Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhà máy tại Hà Nam mở ra chương mới cho sự phát triển của PepsiCo tại Việt Nam

Ông Nguyễn Việt Hà, Tổng giám đốc PepsiCo Foods Việt Nam cho biết, nhà máy với tổng đầu tư 90 triệu USD, tại Hà Nam không chỉ đánh dấu cột mốc 30 năm PepsiCo có mặt Việt Nam mà còn mở ra cơ hội cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Nhà máy tại Hà Nam mở ra chương mới cho sự phát triển của PepsiCo tại Việt Nam

Sáng 3/8, PepsiCo Foods Việt Nam khởi công xây dựng nhà máy sản xuất thực phẩm với tổng đầu tư 90 triệu USD, công suất hơn 20.000 tấn snack/năm, hướng tới sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Tại sự kiện, ông Nguyễn Việt Hà, Tổng giám đốc PepsiCo Foods Việt Nam chia sẻ về dự án này và chiến lược phát triển bền vững của PepsiCo tại Việt Nam.

Đến năm 2024, PepsiCo đánh dấu cột mốc ba thập kỷ kinh doanh tại Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường này?

Chúng tôi coi Việt Nam là thị trường quan trọng ở hiện tại và giàu tiềm năng phát triển trong tương lai. Bất chấp thách thức kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, dân số trẻ cùng nhu cầu tiêu dùng thay đổi từng ngày. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng có các chính sách thúc đẩy quá trình hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, điều này giúp chúng tôi có môi trường thuận lợi và phù hợp để phát triển.

Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động trong quý III/2025, giúp chúng tôi tạo độ phủ tốt hơn để thúc đẩy kinh doanh tại phía Bắc Việt Nam, mở ra khả năng tiếp cận các quốc gia láng giềng như Trung Quốc và Lào.

Tại sao PepsiCo Foods lại quyết định đặt nhà máy tại Hà Nam, thưa ông?

Những năm qua, Hà Nam đứng trong top 10 tỉnh thu hút đầu tư nước ngoài. Với định hướng trở thành trung tâm công nghiệp - dịch vụ, Hà Nam đang đẩy mạnh thu hút nguồn vốn ngoại, nên trong thời gian ngắn, PepsiCo đã nhận được Giấy phép đầu tư cũng như được các Sở và cơ quan ban ngành hướng dẫn đầy đủ, nhanh gọn các thủ tục để xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm hiện đại và bền vững.

Nhà máy tại Hà Nam mở ra chương mới cho sự phát triển của PepsiCo tại Việt Nam- Ảnh 1.

Theo ông lễ khởi công xây nhà máy có ý nghĩa gì trong chiến lược phát triển bền vững của PepsiCo Foods?

Đây là sự kiện trọng đại của PepsiCo Foods Việt Nam cũng như PepsiCo toàn cầu. Nhiều năm qua, chúng tôi hướng đến các hoạt động thúc đẩy sự phát triển của xã hội và cộng đồng. Trọng tâm của sứ mệnh này chiến lược phát tiền bền vững với ba trụ cột: mang đến nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng - phát triển nông nghiệp bền vững - phát triển chuỗi cung ứng bền vững.

Việc khởi công xây dựng nhà máy tại Hà Nam là cam kết hiện thực hóa cho mục tiêu phát triển bền vững này. Với tổng vốn đầu tư 90 triệu, chúng tôi sẽ xây dựng nhà máy tiên tiến, hiện đại, cung cấp hơn 20.000 tấn sản phẩm mỗi năm. Sản phẩm sẽ được tiêu thụ tại Việt Nam và xuất khẩu sang các thị trường Đông Nam Á, Châu Á – Thái Bình Dương bao gồm cả những thị trường khó tính như Australia và Nhật Bản.

