Cận cảnh khu vực sạt lở ở Đà Lạt sau 10 ngày khắc phục
Trừ 3 vị trí chưa bảo đảm an toàn, đa số hộ dân có thể quay về nhà gần khu vực sạt lở ở hẻm 36 Hoàng Hoa Thám (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) sau khi cơ quan chức năng khắc phục hậu quả.
Hiện trường vụ sạt lở ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng sau 10 ngày khắc phục.
Theo UBND TP Đà Lạt, vụ sạt lở xảy ra vào 2 giờ ngày 29-6 tại công trình taluy ở hẻm 15/2, thuộc 4 thửa đất tổng diện tích 2.153 m2 với 4 giấy phép xây dựng được cấp năm 2021.
Đoạn taluy dài cùng hàng ngàn tấn đất đắp đổ xuống hẻm 36 Hoàng Hoa Thám khiến 2 người tử vong, 4 người mắc kẹt và nhiều ngôi nhà hư hỏng nặng.
Sau vụ sạt lở, chính quyền địa phương lập tức di dời người dân sống quanh khu vực đi nơi khác, phong tỏa nhiều khu vực để bảo đảm an toàn. Cơ quan điều tra đã triệu tập nhiều tổ chức, cá nhân liên quan để điều tra nguyên nhân.
Phần taluy còn lại có một số vết nứt trên bề mặt đất đắp tại đỉnh taluy, có nguy cơ tiếp tục gây sạt trượt, mất an toàn xung quanh khu vực. Sau khi sự cố xảy ra, cơ quan chức năng đã triển khai giảm tải lên bờ taluy bằng cách lấy đất ra, đoạn taluy nào yếu thì được tháo dỡ ngay.
Công trình được cấp phép xây dựng ngay dưới hành lang an toàn lưới điện. Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, cho biết kè này được xây dựng để vừa làm taluy vừa đổ đất để nâng cốt nền. Trong lúc thi công, do thiếu che chắn và gặp mưa lớn nên bờ taluy không chịu được áp lực.
Theo ông Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, sau hơn 10 ngày, việc khắc phục thì cơ bản đã hoàn thành theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đa số người dân đã có thể trở về nhà sinh sống, chỉ còn lại 3 vị trí chưa bảo đảm an toàn nên cần tiếp tục phong tỏa trong thời gian xử lý các vấn đề còn lại.
Nhìn toàn cảnh khu vực quanh hẻm 36 Hoàng Hoa Thám có thể thấy đây là vùng đất trũng thấp phía dưới, khi mưa to sẽ có lượng nước lớn đổ về. Một nạn nhân bị thương trong vụ sạt lở hẻm 36 Hoàng Hoa Thám cho biết đến nay vẫn cảm thấy lo sợ khi trời mưa lớn hoặc nghe tiếng động lớn.
Nhiều công trình cao tầng men theo theo triền đồi, có độ dốc lớn.
Quanh con đường này cũng có rất nhiều quán cà phê bám theo độ dốc, xây nhiều công trình có độ cao chênh lệch lớn để tận dụng "view" đẹp.
Gần hiện trường vụ việc, đang có 2 điểm khác san gặt mặt bằng, giật nhiều cấp khá cao. Sau vụ sạt lở, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu tạm dừng cấp phép xây dựng ở các vị trí tiềm ẩn nguy cơ và ra soát lại giấy phép xây dựng các công trình có độ dốc lớn.
Theo chuyên gia về xây dựng, Đà Lạt là thành phố cao nguyên, việc làm nhà men theo triền đồi là điều bình thường. Tuy nhiên, cần chấp hành nghiêm việc cấp phép để tránh khu vực nền đất không ổn định và thi công đúng kỹ thuật để bảo đảm an toàn.
Theo Trường Nguyên
nld.com.vn