Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt - xu hướng tất yếu của kỷ nguyên số

Trong xu thế hội nhập toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã xác định rõ 3 mục tiêu và 6 nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số. Trong đó, thúc đẩy ngành ngân hàng chuyển đổi sang mô hình ngân hàng số và xã hội không dùng tiền mặt là tiền đề và cơ sở cho sự phát triển nền kinh tế số. Tại sao phải chuyển đổi ngân hàng số và phát triển xã hội không dùng tiền mặt cũng như một số thách thức đặt ra cho Việt Nam trong tiến trình này là những vấn đề mà bài viết tập trung hướng tới.

Ảnh minh họa - Internet

Một số vấn đề chung về ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt trong kỷ nguyên số

Cùng với quá trình toàn cầu hóa, sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ và đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên số. Đây là sự biến đổi to lớn mọi mặt của đời sống xã hội hiện đại, thể hiện vai trò đặc biệt của công nghệ số trong toàn bộ chu trình: Công nghệ số - sản xuất - con người - quan hệ xã hội - môi trường. Kỷ nguyên số làm xuất hiện những dạng thức mới trong đời sống của xã hội, như đời sống số, tri thức số, văn hóa số, chính phủ số, đô thị số, công dân số,…

Theo đó, kỷ nguyên số sẽ được cấu thành bởi hai yếu tố có quan hệ mật thiết, tương tác lẫn nhau cùng nâng tầm phát triển của văn minh nhân loại, đó là kinh tế số và xã hội số. Chuyển đổi ngân hàng số (NHS) là bước đầu tiên và bắt buộc của quá trình phát triển kinh tế số, cũng như thanh toán không dùng tiền mặt là yêu cầu đặt ra cho một xã hội số, xã hội không dùng tiền mặt. Hay, có thể nói: động lực hình thành kỷ nguyên số là quá trình chuyển đổi số toàn cầu nhằm thay đổi tổng thể và toàn diện phương thức phát triển của xã hội, lối sống và hoạt động trên nền tảng số(1).

Có thể hiểu NHS là cấp độ phát triển mới trong hoạt động ngân hàng của các ngân hàng truyền thống, ứng dụng sâu rộng công nghệ số và phân tích dữ liệu trong mọi mặt hoạt động ngân hàng; chỉ hoạt động hoàn toàn bằng kỹ thuật số và có thể bao gồm tất cả các khía cạnh của một ngân hàng thông thường như cơ cấu tổ chức, quản lý nhân sự, hoạt động và dịch vụ, không có trụ sở, chi nhánh thực và 100% tồn tại độc lập.

Thanh toán không dùng tiền mặt là hình thức thanh toán sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số, như ví điện tử, mobilebanking, internetbanking,... hoặc thanh toán gián tiếp thông qua các tổ chức trung gian thanh toán thay việc người mua và người bán trực tiếp trao đổi với nhau như thông lệ hiện nay. Bản chất của hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chính là hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình bán và mua hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế. Đó là việc phát triển các dịch vụ chuyên nghiệp về thu chi, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến, thanh toán điện tử mà không làm thay đổi giá trị tiền mặt quy đổi. Ngoài ra, thanh toán không dùng tiền mặt còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, tiện lợi, tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu, giao dịch, chuyển đổi với tiền của nước khác hay giúp đỡ người thân từ xa.

Thực tế cũng đã chứng minh, nền kinh tế mạnh là một nền kinh tế luôn đi kèm với một hệ thống thanh toán hiện đại. Điều này cũng đồng nghĩa với xu thế phát triển nghiệp vụ thanh toán trong thương mại của một nền kinh tế thị trường là thanh toán không dùng tiền mặt. Hoạt động này mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, như nhanh chóng thanh toán các giao dịch có giá trị lớn, các giao dịch ở xa, tránh được các rủi ro nếu phải mang tiền mặt đến nơi nhận hàng, nhất là khi phải trả các khoản tiền lớn. Khi thanh toán không dùng tiền mặt, người tiêu dùng có thể nhận được nhiều khuyến mãi từ người bán cũng như từ ngân hàng. Cùng với đó, xã hội giảm được chi phí in ấn, vận chuyển, kiểm đếm hay bảo quản tiền mặt... Một khi người tiêu dùng thấy được lợi ích và duy trì thường xuyên thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, nền kinh tế vĩ mô sẽ cùng hưởng lợi theo hướng chuyển đổi số.

