Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 4,7% trong năm 2023

Nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 4,7% trong năm 2023 do sức cầu trong nước và bên ngoài yếu đi, sau đó dự báo sẽ hồi phục về mức 5,5% trong năm 2024 và 6,0% trong năm 2025.

Tăng trưởng kinh tế chững lại

Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng GDP theo giá so sánh giảm còn 3,7% trong nửa đầu năm 2023, do sức cầu bên ngoài suy giảm và nhu cầu trong nước yếu đi. Kim ngạch xuất khẩu giảm 12% so cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2023. Tốc độ tăng trưởng tiêu dùng giảm từ 6,1% trong nửa đầu năm 2022 xuống còn 2,7% trong nửa đầu năm 2023, do lòng tin của người tiêu dùng yếu đi và tăng trưởng thu nhập khả dụng thực chững lại. Tăng trưởng đầu tư giảm từ 3,9% trong nửa đầu năm 2022 xuống còn 1,1% trong nửa đầu năm 2023, do đầu tư của tư nhân trong nước suy yếu trong khi đầu tư công tăng lên chỉ bù đắp được phần nào.

Lạm phát toàn phần giảm từ 4,9% (so cùng kỳ) trong tháng 01 năm 2023 xuống còn 2,1% (so cùng kỳ) trong tháng 07/2023, do giá cả nhiên liệu giảm và tiêu dùng trong nước yếu đi. Mặc dù vậy, lạm phát cơ bản lại giảm với tốc độ chậm hơn, từ 5,2% (so cùng kỳ) trong tháng 01 xuống 4,1% (so cùng kỳ) trong tháng 07/2023, phần nào do giá nhà ở và giá cả vật liệu xây dựng vẫn tăng.

Cũng theo Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế chững lại gây ảnh hưởng đến tình hình thị trường lao động. Qua khảo sát vào tháng 04/2023, 60% các doanh nghiệp cho biết họ phải cắt giảm lao động ít nhất ở mức 5%. Tăng trưởng thu nhập khả dụng thực chững lại trong nửa đầu năm 2023 (ở mức 3,4% so cùng kỳ năm trước).

Kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 4,7% trong năm 2023 - Ảnh 1.

Mặc dù gặp nhiều trở ngại bên ngoài, vị thế kinh tế đối ngoại của Việt Nam vẫn được cải thiện trong Q1/2023, khi tài khoản vãng lai thặng dư ở mức 1,5% GDP. Cán cân thương mại hàng hóa được cải thiện do nhập khẩu suy giảm mạnh hơn xuất khẩu, phần nào do kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trung gian giảm xuống. Bên cạnh đó, thâm hụt cán cân thương mại dịch vụ được thu hẹp khi du khách quốc tế quay lại. Tài khoản tài chính vẫn đạt thặng dư do dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và dòng vốn đầu tư gián tiếp vẫn đứng vững. Cán cân thanh toán tổng thể đạt thặng dư đã tạo điều kiện giúp NHNN tích lũy dự trữ ngoại hối đạt 88,7 tỷ US$ sau khi kết thúc nửa đầu năm 2023 (tương đương 3,3 tháng nhập khẩu).

Để xử lý tình trạng tăng trưởng chững lại, NHNN đã nới lỏng chính sách tiền để hỗ trợ các hoạt động kinh tế. Các mức lãi suất chính sách chủ chốt được cắt giảm tổng cộng lên đến 150 điểm cơ bản từ tháng 03 đến tháng 06/2023. Mặc dù lãi suất giảm, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn chững lại còn 7,8% trong tháng 06/2023, do đầu tư của tư nhân giảm, bao gồm cả trong lĩnh vực bất động sản, và lòng tin của nhà đầu tư liên tục ở mức thấp. Đồng thời, trong điều kiện lĩnh vực bất động sản gặp nhiều khó khăn, chất lượng tài sản của các ngân hàng trở nên xấu đi với nợ xấu tăng từ 1,9% trong tháng 12/2022 lên 2,9% trong tháng 03/2023, buộc NHNN phải tái áp dụng các biện pháp quy định về tái cơ cấu thời hạn trả nợ.

Nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 4,7% trong năm 2023

Đưa ra triển vọng tăng trưởng, Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 4,7% trong năm 2023 do sức cầu trong nước và bên ngoài yếu đi, sau đó dự báo sẽ hồi phục về mức 5,5% trong năm 2024 và 6,0% trong năm 2025.

Nhu cầu trong nước dự kiến vẫn là động lực tăng trưởng chính, mặc dù tốc độ tăng chậm hơn so với năm ngoái. Lạm phát CPI bình quân trong năm ước đạt 3,5%, do dự kiến tăng lương công chức, sau đó giảm còn 3,0% trong năm 2024 và 2025 với giả định giá cả năng lượng và thương phẩm vẫn ổn định. Cân đối ngân sách dự kiến có bội chi ở mức 0,7% GDP trong năm 2023 khi chính sách tài khóa vẫn phần nào hỗ trợ cho nền kinh tế, nhưng Chính phủ sẽ quay lại vị thế tài khóa thận trọng hơn trong năm 2024, phù hợp với chiến lược phát triển ngành tài chính giai đoạn 2021-2030.

Trong khi đó, tài khoản vãng lai dự kiến sẽ tiếp tục được cải thiện, nhờ xuất khẩu sẽ phục hồi ở mức khiêm tốn, số lượt du khách quốc tế tiếp tục phục hồi, và nguồn kiều hối vẫn đứng vững. Tỷ lệ nghèo (theo chuẩn nghèo cho quốc gia thu nhập trung bình thấp) được dự báo giảm từ 3,2% trong năm 2022 xuống còn 3,0% trong năm 2023.

“Tăng trưởng thấp hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc có thể suy giảm nhu cầu bên ngoài về các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Chính sách tiền tệ bị thắt chặt hơn nữa ở các nền kinh tế lớn và phát triển có thể sẽ lại nhen nhóm gây áp lực tỷ giá cho đồng nội tệ, dẫn đến dòng vốn tháo chạy ra ngoài”, Ngân hàng Thế giới cho hay.

Ngân hàng Thế giới cũng cho biết, trong ngắn hạn, chính sách tài khóa nên tiếp tục hỗ trợ cho tổng cầu. Ngân sách đầu tư được triển khai đầy đủ, kết hợp với các bước nhằm tháo gỡ ách tắc về thủ tục đầu tư công, là cách để nâng đầu tư công lên 7,1% GDP trong năm 2023, so với 5,5% trong năm 2023, qua đó sẽ hỗ trợ cho tổng cầu. Chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng được cho là phù hợp, nhưng tiếp tục cắt giảm lãi suất sẽ làm gia tăng chênh lệch lãi suất với các thị trường trên toàn cầu, có khả năng gây áp lực đến tỷ giá. Để giảm nhẹ rủi ro tài chính đang gia tăng, các biện pháp nâng cao tỷ lệ vốn của các ngân hàng và tăng cường khung giám sát ngân hàng là cách để đảm bảo ổn định và khả năng chống chịu của khu vực tài chính.

Theo Minh Ngọc

VnMedia


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...