Tham vọng logistic xuyên biên giới, một yếu tố quan trọng sẽ giúp Viettel Post tăng trưởng 2 con số trong lĩnh vực chuyển phát
Trong chiến lược “Go Global”, Viettel Post sẽ mở rộng xây dựng hạ tầng logistics xuyên biên giới, đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới.
Việt Nam được xem là một trong những mảnh đất màu mỡ cho thương mại điện tử phát triển với tốc độ hàng đầu thế giới nhờ (1) thị phần thấp trong tổng doanh số bán lẻ, (2) sự gia tăng của người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu am hiểu công nghệ, và (3) cơ sở hạ tầng bán lẻ truyền thống chưa phát triển ở các khu vực cấp 2-3.
Theo dự báo của Mordor Intelligence, quy mô thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ có tăng trưởng kép (CAGR) là 10% trong giai đoạn 2024-29. Là một trong các công ty bưu chính lớn nhất Việt Nam với lĩnh vực chính gồm chuyển phát nhanh và giao hàng thu tiền hộ, Viettel Post (VTP) được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn từ xu thế này.
Báo cáo mới đây của Vietcap cho rằng, Viettel Post có vị thế tốt để tận dụng sự tăng trưởng này nhờ (1) mạng lưới bưu cục rộng khắp, chất lượng dịch vụ chuyển phát vượt trội, và các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ, và (2) sự hỗ trợ từ Tập đoàn Viettel về nhân lực, cơ sở vật chất, nghiên cứu & phát triển và công nghệ.
Do đó, Vietcap dự báo doanh thu từ mảng chuyển phát của Viettel Post trong giai đoạn 2024-29 có thể tăng trưởng với CAGR đạt 19%, tương ứng với dự báo CAGR lợi nhuận sau thuế ( LNST ) sau lợi ích CĐTS là 16% trong cùng kỳ.
Viettel Post hiện đang đầu tư trung tâm logistics cho FMCG tại Đà Nẵng và tổ hợp chia chọn tại TP.HCM, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2025. Theo Vietcap, biên lợi nhuận gộp giai đoạn 2025-33 của mảng dịch vụ sẽ phản ánh chi phí thuê đất phát sinh. Tuy nhiên, các sáng kiến cải thiện hiệu quả chi phí có thể giúp biên lãi gộp tăng nhẹ lên khoảng 6,9-7,3% giai đoạn 2025-33.
Trước đó, Viettel Post đã khai trương Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh đầu tiên của Việt Nam tại Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội), được giới thiệu là có mức tự động hóa cao nhất Việt Nam. Tại đây sử dụng 200 robot tự hành chia chọn hàng hoá (robot AGV), hệ thống chia hàng lớn (Wheel Sorter Matrix) và hệ thống chia chọn dạng băng tải (Cross-belt Sorter).
Với hơn 40 cổng xuất/nhập hàng, gần 1.200 cổng chia, tổ hợp có công suất xử lý lên đến 1,4 triệu bưu phẩm/ngày, tăng 40% so với trước đây, giúp nâng mức chịu tải toàn hệ thống Viettel Post lên 4 triệu bưu phẩm/ngày, tương đương đáp ứng 50% dung lượng thương mại điện tử tại Việt Nam. Tỷ lệ sai sót của tổ hợp gần như bằng 0, rút ngắn thời gian chuyển phát toàn trình từ 8-10 giờ, tăng 3,5 lần sản lượng. Nhờ tự động hoá, tổ hợp cũng giúp giảm 60% số lượng nhân sự.
Tham vọng logistic xuyên biên giới
Trong chiến lược 5 năm tới, ban lãnh đạo Viettel Post đặt mục tiêu doanh số tăng gấp 10 lần so với năm 2023, tương đương với mức tăng trưởng 60-65% mỗi năm cho cả hoạt động cốt lõi và lĩnh vực mới. Việc tiên phong về công nghệ logistics tại Việt Nam tạo cho Viettel Post lợi thế cạnh tranh tốt hơn.
Điều này tạo thuận lợi cho Viettel Post thực hiện “Go Global” để mở rộng xây dựng hạ tầng logistics xuyên biên giới, đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới. Mới nhất, Viettel đã công bố Nghị quyết HĐQT liên qua tới dự án đầu tư và thành lập Công ty chuyển phát logistics và vận tải xuyên biên giới tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Công ty TNHH Viettel Post Lào có vốn điều lệ 136 tỷ đồng (5,34 triệu USD) do Viettel Post góp 100%. Công ty hoạt động trong lĩnh vực chuyển phát; dịch vụ kho vận; vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế, thương mại hàng hóa và dịch vụ; thương mại điện tử; xuất nhập khẩu; dịch vụ giao nhận vận tải tại Lào.
Trước đó, vào đầu năm 2024, Viettel Post đã tiết lộ kế hoạch mở rộng thị trường sang Lào và Thái Lan. Đến tháng 3, Viettel Post đã ký kết thỏa thuận hợp tác với chính quyền TP Bằng Tường và TP Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), thành lập văn phòng đại diện và xây dựng Trung tâm giao dịch nông sản Trung Quốc - ASEAN. Theo đó, Viettel Post sẽ kết nối hàng hóa nông sản của Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN (Lào, Myanmar, Campuchia) thông qua tuyến đường sắt; hàng hóa được tập kết tại Nam Ninh sau đó phân phối sang các tỉnh của Trung Quốc.
Hà Linh