Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sẽ lập "trật tự" xuất khẩu gạo bằng việc áp giá sàn?

Hiện có trên 200 thương nhân được Bộ Công Thương cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định số 107. Dù đã có quy định cụ thể về chế độ báo cáo nhưng đa số các thương nhân chưa thực hiện đúng chế độ, đặc biệt là tình hình ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và hàng tồn kho ở từng thời điểm.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa báo cáo Văn phòng Chính phủ về tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo và việc thực hiện các quyết định, chỉ thị của Thủ tướng về đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay.

VFA cho biết, lệnh cấm xuất khẩu gạo ngày 20/7 của Ấn Độ và của một số nước khiến nhu cầu cho mặt hàng lương thực thiết yếu này khan hiếm, Việt Nam đã tận dụng cơ hội khai thác thị trường, nâng cao hiệu quả cho nông dân trồng lúa.

Trong nửa đầu tháng 8, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 457.000 tấn, trị giá hơn 155 triệu USD, giảm gần 20% về lượng so với cùng kỳ nhưng tăng gần 31% về giá trị. Tính từ đầu năm đến ngày 15/8, xuất khẩu gạo đạt 5,3 triệu tấn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái, với trị giá gần 2,9 tỷ USD, tăng gần 35%.

Theo VFA, dù xuất khẩu gạo đang gặp thuận lợi nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, nhưng hoạt động hiện cũng gặp không ít bất cập. Cụ thể, do giá cả biến động tăng quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý chờ giá, hợp đồng liên kết bị phá vỡ, doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện hợp đồng đã ký.

Sẽ lập 'trật tự' xuất khẩu gạo bằng việc áp giá sàn? - Ảnh 1.

Theo VFA, khi hoạt động xuất khẩu gạo gặp thuận lợi, chuỗi cung ứng từ nông dân, thương lái, nhà máy...cũng bộc lộ nhiều bất cập.

Ngoài ra, hiện có trên 200 thương nhân được Bộ Công Thương cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định số 107. Dù đã có quy định cụ thể về chế độ báo cáo nhưng đa số các thương nhân chưa thực hiện đúng chế độ, đặc biệt là tình hình ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và hàng tồn kho ở từng thời điểm.

“Việc này ảnh hưởng đến công tác tổng hợp, dẫn tới số liệu báo cáo để phục vụ điều hành vĩ mô do thiếu chính xác, chậm trễ’, VFA nhận xét.

Cũng theo VFA, đặc biệt vấn đề vốn tín dụng đang được thương nhân quan tâm nhất khi hầu hết đều gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn.

Trước tình hình sản xuất và thị trường thương mại gạo thế giới trong thời gian tới dự báo chứa đựng nhiều biến động, VFA kiến nghị bổ sung quy định cụ thể cơ chế báo cáo và phân công một cơ quan quản lý về tình hình ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo và hàng hóa lúa gạo tồn kho của thương nhân có đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định 107.

Cùng đó, VFA đề nghị bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo hiệu quả cho nông dân sản xuất lúa , đồng thời đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa thương nhân xuất khẩu gạo, đặc biệt giữa thương nhân đã đầu tư cơ sở sản xuất theo Nghị định 109 và thương nhân thuê kho theo Nghị định 107.

VFA cũng kiến nghị với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét có cơ chế hỗ trợ về vốn cho thương nhân nhằm tăng cường nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động thu mua lúa gạo, đảm bảo nguồn tồn kho dự trữ lưu thông.

Theo Dương Hưng

Tiền phong


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...