An Giang: Tiến độ đấu thầu vật tư y tế chậm, người dân băn khoăn
Người dân tỉnh An Giang bức xúc trước tình trạng khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế công lập nhưng thiếu thuốc và vật tư y tế kéo dài. Sau đó, người dân đã có phản ánh đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh An Giang.
Để làm rõ thông tin, phóng viên đã vào cuộc tìm hiểu và được biết, từ đầu năm đến ngày 13/11/2023, việc đấu thầu vật tư y tế tập trung mới có kết quả 59/3.887 mặt hàng, đạt 1,5% yêu cầu.
Tiến độ đấu thầu tập trung rất chậm
Ngày 30/10/2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang có Báo cáo số 829/BC-MTTQ-BTT “về tình hình tư tưởng, nguyện vọng Nhân dân trong tỉnh”. Trong đó, tại lĩnh vực Y tế, người dân lo lắng việc khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế công lập còn thiếu một số loại thuốc khi khám bảo hiểm y tế. Bệnh nhân sau khi khám xong phải lấy toa ra ngoài mua thuốc.
Một số bệnh nhân nghèo, khó khăn không có khả năng mua thuốc vì giá thành cao, ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh. Bên cạnh đó, hiện nay, nhu cầu mổ mắt đục thủy tinh thể của người bệnh rất đông nhưng bệnh viện công lập không có thủy tinh thể nhân tạo để tiến hành phẫu thuật.
Sở Y tế tỉnh An Giang |
Theo Sở Y tế tỉnh An Giang, ngày 10/11/2023, Giám đốc Sở đã có Công văn số 2896/SYT-NVD gửi một số bệnh viện công lập và đơn vị chịu trách nhiệm đấu thầu vật tư y tế tập trung là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Khu vực phát triển đô thị tỉnh An Giang “giải trình việc thiếu thuốc, thủy tinh thể phục vụ công tác điều trị cho người bệnh”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 13/11/2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Khu vực phát triển đô thị tỉnh đã có Báo cáo số 3483/BC-BQLDA gửi UBND tỉnh về “tình hình triển khai công tác mua sắm tập trung hàng hóa y tế trên địa bàn tỉnh An Giang”.
Theo báo cáo, đến ngày 13/11/2023, tiến độ tổ chức lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung đã có kết quả trúng thầu và ký thỏa thuận khung 6/14 gói thầu đợt 1; 2/16 gói thầu đợt 2 (trong đó có 1 gói thầu đang thực hiện xử lý kiến nghị). Giá trị hàng hóa trúng thầu so với tổng giá trị dự toán duyệt 64,867/704,54 tỷ đồng (tương đương 9,2%), với 59/3.887 mặt hàng (tương đương 1,5%).
Hiện tỉnh có 67 gói thầu đang tổ chức đấu thầu. Trong đó, 66/67 gói đã mở thầu, một gói thầu còn lại (gói thầu số 32) đã trình Sở Y tế thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt huỷ. Nguyên nhân là do Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang và Bệnh viện Đa khoa Khu vực tỉnh xin rút tất cả các mặt hàng đã dự trù để tự xây dựng kế hoạch đấu thầu rộng rãi cho phù hợp với nhu cầu.
Báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang |
Với 66 gói đã mở thầu thì có 61 gói đã mở thầu tổng cộng 3.188 mặt hàng (1.778/3.188 mặt hàng có nhà thầu chào giá, chiếm 55,77% và 1.410/3.188 mặt hàng không có nhà thầu chào giá chiếm 44,23%); còn 5 gói hủy thông báo mời thầu do không có nhà thầu tham dự mặc dù đã được gia hạn lần 2.
Cũng trong 61 gói đã mở thầu, tư vấn chỉ mới hoàn thành đánh giá 3 gói (tương đương 4,9%), trình Sở Y tế thẩm định kết quả đánh giá E-HSĐXKT và mới có kết quả thẩm định một gói thầu. Dự kiến ngày 15/12/2023 mới hoàn thành đánh giá E-HSDT.
Một gói thầu “bùng nhùng” điển hình
Trong báo cáo và giải trình của các cơ quan có nhắc nhiều đến tình trạng thiếu thủy tinh thể nhân tạo để phục vụ người bệnh mổ mắt phaco. Tình trạng này liên quan đến một gói thầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Khu vực phát triển đô thị tỉnh An Giang làm chủ đầu tư, từng được báo Tuổi trẻ Thủ đô phản ánh qua bài “An Giang: Bùng nhùng xét lại gói thầu thủy tinh thể nhân tạo” ngày 23/9/2023.
Báo cáo công tác mua sắm tập trung hàng hóa y tế đến ngày 13/11/2023 của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Khu vực phát triển đô thị tỉnh An Giang |
Gói thầu E-HSMT được phát hành ngày 13/2/2023, mời thầu ngày 12/4/2023. Đến ngày 26/6/2023, chủ đầu tư có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu là Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CODUPHA (CODUPHA).
