Vietnam Airlines thoát nguy cơ phá sản nhờ Nghị quyết 135, nhưng vẫn đang khủng hoảng nghiêm trọng về tài chính
Chiều 25/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội.
Vietnam Airlines thoát nguy cơ phá sản nhờ Nghị quyết số 135...
Theo báo cáo, căn cứ Nghị quyết số 135/2020/QH14 của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có liên quan đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết của Quốc hội.
Với việc kết hợp triển khai tổng thể các giải pháp, nhất là gói giải pháp thanh khoản 12.000 tỷ đồng đã có tác động tích cực, mang lại hiệu quả, cụ thể: Đảm bảo vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines trên Báo cáo tài chính năm 2021 không bị âm qua đó cổ phiếu HVN không bị hủy niêm yết bắt buộc tại HOSE và vẫn duy trì khả năng thanh khoản, thoát khỏi nguy cơ phá sản, củng cố niềm tin, uy tín, hình ảnh của Vietnam Airlines đối với cổ đông, công chúng, đặc biệt là các TCTD để duy trì hạn mức vay vốn hàng năm.
Vietnam Airlines đã tổ chức triển khai hàng loạt các giải pháp cấp bách và xây dựng Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 (Đề án tổng thể) để Vietnam Airlines sớm phục hồi và phát triển bền vững, xử lý giảm lỗ, thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và quan tâm đến quyền lợi người lao động.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, đã phát sinh nhiều vấn đề mới và nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế nên Vietnam Airlines không thể trả nợ khoản vay tái cấp vốn đúng hạn.
Nếu không được gia hạn khoản vay tái cấp vốn, VNA sẽ phải đối mặt với rủi ro mất khả năng thanh toán từ tháng 7/2024, có nguy cơ không thực hiện được các cam kết của VNA với các bên cho thuê tàu bay, các đối tác cung cấp dịch vụ dẫn đến VNA có thể bị kiện, giảm uy tín, phát sinh các chi phí tài chính do không thể hoàn trả các khoản nợ…, dẫn đến nguy cơ phá sản, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Cụ thể như các khoản vay mua tàu bay được Chính phủ bảo lãnh sẽ bị các tổ chức tín dụng yêu cầu Chính phủ Việt Nam trả nợ thay cho VNA; các ngân hàng thương mại trong nước không có khả năng thu hồi các khoản vay cho VNA vay; hàng ngàn người lao động mất việc làm, gây bất ổn kinh tế xã hội.
Về sự cần thiết đề xuất phương án gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nêu rõ, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, khoản vay tái cấp vốn đã được triển khai vào năm 2021 và đến tháng 7/2024 Vietnam Airlines bắt đầu phải trả nợ khoản vay này.
Thời điểm Chính phủ đề xuất Quốc hội về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines dựa trên cơ sở các đánh giá, dự báo về dịch bệnh Covid-19 và phương án kinh doanh của Vietnam Airlines vào năm 2020.
Tuy nhiên, thực tế đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài hơn nhiều so với các dự báo đã gây ra hậu quả vô cùng nặng nề cho Vietnam Airlines.
... nhưng vẫn đang khủng hoảng nghiêm trọng về tài chính
Ngay từ khi đề xuất Quốc hội, Vietnam Airlines xác định nguồn trả nợ vay tái cấp vốn được cân đối chủ yếu từ dòng tiền và nguồn thu từ hoạt động tái cơ cấu tài sản và cơ cấu danh mục đầu tư.
Từ giữa năm 2021, Vietnam Airlines bắt đầu xây dựng Đề án tổng thể, bao gồm các nhóm giải pháp tự thân và các giải pháp, chính sách hỗ trợ của nhà nước, trọng tâm là giải pháp phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ; thoái vốn của Vietnam Airlines tại một số doanh nghiệp thành viên (giai đoạn 2024-2027).
Nếu thực hiện thành công các giải pháp này, Vietnam Airlines sẽ có lợi nhuận từ năm 2024, hết âm vốn chủ sở hữu vào năm 2025, trả hết nợ vay tái cấp vốn vào năm 2027, xóa hết lỗ lũy kế vào năm 2032 và đủ năng lực để sớm phục hồi và phát triển bền vững theo đúng yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
Hiện nay, do các giải pháp cơ cấu lại khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp và phát hành cổ phiếu tăng vốn của Vietnam Airlines có nhiều nội dung cần xin ý kiến và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt mới có căn cứ để thực hiện, dẫn đến kéo dài chưa thể hoàn thành được ngay, trong khi Vietnam Airlines vẫn đang khủng hoảng nghiêm trọng về tài chính.
