Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội sẽ ưu đãi hơn?

Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ sửa đổi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội theo hướng ưu đãi hơn khi tốc độ giải ngân chậm. Theo đó, các chuyên gia kiến nghị nên tiếp tục giảm lãi suất và nới rộng thời gian vay.

Giải ngân chưa được 1%

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội do 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) tự nguyện huy động vốn tham gia và lãi suất cho vay giảm từ 1,5 - 2% so với thị trường. Từ tháng 4/2023, gói tín dụng được giải ngân với kỳ vọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030. Gói tín dụng được điều chỉnh 6 tháng 1 lần cho cả đối tượng chủ đầu tư và người mua nhà. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã 2 lần điều chỉnh hạ lãi suất. Theo đó, hiện tại, doanh nghiệp được ưu đãi 8%/năm và với người mua nhà 7,5%/năm.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội sẽ ưu đãi hơn?- Ảnh 1.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội giải ngân chậm. Ảnh: Như Ý

Tuy nhiên, sau một năm triển khai, kết quả giải ngân thấp. Gói tín dụng mới giải ngân được chưa tới 1%, tức khoảng 1.144 tỷ đồng. Trong số này khoảng 1.100 tỷ cho chủ đầu tư tại 11 dự án, còn lại là người mua nhà. Ngoài 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, hiện có thêm 2 ngân hàng thương mại là TP Bank, VPBank tham gia gói này, với số tiền 5.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước lý giải nguyên nhân giải ngân chậm bởi quy định đối tượng thụ hưởng còn phức tạp, khiến người dân gặp khó khăn khi vay ưu đãi. Theo đó, tại hội nghị tín dụng ngày 19/6, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ sửa gói tín dụng này theo hướng ưu đãi hơn trong thời gian tới.

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 20/6, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc sửa gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã có chủ trương. Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu sửa và sẽ công bố sớm lộ trình.

Bộ Xây dựng cũng đánh giá lãi suất gói vay ưu đãi trên vẫn cao, trong khi thời gian cho vay ngắn (chủ đầu tư được vay 3 năm, người mua nhà được vay trong 5 năm) nên chưa thu hút được các doanh nghiệp, người dân vay vốn. Trước đó, nhiều lần Bộ Xây dựng kiến nghị, ngoài 4 ngân hàng quốc doanh, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại khác tham gia chương trình cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng và mở các room tín dụng, tạo điều kiện cho các ngân hàng thực hiện. Đặc biệt, Bộ Xây dựng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn này phù hợp tình hình thực tiễn.

Kiến nghị cố định lãi suất thấp, thêm thời gian vay

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, nguyên nhân cốt yếu là gói tín dụng này "chưa phù hợp với người dân". Dù Ngân hàng Nhà Nước đã 2 lần điều chỉnh hạ lãi suất (hiện còn 8%/năm với doanh nghiệp và 7,5%/năm với người mua nhà) nhưng vẫn khá cao. Mức lãi này còn được điều chỉnh 6 tháng một lần, sau đó thả nổi khiến người mua nhà xã hội “bất an nên ngại vay”. Ông Châu kiến nghị lãi suất nên cố định trong khoảng 5 - 6%/năm và kéo dài thời gian vay từ 10 - 15 năm.

Ngoài ra, ông Châu cho rằng, Bộ Xây dựng nên khôi phục gói tín dụng 110.000 tỷ đồng (từng được Bộ Xây dựng đề xuất trước đó) để đạt mục tiêu xây tối thiểu 1 triệu căn nhà xã hội đến năm 2030. Ở gói này, lãi suất vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8 -5%/năm, thời hạn vay tối đa 25 năm, tương tự gói tín dụng 30.000 tỷ đồng áp dụng hơn 10 năm trước.

Bên cạnh đó, để tăng sức hút với doanh nghiệp, ông Châu đề nghị dự thảo nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội tăng thêm lợi nhuận định mức lên 15%, thay vì 10% như trước, áp dụng cho doanh nghiệp tự tạo lập quỹ đất.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đồng ý việc giảm lãi suất cho vay cũng như kéo dài thời hạn vay với gói ưu đãi này. “Cơ quan quản lý phải thống nhất quy định chủ đầu tư đủ điều kiện được hưởng gói vay 120.000 tỷ đồng này cần rõ ràng, công khai, minh bạch. Đối với các cá nhân được hưởng gói 120.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội cũng cần quy định rõ ràng bao nhiêu điều kiện, những điều kiện đó là gì, thời hạn vay ra sao, mức độ vay thế nào. Thực ra, nếu vay thời hạn dài từ 20 năm đến 25 năm được giảm lãi suất là một khoản lớn, nhưng chỉ được vài năm như quy định cũ không được bao nhiêu”, ông Thịnh nói.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trên địa bàn cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn (tăng 4 dự án, 6.950 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15/3/2024). Trong đó, số lượng hoàn thành là 75 dự án, với quy mô 39.884 căn. Số lượng dự án đã khởi công xây dựng 128 dự án, với quy mô 115.379 căn, số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư 300 dự án, quy mô 262.937 căn.

Theo Ngọc Mai


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...