Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập đoàn xây dựng Hòa Bình thua lỗ kỷ lục

Trong năm 2022, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình chịu thua lỗ lớn nhất kể từ khi niêm yết do phải trích lập dự phòng nợ khó đòi gần 1.700 tỷ đồng. Cuối năm 2022, nợ phải trả của công ty lên tới 14.375 tỷ đồng, chiếm 92% tổng nguồn vốn.

Nghi ngờ khả năng hoạt động

Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Theo đó, HBC có doanh thu thuần 14.149 đồng, tăng gần 25% so với năm 2021. So với kế hoạch doanh thu năm, tập đoàn đạt gần 81% chỉ tiêu.

Đáng chú ý, các chi phí của HBC trong năm 2022 đều tăng mạnh so với 2021. Cụ thể, chi phí tài chính tăng 72% chủ yếu do chi phí lãi vay tăng. Tính tới cuối năm 2022, HBC đi vay 6.130 tỷ đồng, tăng hơn 1.033 tỷ đồng so với đầu năm. Chi phí doanh nghiệp cũng lên mức 2.246 tỷ đồng, gấp 5,4 lần năm 2021, chủ yếu là do dự phòng khoản phải thu khó đòi 1.689 tỷ đồng. Trong đó, HBC phải trích lập dự phòng khoản phải thu ngắn hạn khó đòi của khách hàng gần 950 tỷ đồng, dự phòng phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng khó đòi là 426 tỷ đồng, dự phòng trả trước cho người bán ngắn hạn khó đòi là 163 tỷ đồng...

Tập đoàn xây dựng Hòa Bình thua lỗ kỷ lục - Ảnh 1.

Tính tới cuối năm 2022, HBC đi vay 6.130 tỷ đồng, tăng hơn 1.033 tỷ đồng so với đầu năm.

Kết quả, công ty lỗ sau thuế 2.570 tỷ đồng, lỗ sau thuế công ty mẹ là 2.566 tỷ đồng, trong khi ở báo cáo tự lập chỉ lỗ ròng 1.138 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đây cũng là số lỗ lớn nhất của doanh nghiệp kể từ khi niêm yết. Tính đến cuối năm 2022, HBC lỗ lũy kế đến 2.101 tỷ đồng.

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh năm 2022 âm 883 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động đầu tư âm 553 tỷ đồng, trong khi dòng tiền cho hoạt động tài chính dương 1.198 tỷ đồng. Do đó, đơn vị kiểm toán Ernst & Young đã đưa ra nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của HBC.

Tại thời điểm 31/12/2022, doanh nghiệp này ghi nhận 10.672 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn, chiếm tới 68% tổng tài sản, trong đó phải thu của khách hàng là 6.590 tỷ đồng và phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng là 3.665 tỷ đồng. Đồng thời, tập đoàn Hòa Bình đang phải trích lập dự phòng nợ khó đòi gần 2.060 tỷ đồng. Lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng là 540 tỷ đồng. Trong năm, công ty lãi hơn 15 tỷ đồng từ tiền gửi và tiền cho vay.

Cuối năm 2022, nợ phải trả của tập đoàn này lên tới 14.375 tỷ đồng, chiếm 92% tổng nguồn vốn, trong đó phải trả người bán ngắn hạn là 4.738 tỷ và đi vay 6.130 tỷ đồng, đa số là vay ngắn hạn từ các ngân hàng.

Sẽ có đủ vốn

Trong báo cáo tài chính HBC, kiểm toán còn lưu ý, Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình có các khoản nợ vay đã quá hạn trong đó có một số khoản vay đã được các ngân hàng đồng ý gia hạn. Đối với các khoản vay còn lại đã quá hạn hoặc sắp đến hạn, HBC đang trong quá trình thương thảo với ngân hàng để xin gia hạn.

Năm 2023, để khắc phục về dòng tiền, HBC đã có kế hoạch tái cấu trúc để trở lại vị thế số một ngành xây dựng. Ban lãnh đạo HBC đã có những kế hoạch để khắc phục về dòng tiền trong tương lai gần. Đại hội cổ đông thường niên 2023 tổ chức thành công ngày 27/6/2023 đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2023 thông qua việc phát hành 274 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá phát hành không thấp hơn 12.000 đồng/cổ phiếu và không thấp thị giá tại thời điểm ký hợp đồng nguyên tắc với nhà đầu tư.

Tập đoàn xây dựng Hòa Bình thua lỗ kỷ lục - Ảnh 2.

Năm 2023, để khắc phục về dòng tiền, HBC đã có kế hoạch tái cấu trúc với hy vọng trở lại vị thế số một ngành xây dựng.

HBC cũng tái cấu trúc và gia hạn các khoản vay. Tại thời điểm 31/12/2022, tổng dư nợ của HBC là 6.131 tỷ đồng, trong đó 5.104 tỷ đồng là các khoản dư nợ ngắn hạn và dài hạn đến hạn trả trong vòng 12 tháng. Hiện tại, HBC đã thanh toán được 2.047 tỷ đồng nợ gốc và 170 tỷ đồng lãi vay.

Đối với số dư nợ còn lại, HBC đã làm việc với các ngân hàng cho vay chủ yếu bao gồm Vietinbank, BIDV, VPbank, Seabank và NCB và về việc gia hạn thời gian thanh toán, điều chỉnh kỳ hạn trả lãi hoặc cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Một số khoản vay đã được đồng ý bằng văn bản, một số khoản còn đang đàm phán.

Tập đoàn Hoà Bình cũng dự kiến thu được hơn 1.000 tỷ đồng từ việc thanh lý các tài sản máy móc thiết bị theo các hợp đồng chuyển nhượng tài sản đã ký vào 28/6/2023. Dựa vào các thông tin trên, lãnh đạo Hòa Bình cho rằng, HBC sẽ có đủ nguồn vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh và có dòng tiền đủ khả năng đáp ứng các nghĩa vụ của doanh nghiệp trong 12 tháng tới.

Theo Duy Quang

Tiền phong


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...