Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển động lớn ở KPF - Central Capital

Nhóm nhà đầu tư có liên hệ tới cựu giám đốc chi nhánh Quang Trung của một ngân hàng quốc doanh hàng đầu đã hoàn tất thoái vốn khỏi Central Capital. Cơ cấu sở hữu của KPF, công ty niêm yết mang đậm hình bóng Central Capital, theo đó cũng ghi nhận nhiều biến động.

Chuyển động lớn ở KPF - Central Capital

Tại ngày 30/9, tổng tài sản của KPF ở mức 831,7 tỷ đồng, tăng gần 30 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong kỳ ghi nhận sự tăng lên đáng kể (200 tỷ đồng) của khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết. Đây tương ứng là giá trị đầu tư vào CTCP Đầu tư xây dựng và thương mại Châu Việt thông qua việc nhận chuyển nhượng 20 triệu cổ phần (tương ứng tỷ lệ 50%) Châu Việt từ bà Vũ Thị Kim Thanh.

Thông tin chi tiết về Châu Việt hay bà Vũ Thị Kim Thanh không được KPF thuyết minh cụ thể. Tuy nhiên dữ liệu của Nhadautu.vn thể hiện bà Thanh là chị ruột ông Vũ Ngọc Hoàng – cựu Chủ tịch HĐQT KPF. Còn Châu Việt thành lập vào cuối năm 2017 với vốn điều lệ 5 tỷ đồng, 2 năm sau đó, doanh nghiệp này tăng vốn lên mức 400 tỷ đồng. Thành phần cổ đông sáng lập gồm bà Trần Thị Phương Mai (47%), ông Bùi Đức Long - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Vicoland Group (49%) và bà Dương Thị Lệ Hà – cựu quyền Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc Dân (4%).

Hiện KPF có vốn điều lệ 609 tỷ đồng, thành phần cổ đông lớn gồm CTCP Pac Quốc tế (23,04%), ông Nguyễn Như Khánh (9,96%), ông ông Tạ Sơn Tùng (9,93%).

Không nhiều thông tin về 2 cổ đông cá nhân. Còn về phía PAC Quốc tế, doanh nghiệp này thành lập vào tháng 9/2006, hiện hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn quản lý. Tính đến cuối năm 2021, công ty ghi nhận có 2 cổ đông là ông Dương Hoài Bắc (70%) và ông Trần Đoàn Kim (20%). Trong đó, ông Dương Hoài Bắc là anh trai ruột bà Dương Thị Lệ Hà.

Biến động tại KPF

Ở diễn biến đáng chú ý, hạ tuần tháng 9 vừa qua, HĐQT KPF đã có Nghị quyết về việc phê chuẩn nội dung tại cuộc họp HĐQT định kỳ quý III/2023.

Nội dung quan trọng là việc phê chuẩn việc thông qua chủ trương tiếp tục nghiên cứu đầu tư vào các tài sản, dự án có dòng tiền và tiềm năng gia tăng giá trị; đẩy mạnh thực hiện các thủ tục pháp lý dự án Khu đô thị phía Tây thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn nhằm mục đích sớm đưa dự án vào triển khai đầu năm 2024.

HĐQT KPF còn thông qua chủ trương nghiên cứu đầu tư loạt dự án như: Khu đô thị Minh Ngọc (tỉnh Bình Dương); Khu du lịch nghỉ dưỡng, dưỡng lão (xã Sơn Dương, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) với quy mô 78ha; và Khu đô thị tại huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội.

Chuyển động lớn ở KPF - Central Capital - Ảnh 1.

Giá cổ phiếu KPF trên sàn HoSE về đáy 6 năm

Đây là diễn biến mới nhất kể từ khi công ty có tân Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Khánh Toàn. Theo đó, ĐHĐCĐ bất thường (EGM) được tổ chức vào đầu tháng 8/2023 của KPF, với sự tham gia của 23 cổ đông (tương đương 58,43% cổ phần có quyền biểu quyết), đã miễn nhiệm ông Hoàng Văn Hậu khỏi vị trí Chủ tịch và Thành viên HĐQT. Lưu ý rằng, ông Hậu mới được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 từ ngày 25/4/2023.

Hướng ngược lại, công ty này bầu bổ sung một Thành viên HĐQT là ông Nguyễn Khánh Toàn. Cùng ngày, ông Toàn sau đó tiếp tục được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT KPF nhiệm kỳ 2023-2028. Đến tháng 9/2023, doanh nhân này đã đăng ký mua vào 3 triệu cổ phiếu KPF với mục đích đầu tư, song con số mua vào thành công là 60.000 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 0,99%VĐL KPF. Lý do là chưa khớp mua với giá dự kiến. Trên thực tế, KPF đang giao dịch ở vùng giá thấp nhất 6 năm qua.

Sinh năm 1979, Tân Chủ tịch KPF ông Nguyễn Khánh Toàn nên biết là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ông có học vị tiến sĩ và từng có thời gian gần một thập kỷ làm việc tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội. Ngoài các vai trò kể trên, vị doanh nhân sinh năm 1979 còn là "mắt xích" thuộc nhóm CTCP Tập đoàn Đầu tư MCC (MCC Group) khi đứng tên loạt đơn vị thành viên tập đoàn này, gồm: CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ Tự động DG, CTCP Tập đoàn AKi Việt Nam, CTCP Quản lý tài sản và khai thác nợ Toàn Cầu, Công ty TNHH MTV Học viện Đào tạo và Tư vấn Kinh doanh AMC, hay CTCP Thương mại điện tử MCC.

Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch HĐQT CTCP – Tổng công ty Phát triển Khu đô thị dân cư mới và Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư hàng tiêu dùng quốc tế. Đặc biệt, ông Toàn còn là người đứng đầu Công ty TNHH Một thành viên quản lý tài sản La Paloma - pháp nhân vừa được HĐQT KPF phê duyệt chủ trương nghiên cứu ký kết hợp đồng hợp tác để cùng thực hiện triển khai dự án Khu đô thị Phía Tây thị trấn Bắc Sơn được đề cập ở phần đầu bài viết. Dự án này có quy mô 14,4ha với tổng mức đầu tư 520,6 tỷ đồng, trong đó La Paloma góp 46,8 tỷ đồng, KPF góp 109,3 tỷ đồng, vay ngân hàng 209,4 tỷ đồng.

Tại AGM năm 2023 (tổ chức tháng 4/2023), một loạt cá nhân có liên hệ đến Central Capital đã được miễn nhiệm khỏi HĐQT KPF, đó là ông Vũ Ngọc Hoàng, bà Lâm Thị Mỹ Hà, bà Phạm Nguyễn Thoa, bà Đinh Kim Nhung và ông Nguyễn Tuấn Anh. Lưu ý rằng, ở cuộc họp này cơ cấu cổ đông của KPF rất cô đặc với 28 cổ đông, đại diện 93,76% cổ phần có quyền biểu quyết.

Cùng với những thay đổi về mặt thượng tầng và cơ cấu cổ đông, EGM năm 2023 của KPF còn gây chú ý khi thông qua chủ trương nhận chuyển nhượng toàn bộ trái phiếu mã PHICH2124001, CLACH2124003 và PAICH2124001 với tổng giá trị theo mệnh giá là 834,64 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản căn cứ theo Báo cáo tài chính quý II/2023 là 890 tỷ đồng và dự kiến thực hiện trong quý III đến quý IV/2023.

Trong đó, trái phiếu PHICH2124001 do Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu phát hành, tài sản đảm bảo là dự án Khu dân cư sinh thái Vườn Tài; trái phiếu CLACH2124003 do Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm phát hành, tài sản đảm bảo là các biệt thự khu du lịch sinh thái Prime – Prime Resort and Hotels; và trái phiếu PAICH2124001 do CTCP Đầu tư Nông nghiệp Sạch Phú Sơn phát hành, tài sản đảm bảo là các biệt thự khu du lịch sinh thái Prime – Prime Resort and Hotels. Lưu ý rằng, đây đều là các pháp nhân có nhiều liên hệ tới Central Capital.

HĐQT KPF nhận định các dự án này khả thi và có tính thanh khoản cao, song Khu dân cư sinh thái Vườn Tài và Prime Resort and Hotels đang gặp vướng mắc pháp lý, khó khăn trong huy động vốn. Vì vậy, việc nhận chuyển nhượng nhằm xử lý các tài sản đảm bảo trái phiếu thông qua việc giải chấp tài sản đảm bảo của các lô trái phiếu trên và chuyển nhượng tài sản đảm bảo trên cơ sở được sự chấp thuận của trái chủ.

Một sự thoái lui ở Central Capital

Công ty TNHH Đầu tư Central Capital được thành lập cuối năm 2018, với 3 cổ đông sáng lập là bà Trần Thị Dịu Hoà (30% cổ phần), ông Vũ Đức Toàn (40%) và ông Lê Thanh Tuấn (30%). Suốt thời gian dài, ông Vũ Đức Toàn là Chủ tịch HĐQT, trong khi bà Dịu Hòa đảm trách vai trò Tổng Giám đốc Central Capital.

Trong khi bà Dịu Hoà là doanh nhân có tiếng trên thương trường, từng giữ vai trò Chủ tịch HĐQT CTCP Tổ chức Nhà Quốc gia (N.H.O JSC) - chủ đầu tư một số dự án bất động sản ở khu vực phía Nam, thì 2 cổ đông sáng lập còn lại, dù nắm giữ tới 70% cổ phần (thời điểm thành lập) trong Central Capital lại kín tiếng hơn cả.

Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn , ông Lê Thanh Tuấn sinh năm 1989, là con trai một cựu Giám đốc chi nhánh Quang Trung của một ngân hàng quốc doanh hàng đầu Việt Nam. Còn ông Vũ Đức Toàn là cấp dưới của vị doanh nhân nổi danh này, với 12 năm công tác, chức vụ cao nhất là Trưởng phòng tại chi nhánh nhà băng nơi thân phụ ông Tuấn làm Giám đốc.

Dự án The Pearl Hội An quy mô 8,78ha sau khi được Central Capital mua lại, cũng đã được thế chấp tại chi nhánh ngân hàng đang được đề cập từ tháng 9/2021.

Trở lại với Công ty TNHH Đầu tư Central Capital, tháng 9/2021, ông Lê Thanh Tuấn đã thoái hết vốn, cơ cấu cổ đông cập nhật là ông Vũ Đức Toàn (57,27%) và bà Trần Thị Dịu Hòa (42,73%).

Tới tháng 5/2023 vừa qua, nhóm "banker" đang đề cập hoàn tất thoái vốn khỏi Central Capital, khi bà Dịu Hoà nâng tỷ lệ sở hữu lên 95%, 5% còn lại thuộc về ông Phạm Ngọc Tuấn.

Theo Khánh An

Nhà đầu tư


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...