Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Thương vụ phải là “đại sứ kinh tế” của Việt Nam ở nước ngoài
Ngày 16/8, tại Hội nghị Công tác thương vụ khu vực Châu Á – Châu Phi, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có nhiều chỉ đạo đối với công tác phát triển Thương vụ.
Kỳ vọng lớn vào các cán bộ Thương vụ
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Đối với các quy định về tiêu chuẩn, quy định về công tác Thương vụ, trên thực tế chưa làm rõ vai trò, trách nhiệm, quyền lợi của cán bộ làm công tác Thương vụ ở ngoài nước, vẫn còn những thiệt thòi nhất định.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, dù có thiệt thòi song sự kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, lãnh đạo Bộ vào các cán bộ đang thực hiện công tác Thương vụ là rất lớn. “Đặc biệt, trong bối cảnh các hình thức thương mại đã thay đổi, không chỉ đơn giản là kết nối bán hàng mà cao hơn các cán bộ Thương vụ là những đại sứ kinh tế của đất nước ở ngoài nước, là cụm “ăng ten” để thu phát các thông tin từ chính sách của nước sở tại. Từ các thông tin đó sẽ góp phần khuyến nghị chính sách và đề xuất phản ứng chính sách để bảo đảm quyền lợi của đất nước trong quan hệ kinh tế đối với nước ngoài, đặc biệt là chống lại sự đứt gãy của nguồn cung cả về vật liệu hàng hóa trong bối cảnh thế giới đã thay đổi. Như vậy, vai trò của Thương vụ cũng phải thay đổi”- Bộ trưởng đánh giá.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị Công tác thương vụ khu vực Châu Á- Châu Phi |
Bộ trưởng cũng cho biết, đối với công tác quản lý Thương vụ, hiện đã có quy chế số 3189. Tuy nhiên, quy chế đó mới chỉ nêu được một vài quy định chứ chưa nhìn rõ chức năng nhiệm vụ của Thương vụ cụ thể là gì trong bối cảnh đã thay đổi. Thứ hai, hiện cũng chưa có quy định cụ thể để phân định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện để đánh giá cán bộ Thương vụ. Quan trọng hơn là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ ở nước ngoài là gì thì vẫn chưa rõ.
“Tôi đồng tình như nhiều đồng chí đề xuất, Thương vụ phải từng bước trở thành nghề có tính chuyên nghiệp, chỉ có chuyên nghiệp thì mới chuyên sâu và khẳng định, phát huy vị trí của mình. Lúc đó mới có tính đặc thù… Chúng ta khẳng định cán bộ Thương vụ khác với cán bộ Ngoại giao và phải là người hoạt động có tính nghiệp vụ rất chuyên sâu chứ không chỉ là ngoại giao. Hoạt động này phải là việc nắm bắt về nghiệp vụ sắc và phải có kỹ năng hoạt động nghề nghiệp mới đem lại hiệu quả” - Bộ trưởng nêu rõ.
Cán bộ Thương vụ phải là “cụm ăng ten để thu phát các thông tin cần thiết”
Để phát huy hơn nữa vai trò của cán bộ giữ vị trí Thương vụ ở nước ngoài, Bộ trưởng đề nghị những nhiệm vụ cụ thể:
Thứ nhất, Thương vụ phải nắm bắt kịp thời chính sách của nước sở tại và phải có khả năng phân tích để khuyến nghị về trong nước những chính sách sao cho phù hợp, có điều kiện để khai thác, phát huy quyền lợi của đất nước thông qua các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký. Các Thương vụ ở từng thị trường cụ thể phải nắm được chính sách của nước bạn và phải phân tích chính sách ấy với góc độ tại sao lại ban hành và Việt Nam có nên học nước bạn như vậy không? Đồng thời, nước bạn ban hành chính sách ấy có ảnh hưởng tới quyền lợi của đất nước thông qua các hiệp định mà chúng ta đã ký song phương và đa phương khu vực hay không. Đây vừa là khuyến nghị chính sách vừa là kiến nghị chính sách. Nhiệm vụ này là vô cùng quan trọng, việc ấy phải là nhiệm vụ đầu tiên. Nói ví von là “đây là cụm ăng ten để thu phát các thông tin cần thiết”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ hai, tiếp tục đi sâu, nắm bắt, tìm hiểu thị trường của nước sở tại để kết nối, khuyến cáo đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh ở trong nước. Nếu không có thông tin thì các nhà sản xuất, doanh nghiệp sẽ không rõ.
“Thương vụ là người nắm bắt thông tin thị trường nước sở tại, cung cấp thông tin về trong nước, khuyến nghị với quá trình sản xuất, khuyến cáo các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng, cần phải làm gì để đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Bởi kinh tế thị trường là chúng ta làm cái thị trường cần chứ không phải bán thứ mình có. Rõ ràng những yêu cầu của thị trường, các thông tin, tín hiệu của các cán bộ Thương vụ phản ánh về trong nước là vô cùng quan trọng đối người sản xuất, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, các địa phương, nhất là mặt hàng nông sản”- Bộ trưởng nêu rõ.