Sau đó, ngày 28/6/2023, chủ đầu tư nhận được nhiều kiến nghị của các nhà thầu bị loại, cho rằng, trong 7 sản phẩm dự thầu của CODUPHA có 4 sản phẩm về kỹ thuật không đáp ứng E-HSMT. Cụ thể: Sản phẩm có mã E-HSMT là VT.01.02.001 yêu cầu “Thủy tinh thể đa tiêu (3 tiêu điểm)” nhưng dự thầu là đơn tiêu; sản phẩm có mã E-HSMT là VT.01.02.005 yêu cầu “Lọc ánh sáng xanh” nhưng không lọc được ánh sáng xanh; 2 sản phẩm có mã E-HSMT là VT.01.02.003 và VT.01.02.007 yêu cầu “Thủy tinh thể được lắp sẵn trong cartridge” nhưng sản phẩm dự thầu không lắp sẵn trong cartridge.
Chủ đầu tư đã có công văn phúc đáp nhưng các nhà thầu bị loại không đồng ý nên gửi đơn đến cấp trên là UBND tỉnh An Giang.
Ngày 8/8/2023, UBND tỉnh An Giang có Quyết định số 1291/QĐ-UBND “giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu 16: Cung cấp vật tư y tế kỹ thuật cao thuộc kế hoạch mua sắm tập trung hóa chất, vật tư y tế cho các cơ sở y tế trong tỉnh”.
Theo quyết định, UBND tỉnh An Giang đồng ý phần kiến nghị về 2 hàng hóa mã VT.01.02.003 và VT.01.02.007 vì bên mời thầu và tổ thẩm định đã đánh giá E-HSDT của nhà thầu Công ty CODUPHA chưa đầy đủ theo nội dung quy định của E-HSMT được phê duyệt.
Với 2 sản phẩm còn lại, UBND tỉnh An Giang không đồng ý phần kiến nghị vì đã đánh giá đúng.
Về 2 sản phẩm đánh giá chưa đầy đủ, UBND tỉnh An Giang “đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Khu vực phát triển đô thị tỉnh An Giang (chủ đầu tư, bên mời thầu) đánh giá lại hồ sơ dự thầu của nhà thầu CODUPHA”.
Quyết định số 1291/QĐ-UBND ngày 8/8/2023 của UBND tỉnh An Giang đến cuối tháng 11/2023 vẫn chưa được thực hiện |
Sau khi có quyết định của UBND tỉnh, chủ đầu tư gửi công văn đến Sở Y tế để lấy ý kiến của các đơn vị sử dụng. Ngày 16/8/2023, Sở Y tế gửi công văn tới 5 bệnh viện hỏi ý kiến. Các bệnh viện trả lời là thủy tinh thể nhân tạo dự thầu phải đáp ứng tiêu chí kỹ thuật của hồ sơ mời thầu thì mới đạt yêu cầu.
Trong lúc đó, các nhà thầu vẫn băn khoăn về 2 sản phẩm mà quyết định của UBND tỉnh đã chấp thuận là xét thầu đúng. Đó là sản phẩm VT.01.02.001 mà E-HSMT yêu cầu “Thủy tinh thể đa tiêu (3 tiêu điểm)” nhưng sản phẩm dự thầu của CODUPHA có mã hàng hóa ATLARA 829MP được Bộ Y tế xác định là đơn tiêu (theo bảng tổng hợp các loại thủy tinh thể nhân tạo của Bộ Y tế xác định mã hàng hóa ATLARA 829MP là đơn tiêu còn đa tiêu có mã ATLISA tri 839MP).
Chưa kể, sản phẩm VT.01.02.005 mà E-HSMT yêu cầu “Lọc ánh sáng xanh” nhưng sản phẩm dự thầu của CODUPHA có mã sản phẩm là XC1 không lọc được ánh sáng xanh. Theo thông tin kê khai giá trang thiết bị y tế của Bộ Y tế, sản phẩm lọc ánh sáng xanh tốt hơn và giá cao hơn không lọc ánh sáng xanh hàng triệu đồng.
Đến nay, gói thầu vẫn chưa được giải quyết xong nên tình trạng thiếu thủy tinh thể nhân tạo kéo dài gây nhiều bức xúc cho người bệnh. Điều này thấy rõ ở Bệnh viện Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt tỉnh An Giang.
Tại đây, người bệnh đến mổ mắt phaco rất đông. Trong tháng 7/2023, chỉ 19 ngày bệnh viện đã mổ cho 170 bệnh nhân. Tuy nhiên, ngày 19/7/2023, bệnh viện nhận được Thông báo số 1531/TB-BQLDA của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Khu vực phát triển đô thị tỉnh An Giang về “tạm dừng ký hợp đồng hoặc đã ký hợp đồng thì tạm dừng cung cấp hàng hóa cho đến khi có thông báo mới”.
Do vậy, từ ngày 20/7/2023, Bệnh viện Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt tỉnh An Giang phải ngưng mổ mắt phaco cho người bệnh, đến nay đã hơn 4 tháng và chưa biết bao giờ có thủy tinh thể nhân tạo để mổ trở lại.