Do đó, trên cơ sở Nghị quyết số 135/2020/QH14 của Quốc hội và các quy định liên quan, xuất phát từ thực tiễn tình hình của Vietnam Airlines hiện nay, Vietnam Airlines cần báo cáo Quốc hội cho phép gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn thêm 03 lần (tối đa đến 31/12/2027) để đảm bảo duy trì khả năng thanh toán của Vietnam Airlines trong ngắn hạn và triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu theo lộ trình.
Vì vậy, ngày 15/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP đồng ý báo cáo Quốc hội cho phép gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 của Quốc hội.
Trên cơ sở các nội dung báo cáo, Chính phủ kiến nghị Quốc hội 2 việc:
Thứ nhất, xem xét bổ sung nội dung Phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn vào Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Thứ hai, thông qua việc cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được tự động gia hạn thêm 03 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo điểm a Khoản 11 Điều 1 Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội, thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 05 năm; lãi suất 0%/năm; không tài sản bảo đảm.
Việc gia hạn dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng được thực hiện sau khi các tổ chức tín dụng gia hạn thời hạn trả nợ đối với khoản vay của Vietnam Airlines theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội.
Làm rõ hơn tính khả thi và hiệu quả của phương án
Để làm rõ hơn tính khả thi và hiệu quả của phương án, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ:
Phân tích rõ hơn về khả năng trả nợ của Vietnam Airlines. Theo Phụ lục kèm Tờ trình Chính phủ, dòng tiền mới chỉ dự kiến trong năm 2024, chưa chứng minh được khả năng trả nợ phù hợp với thời gian đề nghị gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn. Đồng thời, dự báo về các rủi ro tiềm ẩn, các kịch bản ứng phó, kế hoạch giảm thiểu rủi ro tương ứng đối với hoạt động của Vietnam Airlines.
Bổ sung, đánh giá rõ hơn về khả năng, tính khả thi khi thực hiện một số biện pháp khác kết hợp với phương án gia hạn trả nợ vay tái cấp vốn để bảo đảm tháo gỡ khó khăn, tăng cường năng lực tài chính, bảo đảm hoạt động liên tục của Vietnam Airlines. Đề nghị báo cáo trường hợp chỉ có biện pháp gia hạn trả nợ vay tái cấp vốn có giúp cho Vietnam Airlines cải thiện được tình hình tài chính và vượt qua khó khăn hay không; đánh giá về khả năng Chính phủ tiếp tục đề nghị Quốc hội có giải pháp hỗ trợ Vietnam Airlines trong thời gian tới.
Chính phủ cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng các giải pháp, phương án xử lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ cho Vietnam Airlines, bao gồm cả nguồn từ khoản vay tái cấp vốn nếu được Quốc hội đồng ý gia hạn trả nợ đối với khoản vay này.
Ngoài ra, theo Tờ trình của Chính phủ, để bảo đảm tính công khai, minh bạch giữa các cổ đông Vietnam Airlines và với các doanh nghiệp khác trong ngành hàng không, chỉ xem xét khoản vay tái cấp vốn là khoản hỗ trợ tạm thời của nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối, Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu Vietnam Airlines nghiên cứu xây dựng phương án xử lý mức chênh lệch chi phí lãi vay giữa mức lãi suất huy động ngắn hạn tiền đồng thấp nhất mà Vietnam Airlines đang huy động trên thị trường và mức lãi suất vay vốn của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết của Quốc hội.
Có ý kiến cho rằng, cần công khai lãi suất của các hợp đồng tín dụng của các tổ chức tín dụng đã giải ngân cho Vietnam Airlines để bảo đảm tính minh bạch.
Về nội dung dự kiến đưa vào dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với nội dung Chính phủ đề xuất đưa thành 01 khoản tại Điều 1 của dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; tuy nhiên, cần thống nhất nội dung kiến nghị nêu tại Tờ trình của Chính phủ và nội dung của dự thảo Nghị quyết (việc cho vay tái cấp vốn gồm lãi suất tái cấp vốn, tài sản bảo đảm thuộc thẩm quyền quyết định của NHNN). Đồng thời, đề nghị xác định, bổ sung vào dự thảo Nghị quyết trách nhiệm của các cơ quan trong việc cam kết trước Quốc hội về hiệu quả của việc triển khai Nghị quyết, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, giám sát để việc tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định...
Theo Hà My