Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mức giảm trừ gia cảnh "lạc nhịp" với thu nhập và chi tiêu của người dân

Mặc dù mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng từ tháng 7/2020 nhưng vẫn bị xem là “lạc hậu” trong bối cảnh kinh tế liên tục tăng trưởng...

Theo đó, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh/thành phố, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ( VCCI ) nghiên cứu rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi các Luật thuế , trong đó có Luật Thuế TNCN.

Cụ thể, Bộ Tài chính cho rằng, Luật Thuế TNCN có hiệu lực từ năm 2009 (đã được sửa đổi bổ sung tại các Luật số 26/2012/QH13; Luật số 71/2014/QH13). Trong hơn 10 năm có hiệu lực thi hành, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi xây dựng Luật như: đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập, động viên hợp lý thu nhập dân cư, phù hợp với thông lệ quốc tế, huy động nguồn ngân sách nhà nước… Tuy nhiên, cho tới nay, Luật này cũng bộc lộ những bất cập cần phải thay đổi, sửa đổi bổ sung cho hợp lý.

Thực tế hiện nay, cách tính thuế TNCN là vấn đề người dân hết sức quan tâm, tuy mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng và mức giảm trừ cho người phụ thuộc được nâng từ 3,6 triệu đồng/người lên 4,4 triệu đồng/người từ tháng 7/2020 nhưng vẫn bị xem là “lạc hậu” trong bối cảnh kinh tế liên tục tăng trưởng; giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao; người nộp thuế và người phụ thuộc phải trang trải rất nhiều chi phí cuộc sống. Bên cạnh đó, ngưỡng chịu thuế 100 triệu đồng với cá nhân kinh doanh cũng được cho là quá thấp.

Theo các chuyên gia, bản chất của chính sách thuế là điều tiết từ những người có thu nhập cao để hạn chế tối đa bất cân xứng thu nhập, chênh lệch giàu nghèo, củng cố nguồn thu ngân sách để thực hiện nghĩa vụ công, nhưng cách tính thuế TNCN hiện tại chưa đáp ứng được điều này.

Tăng, hay giảm thuế thu nhập cá nhân trong thời dịch?

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật thuế TNCN, “Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo”.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hiện thống kê về chỉ số giá tiêu dùng chưa phản ánh hết được sự tăng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày mà người dân phải chi trả. Chưa kể theo quy định phải khi CPI tăng 20% thì mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh nên thời gian qua việc điều chỉnh mức giảm trừ cho người lao động chưa được kịp thời.

Đánh giá về quy định đã nêu, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả chia sẻ, thời gian áp dụng vừa qua cho thấy quy định này gây thiệt thòi cho người nộp thuế. Lạm phát của Việt Nam thường chỉ có tăng và trong 5 - 7 năm gần đây mức tăng khoảng 3 - 4%/năm, nếu để cộng dồn CPI tăng 20% thì phải mất khoảng 5 năm mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Trong khi đó, mức tăng CPI hàng năm ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người nộp thuế rồi.

Mức giảm trừ gia cảnh lạc nhịp với thu nhập và chi tiêu của người dân - Ảnh 1.

Ngưỡng chịu thuế 100 triệu đồng với cá nhân kinh doanh được cho là quá thấp - Ảnh minh họa

Chưa kể, theo quy định hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh là mức cố định chung cho tất cả người nộp thuế ở các vùng miền khác nhau, trong khi chi phí trang trải cuộc sống thực tế lại có sự chênh lệch đáng kể.

Theo ông Long, trong khi doanh nghiệp ngày càng được ưu đãi về thuế và được giảm từ 25% vào năm 2010 xuống còn 20% năm 2020, thuế TNCN vẫn giữ nguyên, điều này tạo áp lực đáng kể lên người chịu thuế.

“Mức thuế TNCN như hiện nay không hợp lý, quá nhiều bậc, rắc rối và cao so với mặt bằng chung thu nhập của người dân. Có thể nghiên cứu giảm bậc thuế thu nhập cá nhân xuống còn 3 - 5 bậc và hạ thuế suất của các bậc xuống, bởi quy định biểu thuế thu nhập cá nhân lũy tiến như hiện nay với 7 bậc và khoảng cách giữa các bậc thuế quá dày cộng với thuế suất cao khiến gánh nặng, áp lực lớn đối với người nộp thuế”, ông Long đề xuất.

Còn theo chuyên gia tài chính - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc quá thấp so với mức chi tiêu sinh hoạt hiện nay khi giá cả hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ đều tăng cao. Hơn nữa, người phụ thuộc không chỉ có chi phí ăn uống, sinh hoạt hằng ngày mà còn phải lo tiền học tập đối với con cái, rồi chi phí thuốc men, điều trị bệnh đối với người già.

Từ đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nên nới mức không phải đóng thuế cao hơn hiện nay vì đời sống người dân cao hơn thì phải đảm bảo cho họ đủ chi tiêu, mức giảm trừ gia cảnh cũng phải nâng từ 11 lên 15 - 20 triệu đồng.

Đồng quan điểm với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nhiều chuyên gia đề xuất Luật Thuế TNCN sửa đổi cần bổ sung quy định các khoản chi phí có hóa đơn, chứng từ như: chi phí tiền học cho con, tiền lãi vay mua ngôi nhà đầu tiên, tiền chữa bệnh hiểm nghèo mà bảo hiểm không chi trả, tiền điện, tiền nước… phải được khấu trừ khi tính thuế TNCN.

Cũng kiến nghị về Luật Thuế TNCN sửa đổi, Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa - Tổng Giám đốc Công ty Luật TNHH Việt Tín Nghĩa cho rằng, cần bổ sung mức giảm trừ gia cảnh theo mức tiền lương tối thiểu vùng, bởi, tiền lương tối thiểu vùng là một chỉ số được Nhà nước công bố hàng năm và người lao động, người sử dụng lao động thống nhất thực hiện. Khi sử dụng chỉ số này sẽ bảo đảm công bằng giữa chi phí cuộc sống từng vùng và có cơ sở pháp lý chặt chẽ hơn. Khi đó, chúng ta có thể xây dựng mức giảm trừ gia cảnh ở mức 4-5 lần mức tiền lương tối thiểu vùng cho người nộp thuế.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...