Như vậy, các ngân hàng, doanh nghiệp và người dân có thể sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt thông qua việc các NHS ứng dụng công nghệ số vào trong các hoạt động ngân hàng, như công nghệ dữ liệu lớn big data, trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (machine learning) để phân tích hành vi, nhu cầu khách hàng giúp tối ưu hóa, cá nhân hóa việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ; công nghệ tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) giúp cắt giảm các quy trình, thủ tục, nghiệp vụ tại ngân hàng; công nghệ điện toán đám mây (cloud computing) giúp tiết kiệm chi phí vào hạ tầng kết nối, truyền tải, lưu trữ thông tin(2). Do đó, NHS đã làm thay đổi các ngân hàng về cách tiếp cận và phục vụ khách hàng. Khách hàng trở thành trung tâm; ngân hàng chủ động tìm kiếm các khách hàng tiềm năng để cung ứng dịch vụ; đồng thời, ngân hàng có sự thay đổi cách thiết kế sản phẩm, quy trình cung ứng dịch vụ tùy thuộc vào nhu cầu và thói quen của khách hàng. Cùng với đó, các dịch vụ được cung ứng bởi NHS có tốc độ nhanh, tiện lợi và thường có sự tham gia của bên thứ ba (là bên cung ứng dịch vụ công nghệ thông tin)(3). Hệ sinh thái thông minh, thanh toán số được thiết lập với việc kết nối dịch vụ NHS với các dịch vụ số khác trong nền kinh tế, như thuế, hải quan, điện lực, nước sạch, bưu chính viễn thông và các dịch vụ công khác, đem đến trải nghiệm liền mạch trên mọi lĩnh vực cho người dùng dịch vụ trên không gian số, tiết kiệm chi phí tài chính và nhân lực, bộ máy cho các cơ quan và tổ chức. Hoạt động này mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Một khi người tiêu dùng thấy được lợi ích và duy trì thường xuyên thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, nền kinh tế vĩ mô sẽ cùng hưởng lợi theo.

Tính tất yếu của chuyển đổi ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

Định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước trong xu thế hội nhập toàn cầu và công nghệ số

Xác định chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, Đảng và Nhà nước đã lựa chọn chủ đề chuyển đổi số quốc gia năm 2024 là phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin; số hóa các ngành kinh tế; quản trị số; dữ liệu số. Trọng tâm đặt ra là đẩy mạnh phát triển kinh tế số. Ngành ngân hàng có vai trò đặc biệt quan trọng, là huyết mạch của nền kinh tế, có tác động đến hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế, mọi mặt hoạt động của người dân, doanh nghiệp, các đơn vị hành chính, sự nghiệp. Do đó, ngân hàng sẽ là ngành đi đầu, tiên phong trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số bằng cách chuyển đổi sang mô hình NHS.

Để thực hiện được chiến lược đó, một loạt các kế hoạch, đề án chuyển đổi số được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ban, ngành triển khai thực hiện, như Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 6-1-2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06); Kế hoạch số 01/KHPH-BCA-NHNN, ngày 24-4-2023, “Về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06 giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”...; đồng thời, thực hiện tốt công tác giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng và giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán; Kế hoạch triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg, ngày 28-10-2023, của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN, ngày 11-5-2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động NHS, chuyển đổi hầu hết các hoạt động quản lý nhà nước, dịch vụ tín dụng sang môi trường số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của người dân ngày càng cao.

Hiện nay, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho thanh toán thẻ ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Số lượng máy rút tiền tự động (ATM) và máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng (POS) có tốc độ tăng trưởng nhanh, chất lượng dịch vụ cũng được nâng cao, phần lớn đều đã liên kết với các tổ chức cung ứng dịch vụ, như các hãng vận tải, hàng không, siêu thị, trường học, bệnh viện. Cùng với đó, các sản phẩm, dịch vụ thanh toán tiếp tục phát triển mạnh mẽ, gia tăng thêm nhiều tiện ích, nhất là các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại ứng dụng công nghệ thông tin. Thẻ ngân hàng tiếp tục phát triển, số lượng thẻ phát hành, số lượng và giá trị giao dịch thẻ tăng nhanh. Các ngân hàng thương mại tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, chất lượng dịch vụ thẻ cũng như độ an toàn trong thanh toán thẻ được các ngân hàng chú trọng và nâng lên(4).

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối năm 2023, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân là hơn 182,88 triệu tài khoản, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022; có 147 triệu thẻ đang lưu hành, tăng 1,27% so với năm 2022. Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt có mức tăng trưởng khá. Tháng 1-2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 63,3% về số lượng và 41,45% về giá trị; qua kênh internet tăng 57,85% về số lượng và 32,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 68,54% về số lượng và 41,12% về giá trị; qua phương thức QR Code tăng 892,95% về số lượng và 1.062,01% về giá trị; qua POS tăng 16,87% về số lượng và 13,65% về giá trị; qua ATM giảm 15,14% về số lượng và giảm 18,76% về giá trị. Số liệu này cho thấy, xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt(5).

Sự sẵn sàng vào cuộc của các ngân hàng, tổ chức tín dụng Việt Nam

Với xu hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến khích các tổ chức tín dụng, ngân hàng triển khai chuyển đổi số, kết nối, hợp tác với các ngành, lĩnh vực khác nhau để hình thành và mở rộng hệ sinh thái số cung ứng sản phẩm dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm, cung cấp trải nghiệm giao dịch liền mạch, cá nhân hóa. Các tổ chức tín dụng, ngân hàng đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng; đồng thời, đánh giá, phân loại khách hàng, quyết định giải ngân và tích hợp với nhiều hệ sinh thái đối tác khác nhau trong các lĩnh vực. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền...); nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số. Có khoảng 40 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC) với hơn 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động(6).

Đến cuối năm 2023, có 63 kho bạc nhà nước cấp tỉnh trong cả nước đã kết nối với hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; 100% các dịch vụ công trực tuyến của hải quan được thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 54/63 tỉnh, thành phố đã chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt với kinh phí trả trong năm 2023 là gần 1.093 tỷ đồng; 98% người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp thông qua thanh toán không dùng tiền mặt; 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt; hầu hết các trường mầm non, phổ thông đã sẵn sàng thanh toán không dùng tiền mặt(7).

Vấn đề đặt ra và một số kiến nghị chính sách trong phát triển ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam

Thứ nhất, về nhận thức và thói quen tiêu dùng của người dân.

