Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện cứu nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ - Hồi ức khó quên của người chiến sĩ Việt Nam

“Tôi tin với tinh thần quốc tế trong sáng, là một chiến sĩ Việt Nam, một con người Việt Nam, chúng tôi vẫn sẽ sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ, không từ chối bất cứ nguy hiểm, khó khăn gì” – Sau chuyến cứu nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, Trung tá Nguyễn Chí Thành đã có buổi chia sẻ đầy cảm xúc.

Trung tá Nguyễn Chí Thành (người ẵm đứa bé) cùng gia đình của em sau khi cứu kịp thời họ khỏi đống đổ nát – (Ảnh: Internet)

Trung tá Nguyễn Chí Thành, Phó Đội trưởng Đội 3 (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an TP.HCM) là một trong 24 chiến binh sao vàng tham gia cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng chí đã có 168 giờ cùng đồng đội tìm kiếm cứu nạn tại đất nước bạn với nhiều cảm xúc, đặc biệt là đã may mắn khi cứu được một nạn nhân sống sót thần kỳ...

Những ngày đầu tháng 2, sau trận động đất lịch sử lớn nhất trong 100 năm qua tại Thổ Nhĩ Kỳ, theo lời kêu gọi sự trợ giúp từ cộng đồng quốc tế của nước bạn, đã có hơn 20 quốc gia và tổ chức cứu nạn trên thế giới lên đường đến Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam cũng không nằm ngoài chiến dịch này. Đất nước mang màu cờ đỏ sao vàng đã gấp rút cử đoàn công tác cứu nạn. “Duyên” cũng như may mắn khi Trung tá Nguyễn Chí Thành được chọn tham gia trong chuyến đi cứu hộ xuyên biên giới đầy ý nghĩa đó.

“Là một chiến sĩ có kinh nghiệm cứu nạn, việc được chọn tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ là niềm tự hào, niềm vinh dự của một người lính, một người chiến sĩ công an” – Trung tá Nguyễn Chí Thành nói. Quả thật, ngay chính giây phút nhận lệnh, gia đình đồng chí cũng xen lẫn những cảm xúc, vừa tự hào, nhưng cũng không tránh khỏi lo lắng – vì đó là tâm động đất, dư chấn sẽ rất nguy hiểm. Không chỉ vậy, nhiệt độ -6 độ C đến -10 độ C, lạnh cắt da thịt, buốt tận xương tủy, nước không có, điện bị cắt hoàn toàn, có đồng chí suốt bảy ngày không tắm, chủ yếu ăn mì gói đem theo từ Việt Nam… - đó là điều Trung tá Thành và đồng đội đã trải qua.

Khi đến Thổ Nhĩ Kỳ - một cảnh tượng sụp đổ, điêu tàn, nhiều thương vong, khiến người lính mang trong mình dòng máu Việt “đau” - đau đớn gấp trăm ngàn lần khi ngồi xem trước tivi. “Các công trình, tòa nhà xung quanh đã sụp đổ toàn bộ, thiệt hại rất lớn về người và tài sản của người dân, khiến họ trắng tay, thậm chí có những gia đình các thành viên đều tử vong, một số vùng không còn ai sống sót” – Trung tá Thành chua xót kể lại.

Trung tá Thành tự hào là một trong 24 chiến binh sao vàng tham gia cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ - (Ảnh: Internet)

Ngay tức khắc, mọi người bắt tay cứu được nhiều người còn mắc kẹt, di dời thi thể ra khỏi đống đổ nát… trong cả ngày lẫn đêm. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của đồng chí Thành và đồng đội trong chuyến cứu nạn, cứu hộ đặc biệt này chính là đã giải cứu thành công nạn nhân 17 tuổi mắc kẹt trong đống đổ nát của tòa nhà bảy tầng, diện tích hơn 1.000 m2, rất khó tiếp cận. Đây là một kỳ tích cho đến thời điểm đó. “Chúng tôi tìm kiếm nạn nhân từ 7 giờ 30 đến 18 giờ. Chúng tôi liên tục sử dụng tất cả khả năng và thiết bị hiện đại như máy dò sóng âm, phát hiện sự sống, camera dò tìm trong đống đổ nát. Sau khi đánh giá được tình trạng còn sống của nạn nhân, chúng tôi dừng ngay máy móc đào bới, chuyển sang đào đường hầm bằng tay để không làm ảnh hưởng cấu trúc đống đổ nát gây nguy hiểm cho nạn nhân. Bằng sự nỗ lực, chúng tôi đã đưa được nạn nhân ra ngoài an toàn” – Trung tá Thành bồi hồi kể lại khoảnh khắc sinh tử đó.

22 năm làm công tác cứu nạn, cứu hộ, công việc đã ăn sâu trong máu, đồng chí Thành cũng như đồng đội của mình không chần chừ suy nghĩ mà dứt khoát, sẵn sàng lên đường ngay khi có lệnh - Dù chuyến đi đó sẽ như thế nào. Đồng chí Thành cùng các đồng đội chính là “tấm gương sáng” của người chiến sĩ Việt Nam, khi luôn thể hiện được tinh thần quyết tâm rất cao, sẵn sàng đối diện nguy hiểm, không ngại khó khăn gian khổ, trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ. Phối hợp chặt chẽ với các nước tham gia cứu nạn nhiệt tình, tận tâm, tận lực cùng nhau tìm kiếm nạn nhân đang mắc kẹt, nạn nhân đã mất bàn giao cho nước bạn. Qua đó, Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá rất cao và nhân dân rất biết ơn.

Sau 10 ngày xuất quân thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, đoàn công tác của Bộ Công an Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ và đã trở về nước vào chiều 19-2. Đoàn cũng đã trao tặng gần hai tấn thiết bị y tế do Bộ Công an Việt Nam hỗ trợ Cơ quan điều phối quốc gia AFAD và cho Sở Y tế TP Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ; thăm hỏi, tặng quà, động viên tinh thần người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi động đất, trong đó có một số gia đình người Việt.

“Qua chuyến đi này, chúng tôi học được rất nhiều kinh nghiệm. Việt Nam không có động đất nhưng chúng ta đều đã học được rất nhiều kinh nghiệm từ các quốc gia tham gia cứu nạn, cứu hộ ở nước bạn. Chúng ta dùng kiến thức, kinh nghiệm đó để đưa vào giáo án, thực tiễn cứu nạn, cứu hộ ở Việt Nam. Khi đất nước cần, thế giới cần, chúng ta lại có một hành trang vững vàng để hoàn thành tốt nhiệm vụ” – Trung tá Thành nói.

Tính đến ngày 22-2, hơn 47.000 người tử vong, hơn 264.000 tòa nhà thành đống đổ nát, hơn 80.000 người bị thương, hơn 1.500 trẻ em bị chia cắt khỏi gia đình, hàng ngàn người mất tích, hàng triệu người vô gia cư. Đó là tất cả những gì đã và đang diễn ra đầy bi thương sau trận động đất khốc liệt vào ngày 6-2 đổ ập xuống Thổ Nhĩ Kỳ, Syria./.

Hoàng Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết