Bình Dương đi đúng hướng trong xây dựng thành phố thông minh
Bình Dương 3 lần liên tiếp được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh là một trong 7 cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu thế giới. Kết quả này thể hiện nỗ lực không ngừng của tỉnh trong định hướng phát triển theo hướng thông minh, sáng tạo.
Bình Dương thực hiện Đề án thành phố thông minh từ năm 2016 với sự hỗ trợ, truyền cảm hứng từ cộng đồng thông minh Brainport Eindhoven (Hà Lan) và Tổng Công ty Becamex IDC.
Sau nhiều năm, từ thuật ngữ “thành phố thông minh” còn xa vời, khó hiểu đối với người dân thì nay đã "làm rõ" thông qua việc Bình Dương xây dựng được một hệ sinh thái số và đổi mới sáng tạo, từng bước đưa địa phương ngày một “thông minh” hơn, tốt đẹp hơn và đáng sống hơn.
Cụ thể, Bình Dương đã xây dựng Trung tâm điều hành thông minh IOC, đóng vai trò như bộ não, tổng hợp thông tin, thu thập dữ liệu chuẩn hóa nhằm đưa ra chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động của tỉnh. Còn tại trường Đại học Quốc tế Miền Đông (TP. Thủ Dầu Một) đã có vườn ươm doanh nghiệp, chuyên cung cấp dịch vụ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Bình Dương đã có Trung tâm sản xuất tiên tiến; Trung tâm thương mại thế giới WTC; khu công nghiệp khoa học công nghệ, khu công nghiệp thông minh; hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối vùng.
Qua 8 năm hỗ trợ Bình Dương xây dựng thành phố thông minh, ông Joost Helms, Giám đốc Eindhoven Academy, Nguyên Phó Thị trưởng Eindhoven Hà Lan cho biết, mặc dù học hỏi cách làm của Hà Lan nhưng Bình Dương chắt lọc và xây dựng cho mình một mô hình phát triển theo cách riêng, đó là mô hình 3 nhà: Nhà nước - nhà khoa học (trường, viện nghiên cứu) - nhà doanh nghiệp.
“Để xây dựng tương lai của Bình Dương thì vai trò của nhà nước thôi không đủ, hay nhà trường thôi cũng sẽ không làm được, mà chúng ta cần tất cả mọi người hợp tác với nhau. Việc tham gia của người dân và doanh nghiệp thật sự rất cần thiết cho sự phát triển chung của tỉnh. Được nằm trong Top 7 Cộng đồng thông minh thế giới là công cụ để Bình Dương có thể đem so sánh với những cường quốc trên thế giới. Qua đó, tỉnh cũng sẽ tiếp cận, học hỏi cách xây dựng thành phố thông minh của những cường quốc khác để phục vụ cho chính cộng đồng của mình” - ông Joost Helms nói.
Còn theo PGS. TS Võ Văn Ớn, Giám đốc Trung tâm dự báo trường Đại học Thủ Dầu Một, khi tham gia ICF đã cho Bình Dương có đích đến, có động lực đưa tỉnh nhà hướng đến việc xây dựng, phát triển theo các tiêu chí bền vững trên thế giới.
Để đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh, trước sự kêu gọi của lãnh đạo tỉnh, các nhà khoa học trong tỉnh cũng đã có những nghiên cứu thiết thực, áp dụng vào thực tiễn.
“Thí dụ như xử lí nước thải ở các khu nhà trọ, kiểm đếm khí Co2, khí nhà kính là hỗ trợ cải tạo môi trường, cải tạo sức khỏe cộng đồng. Hoặc dự án chuyển đổi số, hỗ trợ tỉnh chuyển đổi số giúp tỉnh hướng đến đạt 6 cái chuẩn phát triển bền vững của ICF, từ đó phục vụ đời sống người dân ngày càng tốt hơn” - PGS. TS Võ Văn Ớn nói.
Cần có những định hướng trong tương lai
Không chỉ dừng lại ở Top 7, Bình Dương đang phấn đấu để nằm Top đầu cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu thế giới. Mục tiêu của Bình Dương là đến năm 2050 sẽ trở thành vùng động lực đô thị, công nghiệp dịch vụ hiện đại mang tầm khu vực và quốc tế. Đây sẽ là một trong những “đầu tàu” thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng Đông Nam bộ, của quốc gia.
Để đạt được điều này, tỉnh đã gắn quy hoạch chung với phát triển cộng đồng thông minh. Bình Dương sẽ thực hiện theo 6 chiến lược để phát triển, như: Triển khai các hành động đột phá tiên phong; liên kết đối ngoại để nâng tầm vị thế; phát triển không gian đô thị và hạ tầng; phát triển theo chiều sâu và mô hình mới về phát triển kinh tế, văn hoá xã hội; không gian và hạ tầng; bảo vệ môi trường sinh thái…
Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết: "Hiện nay Bình Dương đang đẩy mạnh quy hoạch tỉnh theo luật quy hoạch và các quy định, trong đó Bình Dương đã huy động nguồn lực, nhân lực, vật lực từ nhiều thành phần kinh tế để thực hiện quy hoạch bài bản, chất lượng. Có sự tham gia của các đơn vị tư vấn thuộc các bộ, ngành trung ương, cũng như đơn vị Roland Berger, đơn vị tư vấn lớn của Đức, giúp tỉnh thực hiện chiến lược quy hoạch này".
Tại buổi thăm, làm việc tại tỉnh Bình Dương, ông John Jung, người đồng sáng lập ICF cho rằng, Bình Dương đang đi đúng hướng. Việc tập trung cho đổi mới sáng tạo, chuyển đổi sang công nghiệp hiện đại có giá trị gia tăng cao, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà ở xã hội, giáo dục… chính là định hướng cho sự phát triển thông minh, bền vững.
Ông tin rằng những kết quả cụ thể bước đầu trong xây dựng thành phố thông minh và sự đầu tư hiện nay của tỉnh sẽ mang lại kết quả ấn tượng hơn nữa trong giai đoạn sắp tới.
Về định hướng trong thời gian tới, ông John Jung đề nghị: “Trong quy hoạch tổng thể, tỉnh cần quan tâm đến hệ thống giao thông hướng đến mô hình TOD; tạo không gian để người dân sinh hoạt, tăng cường không gian xanh để Bình Dương trở thành nơi đáng sống, là nơi thu hút và giữ chân nhân tài. Bình Dương đã vận dụng tốt mô hình hợp tác "ba nhà", tuy nhiên cần tiếp tục làm tốt hơn nữa, đặc biệt là tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các quyết định của chính quyền. Một yếu tố khác, Bình Dương cần tiếp tục đầu tư xây dựng hình ảnh, thương hiệu và quảng bá rộng rãi để thế giới biết đến Bình Dương”.
Trước những gợi ý của một người đồng sáng lập ICF, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban điều hành Đề án Thành phố thông minh tỉnh Bình Dương khẳng định, khi tham gia ICF, Bình Dương học hỏi rất nhiều vào quá trình phát triển kinh tế của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh sẽ cố gắng để Bình Dương có một cộng đồng thông minh hơn và trở thành nơi đáng sống của tất cả cư dân.
Theo Thiên Lý
VOV