Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Luật Dầu khí sửa đổi: Hoàn thiện thể chế để phát triển ngành công nghiệp dầu khí

Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi đã nhiều lần được góp ý, bổ sung, chỉnh lý và đang đi đến giai đoạn hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua.

Tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm sát thực tế

Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, sau gần 30 năm hoạt động, Luật Dầu khí đã trải qua 3 lần sửa đổi. Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã có 90 ý kiến của các đại biểu quốc hội tham gia thảo luận tại tổ, 23 ý kiến tham gia thảo luận tại nghị trường. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo (Bộ Công Thương) và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Trong bối cảnh mới đòi hỏi dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) phải có cách nhìn mới để “đánh thức” đầu tư, vừa bảo đảm tính đặc thù, vừa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, hài hòa thông lệ quốc tế
Trong bối cảnh mới đòi hỏi dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) phải có cách nhìn mới để “đánh thức” đầu tư, vừa bảo đảm tính đặc thù, vừa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, hài hòa thông lệ quốc tế

Các chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, những nhóm nội dung chính trong sửa đổi Luật Dầu khí là: Bổ sung thêm khung thể chế cho hoạt động dầu khí, cụ thể là tạo cơ chế cho các hoạt động đã diễn ra trong thực tế nhưng luật hiện hành chưa có quy định; đồng bộ Luật Dầu khí với các quy định khác của pháp luật; chính sách về ưu đãi đầu tư trong điều kiện mới; chính sách kế toán, kiểm toán, quyết toán; cơ chế tài chính; phân cấp, phân quyền…

Cụ thể như, quy định về cơ quan được phân công làm đầu mối tổ chức khai thác, sử dụng các sản phẩm của các đề án điều tra cơ bản, do vậy, có thể dẫn tới những khó khăn trong quá trình triển khai khai thác và sử dụng các tài liệu, mẫu vật và kết quả điều tra cơ bản cho công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, nghiên cứu đánh giá chuyên sâu.

Dự thảo Luật cũng chưa có quy định cụ thể nguyên tắc thực hiện lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa dịch vụ dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí mà chỉ có quy định phải bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả trong lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, hàng hóa dầu khí phục vụ hoạt động dầu khí. Do Luật Đấu thầu không có quy định điều chỉnh về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí nên cần thiết phải bổ sung quy định về lựa chọn nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ hoạt động dầu khí để đảm bảo không có khoảng trống pháp lý giữa các Luật.

Trước rất nhiều những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách đã cản trở hoạt động dầu khí, đặc biệt là hoạt động đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác trong những năm qua, mong rằng Luật Dầu khí sửa đổi sẽ được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện đạt chất lượng cao nhất, để Luật khi ban hành thật sự đi vào thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giải quyết được các vướng mắc, cũng như giảm phát sinh những vướng mắc mới, thúc đẩy và phục vụ hiệu quả cho sự phát triển của ngành Dầu khí nước nhà.

Tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét

Báo cáo Bộ Công Thương nêu cụ thể, một số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật bao gồm điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thượng nguồn.

Tuy nhiên có một số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của dự án Luật hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn. Đối với vấn đề này, Cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo lý do báo cáo lý do dự án Luật không điều chỉnh hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn.

Bộ Công Thương lý giải cụ thể, các hoạt động dầu khí thượng nguồn mới chỉ có những đặc thù cần thiết phải quy định trong Luật chuyên ngành (thực tế đang được quy định tại Luật Dầu khí hiện hành). “Trong khi đó, các hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn (bao gồm vận chuyển, xử lý, chế biến dầu khí) hiện nay đang được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai,…; trong quá trình triển khai cơ bản không gặp vướng mắc, không cần quy định trong Luật chuyên ngành”- báo cáo Bộ Công Thương chỉ ra.

Liên quan tới các dự án theo chuỗi là những trường hợp rất đặc thù, phải xây dựng một chuỗi các hạng mục công trình đồng bộ để phát triển mỏ, khai thác sản phẩm dầu khí thượng nguồn, vận chuyển về bờ, xử lý chất lượng sản phẩm dầu thô và khí thiên nhiên trước khi xuất bán thương mại cho các hộ tiêu thụ được thực hiện theo trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Dầu khí.

Theo đó, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về thời gian và tiến độ, nâng cao hiệu quả kinh tế, khuyến khích các nhà thầu bỏ vốn đầu tư lớn để thực hiện các dự án thành phần liên quan mật thiết với nhau. “Về nội dung này, trên cơ sở ý kiến của vị đại biểu Quốc hội,Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với Cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục hoàn thiện, báo cáo Chính phủ thông qua để trình Quốc hội”- Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Để Luật Dầu khí khi ban hành đi vào thực tế, giải quyết được các vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút nguồn lực, tạo khung pháp lý hoàn chỉnh thúc đẩy và phát triển hoạt động Dầu khí; dựa trên thực tiễn hoạt động dầu khí, cũng như thông lệ quốc tế, hiện vẫn còn một số điều mà các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà đầu tư mong muốn Dự thảo Luật sẽ tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý để khi ban hành Luật đi vào cuộc sống, đáp ứng những kỳ vọng đặt ra.

Dự án Luật Dầu khí sửa đổi được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2022, kỳ vọng sau khi ban hành sẽ tháo gỡ những vướng mắc, tạo ra bước đột phá về thể chế để thúc đẩy phát triển hoạt động dầu khí, tiếp tục đưa nguồn tài nguyên dầu khí vào phục vụ cho sự phát triển đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế và an ninh quốc gia trên biển.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết