Sau khi lột xác từ công ty in sách tí hon thành doanh nghiệp địa ốc tài sản hơn 5.000 tỷ, HTP có nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc vì lý do bất ngờ
Vốn hóa của HTP từ mức 18 tỷ ở cuối năm 2020, đến đầu năm 2022 đã tăng lên có lúc hơn 4.800 tỷ đồng và hiện tại, vốn hóa công ty đang ở mức 2.470 tỷ đồng.
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có thông báo về việc cổ phiếu HTP của CTCP In sách giáo khoa Hòa Phát có khả năng bị hủy bỏ niêm yết.
Cụ thể, cổ phiếu HTP có khả năng bị hủy bỏ niêm yết theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP do không đáp ứng điều kiện niêm yết sau cơ cấu lại doanh nghiệp; Công ty không thực hiện thủ tục đề nghị xem xét lại điều kiện niêm yết trong thời hạn quy định.
Theo điểm n khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây: Không đáp ứng điều kiện niêm yết do sáp nhập, tách doanh nghiệp và các trường hợp cơ cấu lại doanh nghiệp; hoặc sau khi hoàn thành các hoạt động sáp nhập, tách doanh nghiệp và các trường hợp cơ cấu lại doanh nghiệp nhưng không thực hiện thủ tục đăng ký niêm yết, đề nghị xem xét lại điều kiện niêm yết hoặc thay đổi đăng ký niêm yết trong thời hạn quy định.
Vì vậy, HNX sẽ xem xét tiến hành hủy bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HTP.
HTP tăng vốn thêm 900 tỷ mua công ty bất động sản
Công ty cổ phần In Sách Giáo khoa Hòa Phát, tiền thân là Xí nghiệp In Sách Giáo khoa Hòa Phát thuộc Nhà xuất bản Giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo được thành lập từ tháng 4/1996. Công ty được cổ phần hóa vào năm 2004, và được chấp thuận niêm yết trên sàn HNX vào tháng 11/2006 với mã là HTP.
Trong một thời gian dài, với quy mô vốn hóa nhỏ chỉ vỏn vẹn vài chục tỷ đồng, cổ phiếu HTP không được nhà đầu tư chú ý và thường trong tình trạng không có thanh khoản. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021, giao dịch của HTP bất ngờ trở nên sôi động kèm với đó là đà tăng đột biến từ khoảng 10.000 đồng/cp lên hơn 50.000 đồng/CP, tăng 5 lần sau khoảng 1 năm.
Diễn biến giá cổ phiếu HTP trở nên tích cực sau khi công ty này hoàn tất phát hành 90 triệu cổ phiếu nâng vốn điều lệ lên 918 tỷ đồng vào đầu năm 2021. Trong đó, các cổ đông mua vào 90 triệu cổ phiếu này bao gồm: Nguyễn Thị Kim Hiếu (25 triệu), Võ Mỹ Tiên (25 triệu), Mai Lê Hồng Sương (22,4 triệu), Nguyễn Thu Thảo (4,4 triệu), Trương Hiền Vũ (4,4 triệu), Hồng Bảo Ngân (4,4 triệu), Trịnh Ngọc Khánh (4,4 triệu).
Hiện nay, bà Nguyễn Thị Kim Hiếu đã giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ xuống 20 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 21,79%), bà Võ Mỹ Tiên còn 12,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 13,4%), bà Mai Lê Hồng Sương còn gần 9,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 10,2%).
Sau khi huy động được tiền, HTP đã chi 902 tỷ đồng để mua 62,75% vốn của công ty Hưng Vượng Developer từ các cổ đông hiện hữu (tương ứng giá mua trung bình 11.900 đồng/CP). Qua đó sở hữu gián tiếp CTCP Thương mại và Dịch vụ Danh Việt, Công ty TNHH Hưng Vượng AMC, Công ty TNHH Hưng Vượng Hospitality.
