồi tháng 7, Tổng Công Ty Xây dựng Số 1 - CTCP (Mã CK: CC1) cũng nằm trong liên danh thắng gói thầu số 12 "Xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất".
Gói thầu trị giá hơn 9.000 tỷ đồng đã về tay liên danh Tổng Công ty Xây Dựng Số 1- CTCP (CC1) – Hancorp -Tổng công ty 319 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn- Ricons - Công ty Xây dựng Lưu Nguyễn.
Tiếp đó, đến ngày, 17-8, Ông lớn này tiếp tục nằm trong liên danh trúng gói thầu số 21 trị giá hơn 1.400 tỉ đồng - thi công xây dựng dự án thành phần Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
Bóc báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp này cho thấy, hiện các khoản phải thu trong ngắn hạn lên đến gần 7 ngàn tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp ghi nhận 9.190 tỷ đồng. Doanh thu thuần Quý 2 đạt 1.236 tỷ đồng, tăng 225% so với quý trước. Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 1.782 tỷ. Đáng chú ý, nợ phải trả ngắn hạn của doanh nghiệp giảm đáng kể, khoảng 18% so với cuối năm 2022. Lượng tiền mặt gửi ngân hàng hiện tại ghi nhận 275,8 tỷ chưa tính các khoản đầu tư khác.
Hồi đầu năm, CC1 đạt kế hoạch doanh thu 10.761 tỷ đồng. Với sức khỏe tài chính khả quan, CC1 vừa phát đi thông báo chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 5%, dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu vào quý III hoặc quý IV/2023.
Theo PV
Tiền Phong