Bộ Công Thương xử phạt rút giấy phép doanh nghiệp xăng dầu: Hải quan đòi làm rõ
Theo thông tin của PV Tiền Phong, Tổng cục Hải quan vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương truy về việc thi hành các quyết định xử phạt của Thanh tra Bộ Công Thương với 5 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối.
Bộ cần rõ quan điểm việc rút giấy phép
Công văn số 4406 của Tổng cục Hải quan nêu rõ: Tổng cục ngày 7/9 có công văn đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến về việc áp dụng hình thức bổ sung là tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu 1 tháng với 5 doanh nghiệp đầu mối. Tuy nhiên, đã 1 tháng 13 ngày trôi qua, Tổng cục Hải quan vẫn chưa nhận được ý kiến trả lời của Bộ Công Thương.
Tình trạng thiếu nguồn cung xăng dầu đã kéo dài gần 2 tháng qua ở nhiều địa phương. Ảnh: Nguyễn Bằng
Theo Tổng cục Hải quan, ngày 6/9, Thanh tra Bộ Công Thương có Thông báo số 771 thông báo tạm dừng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung rút giấy phép của 5 doanh nghiệp đầu mối. Tuy nhiên, văn bản của Hải quan cho thấy nhiều câu hỏi đằng sau việc dừng quyết định của Bộ Công Thương. Cụ thể, theo Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chấp hành quy định xử phạt trong thời gian 10 ngày kể từ khi nhận được quyết định.
Thị trường xăng dầu thời gian qua có nhiều thông tin đặt ra về việc các doanh nghiệp đầu mối không đủ điều kiện về kho chứa, đại lý, thương nhân phân phối nhưng vẫn được cấp giấy phép hoạt động. Các doanh nghiệp đang sở hữu bao nhiêu thương nhân phân phối để người dân giám sát việc tuân thủ quy định đến giờ không mấy người biết. Việc thanh tra lại điều kiện cấp phép các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cũng như cấp phép cho các thương nhân phân phối cũng cần làm rõ trong thời gian tới”.
Một chuyên gia trong ngành xăng dầu
“Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định việc tạm dừng, hoãn thi hành hình thức phạt bổ sung mà chỉ quy định hoãn thi hành hình phạt tiền. Khoản 12 Điều 12 của luật cũng nêu rõ việc trì hoãn chấp hành quyết định xử phạt hành chính là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong xử phạt vi phạm hành chính”, Tổng cục Hải quan nêu ý kiến.
Cùng với việc có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Tổng cục Hải quan nhấn mạnh việc Bộ Công Thương đến nay chưa có văn bản sửa đổi, huỷ bỏ quyết định hoặc tạm đình chỉ thi hành việc rút giấy phép với 5 doanh nghiệp nên quyết định xử phạt vẫn có giá trị. Vì vậy, Bộ Công Thương cần xác nhận lại bằng văn bản với cơ quan hải quan các vấn đề trên để có căn cứ làm thủ tục xuất nhập khẩu xăng dầu cho các doanh nghiệp đầu mối.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại buổi kiểm tra kho dự trữ xăng của Petrolimex. Ảnh: Nguyễn Bằng
“Trong thời gian bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp không đủ điều kiện nhập khẩu xăng dầu, nếu vẫn thực hiện, sẽ bị xử phạt theo khoản 1 Điều 18 Nghị định 128 của Chính phủ về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực hải quan. Các hình thức xử phạt bao gồm phạt tiền và buộc tái xuất tang vật vi phạm. Trường hợp tang vật không còn thì buộc nộp lại số tiền bằng giá trị tang vật vi phạm”, Tổng cục Hải quan cho hay.
Các số liệu của Hải quan cũng cho thấy, từ 31/8 đến 10/10, có 2 doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu xăng dầu là Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp và Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu. Cụ thể, Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp đã mở 36 tờ khai tạm nhập - tái xuất và tái xuất xăng dầu tại Chi cục Hải quan Nhơn Trạch (Đồng Nai). Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu đăng ký 2 tờ khai tại Chi cục Hải quan cảng SKGVIII - Cục Hải quan TP.HCM.
3 doanh nghiệp thuộc diện bị thu hồi giấy phép gồm: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM, Công ty Cổ phần Dầu khí Đông Phương không phát sinh hoạt động nhập khẩu, tạm nhập - tái xuất mặt hàng xăng dầu.
Đằng sau hàng nghìn tỷ ưu đãi của các DN đầu mối
Trong một báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước cách đây ít ngày, Bộ Công Thương lập danh sách 16 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu để kiến nghị chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho vay vốn, nâng mức tín dụng, tiếp cận ngoại tệ để nhập khẩu xăng dầu.