Được biết, CTCP Thương mại và Dịch vụ Danh Việt là chủ đầu tư dự án “Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt” tại xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, quy mô 72 ha.
Sau khi M&A thành công, Hưng Vượng Developer đã đưa các tài sản của mình lên sàn chứng khoán dưới pháp nhân của công ty mẹ HTP (nghiệp vụ “niêm yết cửa sau”).
HTP lột xác sau khi tăng vốn và hợp nhất Hưng Vượng Developer
Sau khi tăng vốn và hợp nhất với Hưng Vượng Developer, tổng tài sản của HTP tăng vọt từ 21 tỷ lên hơn 5.000 tỷ, VCSH từ 20 tỷ lên hơn 2.000 tỷ.
Vốn hóa của công ty từ mức 18 tỷ ở cuối năm 2020, đến đầu năm 2022 đã tăng lên có lúc hơn 4.800 tỷ đồng và hiện tại, vốn hóa HTP đang ở mức 2.470 tỷ đồng.
Đi kèm với đó là nợ tăng mạnh. Tính đến ngày 30/6/2023, tổng nợ phải trả của HTP là 4.225 tỷ đồng, trong đó, nợ vay ở mức 2.170 tỷ đồng. Nợ trái phiếu hơn 2.100 tỷ đồng. Đây là các khoản trái phiếu do CTCP Thương mại và Dịch vụ Danh Việt và Hưng Vượng Developer phát hành.
Cụ thể, tháng 8/2020, CTCP Thương mại và Dịch vụ Danh Việt đã phát hành 1.500 tỷ trái phiếu để tài trợ cho dự án Khu du lịch sinh thái biển cao cấp Lạc Việt, kỳ hạn 4 năm, đáo hạn vào năm 2024.
Từ tháng 8 - tháng 10/2022, CTCP Thương mại và Dịch vụ Danh Việt tiếp tục phát hành 44,2 tỷ trái phiếu để tăng quy mô vốn hoạt động và nhận chuyển nhượng tòa nhà văn phòng tại số 79/14, Đường số 12, TP. Thủ Đức, TP.HCM, đáo hạn vào tháng 8/2024. Vào ngày 30/1/2023, nhóm công ty đã thông qua mua lại toàn bộ 44,2 tỷ trái phiếu, dự kiến thực hiện trong quý 2/2023, tuy nhiên, đến ngày 29/6/2023, nhóm công ty đã gia hạn thời gian mua lại trái phiếu chậm nhất đến 30/9/2023.
Hưng Vượng Developer đã phát hành 600 tỷ trái phiếu vào tháng 8/2021 để mua 100% vốn điều lệ CTCP Kim Mỹ Nghệ - chủ đầu tư dự án Hodota, đáo hạn vào ngày 2/2/2023. Công ty mới thanh toán được 500 triệu tiền gốc trái phiếu.
Theo BCTC quý 2/2023 của HTP, với lô 600 tỷ trái phiếu này, đến ngày 2/2, nhóm công ty chưa trả gốc và lãi trái phiếu với số tiền lần lượt là 520,3 tỷ đồng và 19,3 tỷ đồng đã đến hạn thanh toán. Các trái chủ đã đồng ý gia hạn thời gian hoàn trả gốc và lãi trái phiếu nếu nhóm công ty cam kết hoàn tất: trả phần lãi trái phiếu 19,3 tỷ và các thủ tục ký kết hợp đồng thế chấp/cầm cố tài sản đảm bảo là các quyền sử dụng đất tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận và 50% cổ phần của CTCP Kim Mỹ Nghệ trước ngày 31/12/2023.
Trong nửa đầu năm 2023, HTP ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 48 tỷ, tăng 49% so với cùng kỳ. Phần lớn doanh thu công ty đến từ dịch vụ kinh doanh bất động sản. Lợi nhuận sau thuế đạt 2,77 tỷ đồng, tăng 118%.