Thứ ba, Việt Nam đang thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, vai trò, trách nhiệm của các cán bộ Thương vụ phải là người kết nối, thu hút đầu tư để phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng tại thị trường trong nước.
Thứ tư, Việt Nam đã và đang là công xưởng của thế giới, trong khi các ngành sản xuất vẫn đang phụ thuộc vào thị trường lớn cho nên trong tương lai, việc tìm kiếm địa bàn, hợp tác đầu tư, khai thác tài nguyên khoáng sản, như ở Châu Phi, Nam Mỹ cần phải đặc biệt chú trọng. Trong khi, khu vực đó lại đang rất cần lao động, công nghệ, nguồn vốn để có thể khai thác và chế biến khoáng sản thành nguyên liệu đầu vào, từ đó có thể phục cho sản xuất trong nước.
Cuối cùng là vấn đề chuyển đổi năng lượng, Việt Nam đã cam kết với thế giới trung hòa các bon vào năm 2050, để đạt mục tiêu này thì chúng ta phải chuyển đổi rất mạnh, theo đó giảm tối đa điện than. Sau năm 2030 không phát triển nhà máy điện than và buộc phải sử dụng các nhiên liệu đầu vào khác than, sạch hơn than để thay thế. Đến năm 2045 trở ra thì hoàn thay thế than thì mới đạt được chỉ tiêu trung hòa các bon.
“Đồng thời, sau năm 2035, Việt Nam đang phấn đấu đạt mục tiêu phải thay nhiên liệu khí hóa lỏng tự nhiên bằng nhiên liệu sạch vì vậy rất cần công nghệ, vốn… Hiện Việt Nam cũng phát triển rất mạnh năng lượng tái tạo như: Điện gió, điện mặt trời… Để khai thác các tiềm năng trước mắt phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu thì rất cần sự kết nối của các thương vụ trong nước. Các Thương vụ sẽ là “cánh tay nối dài” để kết nối các nhà đầu tư, hiệp hội, doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực chuyển đổi năng lượng tìm đến Việt Nam. Như vậy nhiệm vụ của các thương vụ chúng ta phải được xem là “các sứ giả kinh tế”, phục vụ nhu cầu phát triển đất nước”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại hội nghị này, sau khi lắng nghe các ý kiến xây dựng về tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện để trở thành Thương vụ hoạt động ở nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Đối với vấn đề tiêu chuẩn của cán bộ Thương vụ trước hết phải được đào tạo cơ bản ở trình độ đại học tại một trong các lĩnh vực: Kinh tế, thương mại, ngoại giao, luật học để hạn chế tình trạng ai cũng có thể vào Thương vụ. Muốn trở thành người hoạt động có tính chất chuyên nghiệp, đặc thù thì phải làm được điều này.
Bên cạnh đó, người làm công tác Thương vụ phải có khả năng nắm bắt chính sách, phân tích thị trường, kinh tế để đủ khả năng tham mưu, khuyến nghị, phản ứng chính sách cho đất nước. Các vấn đề này phải thống nhất để từng bước hình thành đội ngũ Thương vụ chuyên nghiệp, hiệu quả. Đồng thời, cán bộ Thương vụ thành thạo ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh và khuyến khích thành thạo tiếng bản địa, ưu tiên người có kinh nghiệm công tác.
Thương vụ Việt Nam đang công tác tại các thị trường khu vực Châu Á - Châu Phi |
“Vấn đề này liên quan đến tiêu chí đánh giá, vì người có đầy đủ tiêu chuẩn, hoàn thành tốt nhiệm vụ thì không có lý do 3 năm phải về nước. Hiện quy định chưa đúng thì phải kiến nghị và phải kiên trì để đạt được mục tiêu. Nếu đúng thẩm quyền của Bộ thì Bộ sẽ sửa trước, nếu chưa đủ thẩm quyền thì phải kiến nghị. Phải xây dựng đội ngũ này là hoạt động chuyên nghiệp, Thương vụ có trách nhiệm lớn thì phải được hưởng chế độ tốt”- Bộ trưởng cho biết.
Nếu tiêu chí, tiêu chuẩn cũ còn hạn chế thì đã đến lúc phải nói thật, làm thật. Vì vậy lãnh đạo Bộ sẽ làm việc với Bộ Ngoại giao và Chính phủ để kiến nghị về việc này. Trước hết Bộ sẽ có điều chỉnh cần thiết để làm việc để bảo đảm quyền lợi của các đồng chí khi làm việc tại nước ngoài từ chế độ chính sách đến học hành…
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, việc xây dựng tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ Thương vụ, hàng năm phải có đánh dựa trên tiêu chí ví dự như: Có đạt được mục tiêu yêu cầu công tác mà bộ hay Vụ giao chẳng hạn như xây dựng chiến lược phát triển thị trường tại nước sở tại? Đồng thời, các chỉ tiêu công tác trong năm đạt được như thế nào? Mức độ tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều có đạt được theo mục tiêu lãnh đạo hai nước đặt không? Có bao nhiêu khuyến cáo về thị trường, có đề xuất phản ứng đối với chính sách sở tại để bảo vệ quyền lợi của đất nước, đưa được bao nhiêu doanh nghiệp nước ngoài về nước…