Bất ngờ với nợ xấu của Big 4 ngân hàng
Nợ xấu đang là mối lo của toàn hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu tại nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) cũng có xu hướng tăng khá mạnh trong 9 tháng đầu năm, tuy nhiên sang quý 4 lại bất ngờ quay đầu giảm đáng kể.
Các ngân hàng trong nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) mới đây đã công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2023 với nhiều con số ấn tượng.
Về lợi nhuận, đây là năm đầu tiên cả 4 ngân hàng cùng ghi nhận lợi nhuận trước thuế vượt mốc 1 tỷ USD. Đặc biệt, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên ghi nhận lợi nhuận vượt mốc 40.000 tỷ đồng. Các ngân hàng BIDV, Agribank, VietinBank có lợi nhuận riêng lẻ lần lượt là 26.700 tỷ đồng, hơn 25.000 tỷ đồng, hơn 24.000 tỷ đồng.
Không chỉ con số lợi nhuận, các ngân hàng này cũng gây bất ngờ về chất lượng tài sản, với tỷ lệ nợ xấu đồng loạt giảm mạnh trong quý cuối cùng của năm.
Tại Vietcombank, lãnh đạo ngân hàng cho biết, kết thúc tháng 12/2023, chất lượng nợ được kiểm soát theo mục tiêu với tỷ lệ nợ nhóm 2 là gần 0,42%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,97%.
Trước đó, theo báo cáo tài chính quý 3/2023, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank đã tăng từ 0,68% (cuối năm 2022) lên 1,21% (tháng 9/2023). Như vậy, trong quý 4, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này đã có diễn biến tích cực đáng kể, giúp Vietcombank duy trì 6 năm liên tiếp ghi nhận tỷ lệ nợ xấu ở dưới 1% tại thời điểm cuối năm.
VietinBank cũng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh trong quý 4/2023, thậm chí còn xuống mức thấp hơn cuối năm 2022. Cụ thể, nhà băng này cho biết tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2023 chỉ còn 1,12%. Trong khi trước đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của ngân hàng này cuối quý 3/2023 là 1,37% và cuối năm 2022 là 1,24%.
Tỷ lệ nợ xấu tại BIDV cũng có chuyển biến tích cực. Nếu như cuối tháng 9/2023, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của ngân hàng này ở mức 1,6% và tỷ lệ nợ xấu tính theo Thông tư 11 là 1,29% thì đến tháng 12/2023, tỷ lệ nợ xấu tính theo TT 11 chỉ còn 1,1%.
Tỷ lệ nợ xấu của Agribank cũng không tăng mạnh trong năm 2023, duy trì dưới mức 2%.
Trước đó, cuối tháng 9/2023, Vietcombank, VietinBank, BIDV nằm trong 5 ngân hàng niêm yết có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất. Những ngân hàng này cũng có tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu dẫn đầu ngành. Trong đó, Vietcombank vẫn giữ vị trí quán quân với mức 280%. VietinBank và BIDV lần lượt ghi nhận ở mức 160% và 192%.
Do các ngân hàng chưa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 nên chưa thể rõ nguyên nhân tỷ lệ nợ xấu bất ngờ quay đầu giảm mạnh sau khi tăng liên tục trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, nhiều khả năng biến động này đến từ việc dư nợ tín dụng tăng vọt trong những tháng cuối cùng, do đó, kể cả khi tổng số dư nợ xấu không giảm thì tỷ lệ nợ xấu vẫn giảm mạnh.
Chẳng hạn như tại VietinBank, đến hết năm 2023, dư nợ tín dụng của nhà băng này đã tăng tới 15,6% so với cuối năm 2022 và vượt mốc 15 triệu tỷ đồng. Trong khi trước đó, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay 9 tháng đầu năm mới chỉ đạt 8,7%. Tức con số dư nợ tăng thêm trong 3 tháng cuối gần bằng với 9 tháng đầu năm.
Hay tại Vietcombank, ngân hàng cho biết dư nợ tín dụng trong năm qua tăng 10,6% và đạt 1,27 triệu tỷ đồng. Mức tăng trưởng này có sự cải thiện lớn so với mức tăng 4% trong 9 tháng đầu năm.
BIDV cũng vậy, dư nợ tín dụng đã tăng vọt trong 3 tháng cuối năm 2023. Tốc độ tăng trưởng tín dụng đến tháng 9/2023 mới chỉ ở mức 8,6% nhưng đến hết tháng 12/2023 đã lên tới 16,66%.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh thu hồi nợ, xử lý nợ xấu cũng góp phần cải thiện chất lượng tài sản của các ngân hàng. Chẳng hạn, VietinBank cho biết, công tác thu hồi nợ xử lý rủi ro đã đạt được kết quả khả quan trong năm 2023, nhà băng thu hồi được gần 5.000 tỷ đồng gốc lãi nợ xử lý rủi ro.
PV