Một trong những vấn đề đầu tiên để thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi NHS đạt được sự thành công đó là nhận thức và thói quen tiêu dùng của người dân. Hiện nay, ở Việt Nam, tiền mặt vẫn đang chiếm ưu thế, tới 90% giao dịch, tức là tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt mới chỉ chiếm khoảng 10%, còn thấp hơn so với mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện nay, mới có khoảng 31% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng, số người chưa có tài khoản tập trung ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây là vấn đề cần giải quyết, vì có tài khoản ngân hàng thì mới có thể sử dụng được phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ngay cả đối với không ít người ở thành phố dù đã có tài khoản tại ngân hàng nhưng trong trao đổi, người ta chỉ đặt mua hàng bằng thẻ tín dụng, đến khi thanh toán thì đa số lại thanh toán bằng hình thức giao hàng thu tiền (COD). Đó vẫn là hình thức thanh toán phổ biến nhất với mua bán online tại Việt Nam hiện nay. Như vậy, trong thanh toán hàng online, việc thanh toán trước bằng thẻ tín dụng chỉ chiếm phần nhỏ, còn phần lớn thì khi nhận hàng mới thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt cho bên giao hàng. Điều này được lý giải do một phần vì thói quen, phần khác vì chưa tin tưởng vào độ an toàn của giao dịch và chất lượng của hàng hóa, dịch vụ. Ngoài ra, nhận thức của người dân về những tiện ích của thanh toán không dùng tiền mặt còn hạn chế. Đây là một nghịch lý, bởi phát hành thẻ cần phải song hành phát triển hạ tầng thanh toán rộng khắp, trong khi thực tế hiện tại các ngân hàng phát hành thẻ chủ yếu để gia tăng thị phần, vì vậy, thẻ chỉ được dùng để làm phương tiện rút tiền mặt trước khi thanh toán tiền mua hàng. Có đến 90% các giao dịch bằng thẻ đơn thuần chỉ là để rút tiền tại máy ATM và chỉ có khoảng 10% là dùng để thanh toán qua POS.

Thứ hai, về pháp luật phát triển NHS và thanh toán không dùng tiền mặt.

Từ thực tiễn phát triển nền kinh tế hàng hóa mở trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới, Việt Nam cần cập nhật và áp dụng các phương thức giao lưu hàng hóa thông dụng của thế giới. Trong đó, thanh toán không dùng tiền mặt là một phương thức tất yếu trong xu hướng phát triển kinh tế để thúc đẩy quá trình sản xuất, trao đổi hàng hóa, dịch vụ phát triển nhanh theo cơ chế thị trường. Rõ ràng nghiệp vụ thanh toán đã, đang và sẽ là một thị trường đầy tiềm năng. Thực tế thị trường này đang thu hút ngày càng nhiều công ty công nghệ tài chính (fintech - financial technology) tham gia. Theo báo cáo "Khảo sát toàn cảnh về FinTech khu vực ASEAN 2018” do Công ty Kiểm toán và tư vấn quốc tế Ernst & Young (EY) thực hiện và công bố gần đây, ở nước ta hiện có đến 80 công ty công nghệ tài chính đang hoạt động và 47% trong số đó là công ty cung cấp các dịch vụ thanh toán. Tuy nhiên, các công ty fintech ở Việt Nam hiện nay có quy mô còn nhỏ, các chính sách của Chính phủ dành cho những công ty này cũng còn hạn hẹp về đối tượng áp dụng và hạn chế về nghiệp vụ và độ phủ sóng do chi phí ban đầu cho kết cấu hạ tầng công nghệ còn quá cao(8).

Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cùng với Nghị định số 52/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-7-2024 đã tạo nên một khung pháp lý mới cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong giai đoạn sắp tới. Nhiều vấn đề bất cập và yêu cầu của thực tiễn sẽ được giải quyết tại hai văn bản này. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định về chuẩn dữ liệu và chia sẻ dữ liệu giữa các ngân hàng và tổ chức tín dụng. Việc kết nối dữ liệu của các ngân hàng, tổ chức tín dụng vẫn còn trên cơ sở tự phát, thiếu tính an toàn và đồng bộ, gây ảnh hưởng đến an toàn và an ninh toàn hệ thống. Đặc biệt, các cơ sở pháp lý hiện tại tập trung chủ yếu vào phát triển kênh thanh toán, như mở tài khoản, giao dịch trên điện thoại. Các sản phẩm cấp tín dụng online trên ứng dụng di động vẫn còn nhiều hạn chế do chưa có cơ sở pháp lý vững chắc.

