Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghị quyết 31 - Chìa khóa vàng: Thay chiếc áo đã quá chật

L.T.S: Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được xem là chìa khóa vàng mở ra tiến trình phát triển mới của TP HCM. Để triển khai hiệu quả nghị quyết, đòi hỏi TP HCM tập trung ý chí, trí tuệ, giải pháp sáng tạo...

Thách thức đối với TP HCM trong việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là nhận diện rõ những hạn chế đang kìm hãm mô hình hoạt động của một siêu đô thị và nhanh chóng có giải pháp khắc phục.

Nhìn thẳng vào hạn chế

Nói chiếc áo TP HCM đang mặc đã quá chật so với tốc độ và nhu cầu phát triển của thành phố là hoàn toàn có lý. Điều này thể hiện rõ ở 2 khía cạnh.

Thứ nhất, trong nhiều năm, tỉ lệ ngân sách để lại cho TP HCM được đánh giá là thấp, chưa tương xứng với khả năng phát triển và đóng góp trở lại ngân sách trung ương của thành phố. Thứ hai, nhiều quy định, thể chế dành cho thành phố không khác nhiều so với các địa phương trong khi thành phố có thế mạnh, vị trí, vai trò rất riêng và rất đặc biệt. Thiếu nguồn lực và thiếu thể chế rộng mở là nút thắt lớn nhất khiến tốc độ phát triển, đổi mới của TP HCM chưa đạt mức trung ương và chính thành phố kỳ vọng.

Nghị quyết 31 - Chìa khóa vàng: Thay chiếc áo đã quá chật - Ảnh 1.

Lãnh đạo TP HCM cùng các đại biểu dự lễ chạy thử nghiệm tàu metro số 1, đây là mốc quan trọng của dự án thay đổi diện mạo đô thị của thành phố .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nhìn lại quá trình phát triển 20 năm gần đây, rõ ràng TP HCM có những hạn chế phải tự giải quyết bằng tinh thần đổi mới, kiến tạo. Hạn chế rõ nhất là cơ cấu kinh tế chưa hợp lý, còn thâm dụng lao động, tạo áp lực lên đô thị lõi, không khai thác được hết thế mạnh về địa - chính trị và nguồn nhân lực, còn bỏ ngỏ phát triển khoa học - công nghệ đi liền với kinh tế số. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng giao thông chưa được quyết liệt đầu tư "đi trước một bước" để phục vụ phát triển kinh tế dẫn đến tình trạng quá tải, làm giảm sức hút đầu tư.

Không phủ nhận nguyên nhân một phần do nguồn lực từ ngân sách còn hạn chế, song tính năng động, chủ động của thành phố dường như có phần giảm sút so với giai đoạn đổi mới trước đây.

Một nút thắt quan trọng khác cần tháo gỡ là làm sao kích hoạt bộ máy, con người hoạt động trơn tru, hiệu quả với tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp được đặt lên trên hết. Cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp; tạo cơ chế thông thoáng; ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt... là những việc thành phố cần làm ngay.

Nghị quyết 31 - Chìa khóa vàng: Thay chiếc áo đã quá chật - Ảnh 2.

Nghị quyết 31 như “chìa khóa vàng” mở ra tiến trình phát triển mới của TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ngoài ra, câu chuyện biên chế ở một số phường, xã đông dân chưa phù hợp với khối lượng công việc quá nhiều, quá lớn; chế độ đãi ngộ thấp khiến một số cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc... cũng là bài toán khó mà thành phố cần phân tích, mổ xẻ để có giải pháp khắc phục hoặc kiến nghị cơ chế xử lý phù hợp. Nếu không bảo vệ, giữ chân được nguồn nhân lực, không riêng TP HCM mà bất cứ địa phương, đơn vị nào cũng đều không thể phát triển được bởi đây là lực lượng quan trọng hàng đầu.

Là một đô thị loại đặc biệt, TP HCM chưa được hưởng cơ chế tương xứng, dẫn đến hạn chế nhất định trong việc thực hiện các chỉ tiêu đề ra cũng như mục tiêu, tầm nhìn trong phát triển. Tuy nhiên, bản thân thành phố cũng có những vấn đề phải tự giải quyết, không thể chỉ ngồi chờ cơ chế, chờ trung ương tháo gỡ. Chỉ khi phát huy tối đa tính chủ động, TP HCM mới có thể thực hiện hiệu quả Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị nhằm khai thác hết những cơ chế, lợi thế được dành riêng cho mình.

