Chuyên gia chứng khoán: "Rất khó có thời điểm nhiều cổ phiếu tốt, định giá rẻ cùng lộ diện như hiện tại"
Về chiến lược, nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu tỷ trọng cao nếu không có áp lực về margin tạm thời không nên bán ra ở thời điểm này.
Chứng khoán Việt Nam trải qua phiên giao dịch đầu tuần đầy sóng gió. Nhóm blue-chips không nằm ngoài diễn biến rung lắc khiến chỉ số chung mất đi trụ nâng đỡ. VN-Index "thủng" ngưỡng 1.200 điểm, dừng tại 1.188,07 với mức giảm 48,53 điểm (-3,92%). Điểm số trượt sâu nhưng thanh khoản không tăng thể hiện sự chủ động rút lui của dòng tiền cũng như sự thụ động từ phía lực cầu.
Phiên lao dốc bất ngờ của thị trường khiến nhiều nhà đầu tư choáng ngợp, không kịp trở tay. Nhiều nhà đầu tư quay cuồng chốt lời bảo vệ thành quả, nhiều người lại vội vã bán ra khi đang thua lỗ sau khi mua đuổi trong những nhịp tăng. Vậy sau nhịp giảm sâu, nhà đầu tư nên hành động như thế nào?
Dù áp lực giảm điểm vẫn còn song rủi ro hiện tại thấp hơn rất nhiều so với cơ hội tăng giá của thị trường. Do đó, vị chuyên gia Yuanta kỳ vọng rằng thị trường sẽ sớm lấy lại được mốc 1.200 điểm trong một vài phiên tới.
Đưa ra chiến lược hành động thời điểm này, ông Minh cho rằng nhà đầu tư hiện nay rơi vào 2 vị thế. Một là nhà đầu tư đang "ôm" cổ phiếu và hai là nhà đầu tư "ôm" tiền. Với nhà đầu tư thuộc trường hợp thứ hai, thị trường đang mở ra rất nhiều cơ hội.
Theo chuyên gia Yuanta, rất khó có thời điểm nhiều cổ phiếu tốt, định giá rẻ cùng lộ diện như hiện tại. Ông Minh ví von tình trạng rơi của thị trường chứng khoán giống hồi năm 2020 nếu xét về tính tương quan.
"Đợt sụt giảm năm 2020, thị trường rủi ro hơn hiện tại rất nhiều, dịch bệnh ảnh hưởng tới nền kinh tế, và ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường chứng khoán. Bối cảnh năm 2020 và 2024 khác nhau, năm 2020 kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid, thị trường chứng khoán vẫn gượng dậy và đi lên được. Năm 2024 vĩ mô tốt, kinh tế hồi phục tích cực do đó, nhịp giảm điểm của thị trường chứng khoán sẽ nhanh chóng kết thúc. Nhìn lại thị trường Nhật Bản, thời điểm Covid "rơi" khá mạnh tới 5-6%/ phiên, sau đó cũng bật tăng trở lại, thậm chí tạo mô hình chữ V", ông Minh chia sẻ.
Về chiến lược, nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu tỷ trọng cao nếu không có áp lực về margin tạm thời không nên bán ra ở thời điểm này. Đối với nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao, đây lại là cơ hội để tham gia vị thế cho danh mục dài hạn của mình. Hiện tại, nhiều cổ phiếu tốt đã chiết khấu về vùng giá hấp dẫn, thích hợp để tích luỹ.
Dương Ngọc