Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguồn tài chính đổ vào thị trường địa ốc bắt đầu sôi động hơn

Theo thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, so với giai đoạn trước, nguồn tài chính đổ vào thị trường bất động sản bắt đầu sôi động hơn.

Nguồn tiền đổ vào thị trường địa ốc bắt đầu sôi động hơn

Tại Diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024 - Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong quý cuối cùng của năm 2023, giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng tại 2 TP lớn là Hà Nội và TP HCM, đặc biệt là các khu vực trung tâm; giá giao dịch thứ cấp nhà ở riêng lẻ trong năm 2023 tại các địa phương có xu hướng giảm đều theo quý và giảm từ 10-14% so với năm 2022;

Giá cho thuê văn phòng tại TP Hà Nội, TP HCM có xu hướng giảm giá thuê 9-22% so với quý trước; giá bán và lượng giao dịch bất động (BĐS) nghỉ dưỡng tiếp tục giảm và hạn chế về giao dịch; giá thuê BĐS công nghiệp có xu hướng tăng nhẹ so với quý trước.

Về dư nợ tín dụng BĐS, tính đến ngày 31/11/2023, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt 1.022.532 tỷ đồng. Tức là so với giai đoạn trước bắt đầu tăng lên, nguồn tài chính đổ vào thị trường bắt đầu sôi động hơn.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong cả năm 2023 tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 311.240 tỷ đồng, trong đó trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực BĐS là 73.200 tỷ đồng (chiếm 23,5% tổng giá trị; tăng 40,8% so với năm 2022).

Nguồn tài chính đổ vào thị trường địa ốc bắt đầu sôi động hơn - Ảnh 1.

So với giai đoạn trước, nguồn tài chính đổ vào thị trường bất động sản bắt đầu sôi động hơn.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hoạt động của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực BĐS vẫn đang có nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó bao gồm các khó khăn, vướng mắc về pháp lý dự án, cụ thể như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc; quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên.

Cơ chế phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ cũng đã gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho dự án BĐS, cụ thể như: trong công tác giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn với người dân; công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, thực hiện các hồ sơ, thủ tục của dự án.

Đặc biệt, khó khăn trong tiếp cận vốn vay tín dụng và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp cùng huy động vốn khác đã dẫn đến việc doanh nghiệp thiếu vốn để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023 cũng đã trở thành một trong những thách thức cho hoạt động của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực địa ốc.

 

Thiết giảm chi phí để giảm giá nhà

Để thị trường BĐS tốt hơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh mong muốn các doanh nghiệp BĐS cần chủ động thực hiện một số giải pháp như: Về nguồn vốn đầu tư, đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng , còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính…); Huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; Giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải. Về hoạt động đầu tư, tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản.

Nguồn tài chính đổ vào thị trường địa ốc bắt đầu sôi động hơn - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng mong muốn các doanh nghiệp BĐS thực hiện giải pháp tiết kiệm, thiết giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm (Ảnh: Lập Đông).

Trong hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp phải đảm bảo chất lượng sản phẩm khi trao đến tay khách hàng phải đảm bảo về tính pháp lý; đảm bảo chất lượng về thiết kế, công năng; bố trí đầy đủ về hạ tầng xã hội; đa dạng và đồng bộ về tiện ích, dịch vụ. Về giá thành sản phẩm BĐS, thực hiện các giải pháp tiết kiệm, thiết giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm , cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thực tế của người dân , vừa túi tiền.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh tin tưởng những chính sách của Chính phủ, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị với những chính sách đã và đang triển khai thì trong năm 2024, thị trường BĐS sẽ phục hồi, phát triển bền vững.

Theo Lộc Liên


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...