Trong thực tế đã có nhiều quy định pháp luật điều chỉnh về hoạt động của NHS. Tuy nhiên, sự phát triển công nghệ diễn ra rất nhanh nên việc quy định có độ trễ chưa sát với thực tiễn là điều khó tránh khỏi, dẫn đến chưa có các quy định cụ thể về bảo mật thông tin khách hàng, chưa có khung pháp lý đối với các sản phẩm số hóa hoàn toàn, ngân hàng dè dặt trong việc ra mắt sản phẩm mới vì sẽ vướng phải sự điều chỉnh pháp lý, nằm ngoài phạm vi cho phép.

Thực trạng hiện nay, các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt có thể thực hiện không qua ngân hàng mà qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hoặc qua các phương tiện truyền thông xã hội. Theo đó, người có tài khoản có thể chuyển khoản từ tài khoản tại ngân hàng của họ sang tài khoản của tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán vì khi thực hiện thanh toán giữa các chủ tài khoản trong các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán dù tiềm ẩn rủi ro, nhưng rất rẻ, thậm chí miễn phí và ít bị kiểm soát. Đồng thời, mỗi giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng đều mất nhiều khoản phí, gây tâm lý đắn đo cho người sử dụng.

Thứ ba, về kết cấu hạ tầng viễn thông phục vụ cho chuyển đổi NHS và thanh toán không dùng tiền mặt.

Công nghệ viễn thông có sự thay đổi nhanh, liên tục, kéo theo xu hướng phát triển và sử dụng dịch vụ mới. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng mạng viễn thông hiện nay được xây dựng và quản lý chưa thực sự đồng bộ với kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật khác, đặc biệt các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngầm chưa được thiết kế cho cáp viễn thông. Do đó, ảnh hưởng đến việc kết nối, thực hiện những dịch vụ của NHS cũng như quá trình thanh toán của người dân và doanh nghiệp.

Từ những vấn đề trên, để NHS và thanh toán không dùng tiền mặt đúng với định hướng phát triển của Đảng và Nhà nước, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp:

Một là, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển NHS và thanh toán không dùng tiền mặt thông qua truyền thông và giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Hai là, cần khẩn trương triển khai nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về NHS, thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số, trong đó nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn về lĩnh vực thanh toán, hoạt động NHS.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán NHS tiện ích, dễ sử dụng, chi phí phù hợp với người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai Chiến lược Quốc gia về tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Bốn là, các trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần phối hợp trong xây dựng kết cấu hạ tầng mạng lưới các điểm chấp nhận thanh toán điện tử có thể bao phủ tới nhiều địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số./.

Vũ Thanh Minh
Giám đốc Chi nhánh Hà Nội Công ty Luật TNHH LNT và Thành viên


------------------
(1) World Economic Forum (WEF): Digital transformation of industries, (tạm dịch: Chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp),
(2) Bùi Văn Trịnh, Phạm Minh Trí: Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Ngân hàng, số 21-2022, tr. 3
(3 Nguyễn Xuân Bang: Bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng số ở Việt Nam hiện nay, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Những vấn đề pháp lý về hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng trong kỷ nguyên của công nghệ số, Khoa Luật thương mại, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, 8-2020, tr. 57 - 58
(4) Hồ Thanh Tùng: Thanh toán không dùng tiền mặt, hoạt động không thể thiếu của đô thị hiện đại, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, 2011, tr. 4
(5) Nguyễn Đắc Hưng: Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt dựa trên nền tảng công nghệ số, Tạp chí Cộng sản, ngày 21-9-2022,
(6) Nguyễn Vũ: Thời của chuyển đổi số ngân hàng, Tạp chí Điện tử Ngân hàng Nhà nước
(7) Giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và số hóa ngân hàng, Tạp chí Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngày 15-3-2024,
(8) Lê Thị Thùy Vân: Chuyển đổi số và những vấn đề đặt ra trong phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính, ngày 3-2-2022,


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...