Lạm phát tăng, gửi tiền ngân hàng có còn hấp dẫn?
Thời gian qua, thị trường chứng khoán nhiều biến động, bất động sản không còn quá sôi động, một bộ phận không nhỏ đã tìm đến tiền gửi ngân hàng. Tuy nhiên "bão giá" đã lên mức 2 chữ số tại nhiều nước, lạm phát trong nước cũng đã bắt đầu nhích lên, trong bối cảnh đó, nhà đầu tư nên hành động thế nào?
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước. Trong đó, 10/11 nhóm hàng hóa ghi nhận sự tăng giá so với tháng trước và tăng nhiều nhất là nhóm giao thông vận tải với mức tăng 2,34%.
Nguyên nhân chủ yếu của đợt tăng CPI lần này là do giá nhiên liệu tăng theo đà leo thang của giá dầu thế giới. Từ khoảng tháng 2 năm nay, giá dầu đã vượt mốc 100 USD/thùng và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mặc dù các cơ quan điều hành đã có nhiều biện pháp bình ổn giá cả, song sức ép từ "vàng đen" vẫn ngấm vào nền kinh tế.
Ở một diễn biến khác, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối tháng 3/2022, tiền gửi của hộ gia đình và các tổ chức kinh tế tại các tổ chức tín dụng đã lên mức cao kỷ lục tính từ thời điểm dịch Covid xảy ra. Cụ thể, tiền gửi của dân cư là gần 5,5 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 4% so với cùng kỳ; của các tổ chức kinh tế là gần 5,9 triệu tỷ đồng, tăng gần 19%. Một phần tiền gửi tăng đến từ nguyên nhân lãi suất trở nên hấp dẫn hơn so với trước, bên cạnh nguyên nhân từ những bất ổn trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu khiến dòng tiền có dấu hiệu rời khỏi các tài sản rủi ro.
Lạm phát và lãi suất là câu chuyện song hành. Vậy trước áp lực lạm phát, liệu tiền gửi ngân hàng có còn hấp dẫn?
Lạm phát và lãi suất phải song hành với nhau
Theo TS. Bùi Kiến Thành, lạm phát và lãi suất huy động có mối quan hệ mật thiết với nhau. Cụ thể, thông thường lãi suất tiền gửi sẽ cao hơn lạm phát một ít để bảo đảm giá trị tiết kiệm cho hộ gia đình và dân cư.
"Mức lãi suất huy động của ngân hàng hiện nay hơi cao hơn so với lạm phát thực tế. Lạm phát của Việt Nam lại tương đối thấp, và lãi suất ngân hàng như như thế thì không đồng nhịp với tình hình lạm phát" - ông Thành nhận định về tình hình hiện tại.
Mức lãi suất đầu vào cao như hiện tại cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến lãi suất đầu ra và khiến các doanh nghiệp phải đi vay với lãi suất cao hơn, điều này cũng sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp theo hướng không có lợi.
Chuyên gia cũng đánh giá, lạm phát hiện tại tuy có cao hơn trước nhưng vẫn đang ở mức bình thường và kiểm soát được. Nếu tình hình kinh tế phát triển tốt hơn và không bị nóng lên ở một số ngành, giá cả vẫn có thể được duy trì ổn định trong thời gian tới. Bên cạnh đó, lĩnh vực bất động sản cũng đã được bình ổn, lạm phát vì thế mà sẽ vẫn ở mức kiểm soát được.
Những xung đột địa chính trị tại một số quốc gia và lãnh thổ cũng đã khiến giá nhiên liệu cùng một số loại hàng hóa leo thang. Tác động của nó đã có thể thấy ở một số quốc gia châu Âu và châu Mỹ. Đơn cử như trường hợp Hoa Kỳ, hiện quốc gia này không chỉ chịu tác động của lạm phát mà còn có thể phải đương đầu với tình trạnh đình lạm (stagflation), tức không chỉ lạm phát mà còn là suy giảm kinh tế.
"Việt Nam trong câu chuyện này sẽ vẫn chịu những ảnh hưởng nhất định nhưng tác động là không quá lớn_ - TS. Bùi Kiến Thành chốt lại.
TS Bùi Kiến Thành
Tiền gửi có còn hấp dẫn? Thời điểm này nên giữ vị thế an toàn ở kênh tiết kiệm hay chấp nhận rủi ro để tìm kiếm các cơ hội đầu tư?
Theo ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt, áp lực lạm phát sẽ khiến việc gửi tiền tại ngân hàng thương mại kém hấp dẫn hơn. Tuy nhiên CPI vẫn trong tầm kiểm soát tốt. Trong khi đó cho đến nay, triển vọng và cơ hội đầu tư vào các kênh đầu tư khác chưa rõ nét vì nhiều lý do. Lòng tin của một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư chứng khoán, trái phiếu bị xói mòn, thêm vào đó, các biện pháp gia tăng kỷ cương trên thị trường chứng khoán khiến cho nguồn vốn đầu tư, cho vay margin bị ảnh hưởng nhất định. Căng thẳng Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt kinh tế lẫn nhau kéo dài cũng làm cho tình hình kinh tế thế giới trở nên khó lường… Trong bối cảnh này, việc gửi tiền vào kênh an toàn như ngân hàng là lựa chọn bình thường và vẫn hấp dẫn.
Chuyên gia Bùi Kiến Thành thì ý kiến, hiện tại những nhà đầu tư đang gửi tiết kiệm vẫn nên tạm thời để ở ngân hàng chờ đợi các cơ hội, tránh các rủi ro bất ổn hiện tại của thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó cũng nên tránh tham gia các loại trái phiếu không có bảo đảm.
"Nếu muốn đầu tư, các cá nhân phải xem xét khoảng đầu tư nào là ổn định là lâu dài. Đồng thời, nếu tham gia thị trường chứng khoán thì phải tìm hiểu kỹ doanh nghiệp và xem doanh nghiệp như là doanh nghiệp của mình. Điều này sẽ tốt hơn là đem tiền cho doanh nghiệp vay", chuyên gia khuyến nghị.
Riêng với chúng khoán, chuyên gia lưu ý, "nhà đầu tư cần tránh quan niệm 'chơi chứng khoán', thay vào đó hãy nghiên cứu và tìm hiểu thật kỹ".
Quay lại câu chuyện tiền gửi, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng, mặc dù tiền gửi tiết kiệm là kênh góp phần bảo đảm an toàn cho nhà đầu tư, song tiền trong tiết kiệm quá nhiều lại không phải là giải pháp tăng trưởng cho nền kinh tế. "Các cơ quan ban ngành nên cùng làm việc để khơi thông được dòng tiền đi vào hoạt động kinh doanh thay vì đi quá nhiều vào quỹ tiết kiệm của ngân hàng" - ông khuyến nghị.
https://cafef.vn/lam-phat-tang-gui-tien-ngan-hang-co-con-hap-dan-20220531101703272.chn