Khớp lệnh hơn 10% công ty, cổ phiếu của doanh nghiệp chuyên nhà ở xã hội tăng trần phiên thứ 3 liên tiếp
Đà tăng nóng gần đây của HQC diễn ra sau khi gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội được đề xuất.
Sau 2 phiên tăng mạnh nhờ hiệu ứng từ các Hội nghị tháo gỡ khó khăn diễn ra cuối tuần trước, nhóm bất động sản chịu áp lực chốt lời trên diện rộng khiến hàng loạt cổ phiếu chìm trong sắc đỏ, thậm chí giảm sàn. Tuy nhiên, vẫn có những cái tên đi ngược xu hướng chung, đáng chú ý phải kể đến cổ phiếu HQC của Địa ốc Hoàng Quân .
Ngay đầu phiên, HQC đã giao dịch đặc biệt sôi động với khối lượng khớp lệnh nhanh chóng được đẩy lên hơn 50 triệu đơn vị, tương đương hơn 10% tổng lượng cổ phiếu lưu hành. Trong đó, khoảng 70% giao dịch được thực hiện tại mức giá trần. Cập nhật đến thời điểm 14h chiều, HQC vẫn đang dư mua giá trần hơn 3 triệu đơn vị.
Cổ phiếu này đạt đỉnh đầu tháng 1/2022 sau đó điều chỉnh sâu trước khi trở lại gần vùng đỉnh vào cuối tháng 3. Từ đây, cổ phiếu này lao dốc mạnh và đánh mất thành quả tăng giá chỉ sau chưa đầy 3 tháng. Sau một vài nhịp hồi ngắn, HQC tiếp tục trượt dài và có thời điểm đã rơi về vùng 1,x vào giữa tháng 11. Dù đã tăng gấp đôi từ đáy nhưng cổ phiếu này mới chỉ bằng 1/3 so với đỉnh đạt được cách đây chừng một năm.
Đà tăng nóng gần đây của HQC diễn ra sau khi Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ bố trí gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay.
HQC vốn được coi là “ông trùm” nhà ở xã hội phía nam với tổng dự án nhà ở xã hội triển khai nhiều nhất cả nước. Năm nào doanh nghiệp này cũng khởi công vài dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, người lao động thuộc diện công chức nhà nước trong khi đa phần các doanh nghiệp bất động sản khác chẳng mặn mà phân khúc khó nhằn này.
Những năm gần đây, nhiều dự án nhà ở xã hội gặp khó khăn khi gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người mua nhà kết thúc, thiếu chính sách tài khóa hỗ trợ cho cả người mua lẫn chủ đầu tư. Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HQC nhiều lần thừa nhận với cổ đông việc phải gồng gánh và chịu lỗ nếu muốn thúc tiến độ dự án nhà xã hội về đích để bàn giao căn hộ. Tỷ lệ lợi nhuận nhà ở xã hội bị khống chế không quá 10%, biên lợi nhuận ngành thấp.
Tình hình kinh doanh của HQC cũng đã đi xuống rõ rệt sau khi đạt đỉnh vào năm 2015. Thậm chí có giai đoạn nhiều quý công ty chỉ lãi vỏn vẹn một tỷ đồng dù vốn điều lệ lên đến cả nghìn tỷ. Năm 2022, HQC ghi nhận 340 tỷ đồng doanh thu, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng gấp 4,5 lần lên mức 18 tỷ đồng nhưng mới thực hiện chưa tới 15% kế hoạch cả năm.
Nhóm cổ đông này cũng gửi văn bản đặt nêu ra nhiều câu hỏi chất vấn gay gắt như (1) vì sao luôn chỉ lãi quanh mức 1 tỷ đồng mỗi quý; (2) tại sao chỉ sở hữu tỷ lệ thấp ở các dự án bất động sản qua công ty con; (3) Chủ tịch Trương Anh Tuấn đã làm được gì ngoài những lời hứa hẹn với cổ đông... Tuy nhiên, mọi chuyện sau đó cũng nhanh chóng chìm vào quên lãng cùng với đà đi xuống của cổ phiếu HQC trên thị trường.
Hà Linh
Nhịp Sống Thị Trường