Đáng chú ý, trong số doanh nghiệp xăng dầu đầu mối được Bộ Công Thương kiến nghị được hỗ trợ vốn, có nhiều đơn vị thua lỗ kéo dài nhiều tháng qua. Cụ thể, Petrolimex kiến nghị 3 ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank không tính trong giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với các khoản vay trên 6.000 tỷ đồng để nhập khẩu xăng dầu (Vietcombank 2.500 tỷ đồng, BIDV 2.500 tỷ đồng và VietinBank 1.000 tỷ đồng). Công ty CP thương mại dầu khí Đồng Tháp cũng đề xuất Vietcombank, VietinBank bổ sung vay vốn 1.000 tỷ đồng để thanh toán tiền mua hàng từ các nhà máy lọc dầu trong nước và nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài.
Công ty Cổ phần Xăng dầu và dịch vụ hàng hải S.T.S cũng đề nghị ngân hàng PG Bank đảm bảo hạn mức giải ngân 450 tỷ đồng và cho mở L/C tới 600 tỷ đồng; ngân hàng BIDV đảm bảo giải ngân 250 tỷ động và cho mở L/C tới 500 tỷ đồng; ngân hàng MSB đảm bảo giải ngân 350 tỷ và cho mở L/C tới 350 tỷ đồng.
Công ty TNHH Trung Linh Phát đề nghị VietinBank chi nhánh Hà Giang tạo điều kiện hỗ trợ mở hạn mức 5.000 tỷ đồng; đề nghị VPBank hội sở Hà Nội tạo điều kiện mở hạn mức 1.000 tỷ đồng. Công ty CP Dầu khí Nam Sông Hậu đề xuất các ngân hàng Agribank và BIDV cấp cho doanh nghiệp này khoản tín dụng 700 tỷ đồng để nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức tối thiểu và dự trữ bắt buộc.
Đáng chú ý, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà đề xuất 6 ngân hàng tăng hạn mức đề xuất để mở LC với tổng số tiền trên 10.000 tỷ đồng để sử dụng nhập khẩu xăng dầu. Việc đề xuất mở L/C số tiền lớn lên tới hơn 10.000 tỷ đồng được rất nhiều doanh nghiệp trong ngành chú ý do trong số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu bị âm vốn nhiều nhất hiện nay, Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà (trụ sở tại Thái Bình) bị âm vốn tới 1.664 tỷ đồng và đang trong cảnh tổng nợ cao gấp 1,1 lần tổng tài sản.
Trao đổi với PV Tiền Phong , lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối cho rằng, việc Bộ Công Thương thực hiện các giải pháp để đảm bảo nguồn cung thời gian qua cho thấy Bộ mới chạy theo xử lý từng vấn đề, chưa có cái nhìn tổng thể về thị trường hiện nay. Theo vị này, với nguồn cung, thay vì loanh quanh đưa quản lý thị trường khắp cả nước đi kiểm tra kéo dài tới 2 tháng qua mà không phát hiện, xử phạt được các trường hợp găm hàng, cơ quan quản lý cần sớm công khai nguồn hàng và hoạt động của từng đầu mối, từng thương nhân phân phối, thay vì úp mở số liệu và tình trạng hoạt động như hiện nay. “Không ai biết các thương nhân phân phối đang hoạt động thế nào, tại sao Bộ Công Thương không khai danh tính các thương nhân phân phối và hoạt động của các doanh nghiệp này trên website của Bộ Công Thương để các doanh nghiệp trong ngành cùng giám sát hoạt động”, vị này nói.
Theo thành viên HĐQT một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn, hàng loạt doanh nghiệp xăng dầu được cấp phép trong vòng 5 năm trở lại đây không có lượng nhập khẩu như hạn mức đăng ký và phân giao, nhưng không bị cơ quan quản lý xử lý hoặc thu hồi giấy phép. Nhiều đầu mối đến nay đang là gánh nặng cho toàn thị trường khi không dự trữ và nhập khẩu đúng quy định.
“Bản thân Bộ Công Thương trong một báo cáo gần đây cũng thừa nhận việc duy trì liên tục số lượng hàng dự trữ lưu thông theo đúng mức 20 ngày tiêu thụ bình quân của năm liền kề trước đó, có những thời điểm không đạt. Tuy nhiên, dù thừa nhận có tình trạng trên nhưng cũng không ai thuộc Bộ Công Thương và Vụ Thị trường trong nước bị xử lý hay bị kỷ luật vì chưa hoàn thành nhiệm vụ giám sát, điều hành được giao của mình. Chúng tôi ở trong ngành nhưng cũng không biết các đầu mối tư nhân, các thương nhân phân phối đang kinh doanh kiểu gì để sống”, vị này nói.
Cũng chính việc tù mù không rõ hoạt động của nhiều doanh nghiệp đầu mối nhỏ cùng hàng trăm thương nhân phân phối được cấp phép những năm gần đây đang diễn ra thế nào nên rất khó có thể hình dung được bức tranh toàn cảnh của thị trường xăng dầu Việt Nam.
Theo Phạm Tuyên
Tiền phong