Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ định hình tương lai thương mại toàn cầu
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang đe dọa kéo giảm tăng trưởng thương mại toàn cầu xuống dưới 5% vào 2026, tạo động lực cho các trung tâm mới nổi như Đông Nam Á và UAE.
Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã đối mặt với nhiều căng thẳng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, khi thế giới tiến gần hơn đến năm 2024, bức tranh toàn cảnh trở nên mờ mịt, đặc biệt sau kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần đây. Các nhà phân tích dự đoán, tình trạng này có thể làm gia tăng xung đột thương mại toàn cầu và tái định hình chuỗi cung ứng quốc tế.
Theo Allianz Trade, nếu chiến tranh thương mại leo thang dưới nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump, tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể giảm xuống dưới 5% vào năm 2026.
Việc áp đặt lại thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Trung Quốc và các mặt hàng chiến lược khác có khả năng kéo giảm tăng trưởng thương mại toàn cầu tới 0,6 điểm phần trăm, với những ngành trọng yếu như sản xuất ô tô và vận tải chịu ảnh hưởng nặng nề.
Xu hướng gần đây cho thấy Trung Quốc gánh chịu phần lớn thiệt hại từ những biến động kinh tế này. Dự báo đến năm 2025-2026, nước này có thể mất 67 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Đồng thời, các nước EU cũng đối mặt với tổn thất đáng kể, với mức thiệt hại hàng năm gần 38 tỷ USD từ các mức thuế trước đó.
Nếu tình hình leo thang thành "một cuộc chiến thương mại toàn diện", với mức thuế có thể đạt 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và 10% đối với các quốc gia khác, tổng thiệt hại toàn cầu có thể lên tới 217 tỷ USD, ảnh hưởng sâu sắc đến quan hệ thương mại trên toàn thế giới.
Sự thay đổi trong trật tự quyền lực kinh tế
Tỷ trọng thương mại toàn cầu của Mỹ đã giảm từ gần 15% xuống dưới 10% kể từ cuối thế kỷ 20. Trong khi đó, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ từ năm 2009 để trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới, củng cố vị thế của mình.
Trước những nguy cơ đối đầu gia tăng, cả Mỹ và Trung Quốc đều đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao nhằm định hình lại địa chính trị toàn cầu. Trung Quốc áp dụng chiến lược "con đường tơ lụa mới", nhấn mạnh sức mạnh mềm và ảnh hưởng kinh tế, trong khi Mỹ duy trì cách tiếp cận dựa trên "chính sách ưu tiên nước Mỹ", gắn liền với liên minh quân sự và các cam kết chính trị.
Mặc dù Mỹ và EU có điểm chung về một số vấn đề địa chính trị, nhưng lợi ích kinh tế của hai bên thường đối lập. EU, mắc kẹt giữa cam kết đồng minh với Mỹ và mối quan hệ thương mại lớn với Trung Quốc, đứng trước nguy cơ chịu tổn thất nặng nề nếu phải chọn phe. Những đợt áp thuế trước đây đã cho thấy EU thường phải trả giá cao hơn so với Mỹ khi thực hiện các biện pháp tương tự.
Nội bộ EU cũng bị chia rẽ trong cách tiếp cận với Mỹ và Trung Quốc. Sự chia rẽ này có thể tạo cơ hội cho hai cường quốc tìm kiếm các thỏa thuận ưu đãi riêng, làm suy yếu sự đoàn kết của châu Âu.
Trung tâm thương mại mới nổi
Trong khi nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc giảm, thương mại song phương giữa các quốc gia có mối quan hệ địa chính trị gần gũi ngày càng tăng, hiện chiếm khoảng 60% giao thương toàn cầu. Điều này không chỉ cho thấy sự kiên cường mà còn minh chứng cho khả năng thích nghi với thực tế mới của thương mại quốc tế.
Những trung tâm thương mại mới như Đông Nam Á, Philippines và UAE đang nổi lên, lấp đầy khoảng trống mà các cường quốc truyền thống để lại. Các quốc gia này được kỳ vọng sẽ tăng đáng kể thị phần xuất khẩu toàn cầu trong những năm tới, minh họa cho cách các nước có thể điều chỉnh trước áp lực địa chính trị.
Theo ước tính của Allianz Trade, các nền kinh tế này có thể tăng thêm 1,6 điểm phần trăm vào thị phần xuất khẩu toàn cầu vào năm 2029, tương đương hơn 1.000 tỷ USD giá trị xuất khẩu.
Tuy nhiên, sự thay đổi nhanh chóng trong chuỗi cung ứng và động lực thương mại toàn cầu cũng đặt ra những thách thức mới, khi mức độ phức tạp đã tăng gấp đôi từ năm 2017 và gấp sáu lần kể từ khi đại dịch bùng phát.
Những thách thức và triển vọng
Trung Quốc tiếp tục củng cố quan hệ tại châu Phi và châu Á thông qua các hiệp định tài chính, đầu tư và hợp tác chính trị. Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - châu Phi gần đây, trong đó Trung Quốc cam kết hơn 50 tỷ USD cho các dự án hạ tầng tại châu Phi, minh chứng rõ ràng cho chiến lược này.
Trong khi đó, khu vực Mỹ Latin và một phần châu Phi cũng đang dần ngả về phía Trung Quốc, đặc biệt trong các quan hệ đối tác giàu tài nguyên và thỏa thuận thương mại. Đây là một tín hiệu rõ ràng về sự chuyển dịch trong động lực quyền lực toàn cầu.
Tất cả những điều này cho thấy thương mại quốc tế đang đứng trước giai đoạn đầy sóng gió, với các xung đột tái diễn và những thay đổi khó lường. Trước những mối lo ngại địa chính trị, chính sách khí hậu và các cam kết quân sự bất ổn, doanh nghiệp khắp nơi cần chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai.
Nhìn chung, Mỹ dường như đang dần rời khỏi vị thế lãnh đạo toàn cầu từng không thể tranh cãi. Các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước thuộc nhóm Nam bán cầu, đang không chỉ xây dựng các mối quan hệ kinh tế mà còn thiết lập những liên minh mới, dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào ảnh hưởng của Mỹ.
Câu hỏi đặt ra là liệu các trung tâm quyền lực truyền thống như Mỹ và các đồng minh có thể thích nghi với những biến đổi lớn này, hay sẽ tụt lại phía sau khi những đối thủ mới đang âm thầm khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Hà Linh (Theo TPG)