TP HCM cần làm gì?

Hướng đến tư duy vùng đô thị và tư duy kinh tế vùng, TP HCM gánh trên vai trọng trách vô cùng lớn lao. Nếu không thay chiếc áo đã quá chật, thành phố khó có thể bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại, an sinh. Bên cạnh việc kiến nghị trung ương tạo điều kiện bằng những cơ chế mới rộng mở, khả thi và khai thác tốt những cơ chế đã được cho, thành phố phải chủ động hình thành tư duy đột phá về kinh tế. Trong đó, quan trọng nhất là chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là một lợi thế so sánh khi TP HCM có những khu công nghiệp, khu công nghệ cao đã định vị được giá trị riêng. Tuy nhiên, hàm lượng gia công còn cao, giá trị gia tăng còn thấp, trình độ phát triển khoa học - công nghệ còn hạn chế... là những điều thành phố cần mạnh dạn, quyết liệt thay đổi.

Trong thời đại công nghệ, bắt buộc TP HCM phải chủ động chuyển sang kinh tế số, phát huy sức mạnh tư nhân và hội nhập kinh tế, khẳng định rõ hơn vai trò của khu vực dịch vụ - du lịch, giảm tỉ trọng đóng góp của những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nhưng tạo giá trị thấp và gây ô nhiễm môi trường. Với tiềm năng trong lĩnh vực tài chính sẵn có và ngày càng mở rộng, TP HCM hoàn toàn có thể phát triển theo hướng hiện đại, trở thành một trung tâm kinh tế của khu vực, tiến tới xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế.

Cùng với đó, TP HCM cần tích cực tháo gỡ các nút thắt để cải thiện kết cấu hạ tầng, chuyển dịch nhanh kết nối chuỗi giá trị, tăng cường năng lực logistics. Song song đó, phát huy tốt hơn nữa nguồn lực dồi dào của kiều bào; kết nối với nền sản xuất của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc nhằm mục tiêu chen chân được vào chuỗi giá trị.

Việc chủ động chuyển đổi mô hình tăng trưởng song song với cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, xây dựng khung pháp lý rõ ràng... sẽ giúp TP HCM thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước cũng như đội ngũ chuyên gia nước ngoài. Đồng thời, việc này cũng giúp tăng lợi thế cạnh tranh, sức hấp dẫn với những nhà đầu tư "đại bàng". Chỉ khi nhà đầu tư lớn vào, thành phố mới dễ dàng thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm tài chính - kinh tế của khu vực và sớm hoàn thành ước mơ trở thành trung tâm tài chính tầm quốc tế.

Về phía trung ương và các cơ quan quản lý, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TP HCM phát huy tiềm năng phát triển, đóng góp lớn trở lại vào ngân sách trung ương. Trong đó, quan trọng nhất là tạo cơ chế thuận lợi, rộng mở, phù hợp với nhu cầu của đô thị đặc biệt để thành phố có đủ không gian và dưỡng khí để phát triển. Tiếp theo là cần dành cho thành phố nguồn ngân sách bởi những đồng vốn mồi chắc chắn sẽ được thành phố tận dụng hiệu quả như trước nay đã làm được.

Phương Nhung ghi

Nhiều chính sách mới thu hút đầu tư

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP HCM để trình Quốc hội đã đưa ra các ngành nghề chiến lược được hưởng các chính sách về thuế, tiền thuê đất, các cơ chế ưu đãi về chính sách hải quan như sản xuất chip, bán dẫn, vật liệu mới, năng lượng sạch.

Với các tiêu chí do TP HCM quy định, các dự án đầu tư sẽ được hỗ trợ một phần chi phí từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách thành phố. Các lĩnh vực về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ được hưởng chính sách miễn thuế, nhằm thu hút đầu tư vào TP HCM.

Bên cạnh đó, dự thảo cho phép TP HCM được áp dụng đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đối với các dự án trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích, di sản văn hóa, với quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP không thấp hơn 100 tỉ đồng.

M.Chiến

Theo TS LÊ ĐĂNG DOANH

Người lao động


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...