Dự kiến khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương thông qua việc tạo hơn 1000 việc làm trong các lĩnh vực như sản xuất, logistics, đóng gói... PepsiCo Foods sẽ cùng phối hợp với Sở Lao động thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam hỗ trợ đào tạo thanh niên các kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng mềm như teamwork, giải quyết tình huống… để khẳng định bản thân trong môi trường lao động ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp hiện nay.

Đồng thời, chúng tôi sẽ hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp và bà con nông dân tại đây phát triển nông nghiệp bền vững với giá trị cao và kết hợp với Sở Nông nghiệp để đào tạo, chuyển giao công nghệ và triển khai Mô hình chuỗi giá trị khoai tây tiên tiến, bền vững, hướng bà con nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Ông có nhắc nhiều đến cụm từ "phát triển bền vững" hay "bảo vệ môi trường" trong xuyên suốt chiến lược phát triển của PepsiCo. Những công nghệ tiên tiến nào sẽ được áp dụng tại nhà máy mới để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường?

Nhà máy mới sẽ sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như sinh khối và năng lượng mặt trời, nhằm giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính. Nhà máy cũng áp dụng các phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường, phù hợp với chiến lược bền vững toàn cầu của PepsiCo. Điều này bao gồm việc sử dụng các công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo tồn tài nguyên.

Song song đó, các sản phẩm PepsiCo Foods đưa ra thị trường sẽ sử dụng bao bì thân thiện với môi trường hơn, hỗ trợ hơn nữa nền kinh tế tuần hoàn và giảm rác thải nhựa.

Nhà máy tại Hà Nam mở ra chương mới cho sự phát triển của PepsiCo tại Việt Nam- Ảnh 2.

Thực tế khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh nào cho PepsiCo Foods tại thị trường Việt Nam?

Đến tháng 7/2025 khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo ra nhiều lợi thế. Hiện công ty chỉ có một nhà máy ở Bình Dương nên các sản phẩm cần được vận chuyển từ miền Nam ra miền Bắc để phục vụ nhu cầu của thị trường.

Vì vậy, nhà máy mới không chỉ nâng cao dịch vụ khách hàng và khả năng cạnh tranh thông qua nguồn hàng tươi mới, mà còn tối ưu hóa mạng lưới chuỗi cung ứng và giảm chi phí vận chuyển sơ cấp. Công suất nhà máy hơn 20.000 tấn một năm sẽ đáp ứng nhu cầu cho thị trường miền Bắc và xuất khẩu. Điều này phù hợp theo đúng định hướng của tỉnh Hà Nam, góp phần giúp tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ của cả nước.

Hiện PepsiCo đang làm gì đảm bảo vùng nguyên liệu giúp nhà máy có thể hoạt động hiệu quả và tối ưu năng suất?

Cách đây 2 năm, chúng tôi đã thử nghiệm, tiến hành mở vùng nguyên liệu của PepsiCo tại Việt Nam từ Tây nguyên ra miền Bắc. Năm 2023, thí điểm mô hình vào vụ Đông Xuân 2023-2024 ở tỉnh Thanh Hóa và Hải Dương nhằm nâng cao hơn nữa hoạt động tìm nguồn cung ứng bền vững của PepsiCo. Việc áp dụng công nghệ đã mang lại những kết quả nổi bật, bao gồm năng suất khoai tây cao hơn đáng kể (cao nhất lên tới 33 tấn/ha tại Thanh Hóa), tiết kiệm nước và tăng thu nhập cho nông dân.

PepsiCo tin tưởng mô hình chuỗi giá trị khoai tây tiên tiến, bền vững đã thành công ở Tây Nguyên do PepsiCo dẫn dắt cùng với sự tham gia của các đối tác công tư: Trung tâm khuyến nông quốc gia, và các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được triển khai mạnh mẽ ở Hà Nam và các tỉnh phía Bắc nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất cho nhà máy Hà Nam, nâng cao giá trị nông sản và gia tăng thu nhập cho người nông dân, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao.

Xin cảm ơn ông!

Ánh Dương


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết