Một doanh nghiệp khoáng sản phải ngừng khai thác do không còn trữ lượng, quá khứ từng đều đặn thu cả trăm tỷ mỗi năm nhưng dần lao dốc và thua lỗ
KHD sẽ tạm dừng sản xuất từ ngày 14/3/2023 đến khi tìm được nguồn nguyên liệu để tiếp tục sản xuất hoặc có phương án sản xuất khác.
Trong thông báo mới nhất, HĐQT CTCP Khai thác, Chế biến Khoáng sản Hải Dương (mã chứng khoán: KHD) đã thông qua nghị quyết về việc tạm dừng hoạt động sản xuất.
Nguyên nhân đưa ra là do không còn nguồn nguyên liệu để sản xuất. Công ty cho biết không còn trữ lượng để khai thác do các giấy phép khai thác mỏ hết hạn, không đủ điều kiện gia hạn.
KHD sẽ tạm dừng sản xuất từ ngày 14/3/2023 đến khi tìm được nguồn nguyên liệu để tiếp tục sản xuất hoặc có phương án sản xuất khác.
Kết quả kinh doanh lao dốc
Theo tìm hiểu, Khoáng sản Hải Dương tiền thân là Mỏ đá vôi Thống Nhất Hải Hưng được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1958. Đến năm 1997 được đổi tên là công ty khai thác, chế biến đá và khoáng sản Hải Dương. Công ty chính thức hoạt động dưới hình thức CTCP từ tháng 7/2003. Hiện, Công ty cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang nắm gần 36% lượng cổ phần tại KHD.
Tuy nhiên, từ năm 2021, Công ty rơi vào tình trạng khó khăn do trữ lượng mỏ thấp. Hai mỏ Hàm Long và Áng Rong đã khai thác hết trữ lượng, phải dừng khai thác từ tháng 10/2021. Sau đó mỏ Áng Bát dừng khai thác từ tháng 7/2021 do hết hạn giấy phép mặc dù còn trữ lượng.
Từ tháng 10/2021, Công ty chỉ còn khai thác tại mỏ Bắc Tân Sơn với trữ lượng rất thấp, chất lượng xấu, bình quân 5.000 m3/tháng.
Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 2013-2020, KHD đều đặn thu trăm tỷ doanh thu, trên dưới 10 tỷ lợi nhuận mỗi năm, tuy nhiên tới năm 2021, mức lãi ròng của doanh nghiệp giảm sâu tới 99%, từ hơn 6 tỷ còn vỏn vẹn 42 triệu đồng. Tiếp tục tới 2022, Khoáng sản Hải Dương báo lỗ hơn 2 tỷ trong khi doanh thu sụt giảm 66% xuống 22 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu KHD chốt phiên 15/3 đạt 7.600 đồng/cp.
Phương Linh
Nhịp Sống Thị Trường