Khối ngoại mua ròng nghìn tỷ, có lãi trở lại sau 3 quý thua lỗ, khó khăn nhất đã qua với PV Drilling (PVD)?
Nhìn chung, 2022 là một năm đầy khó khăn với PV Drilling khi doanh nghiệp này lần đầu báo lỗ kể từ năm 2006. Tuy nhiên, một số tín hiệu lạc quan đã xuất hiện mang đến kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trở lại.
Sau khi khởi đầu năm 2023 đầy hưng phấn khi VN-Index có tháng tăng điểm mạnh trong gần 2 năm, thị trường đã quay đầu giảm sâu từ đầu tháng 2. Phần lớn các cổ phiếu đều chịu ảnh hưởng tuy nhiên vẫn có những cái tên ngược dòng trong đó có PVD của PV Drilling .
Trong bối cảnh VN-Index giảm 6,5% từ đầu tháng 2, PVD đã nhanh chóng lấy lại những gì đã mất sau nhịp điều chỉnh ngắn trong tuần đầu tháng. So với đáy hồi giữa tháng 11/2022, cổ phiếu “họ” dầu khí này đã tăng 64%, ấn tượng hơn nhiều mức tăng hơn 14% của VN-Index trong cùng thời kỳ. Vốn hóa thị trường cũng theo đó tăng thêm 4.500 tỷ đồng sau 3 tháng, lên hơn 11.600 tỷ đồng.
Theo thống kê từ đầu năm 2023, khối ngoại chỉ bán ròng trong đúng 3 phiên giao dịch với giá trị nhỏ. Giá trị mua ròng trong khoảng một tháng rưỡi vừa qua đã đạt gần 280 tỷ đồng. Nếu tính xa hơn trong khoảng gần 7 tháng trở lại đây, tổng giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên cổ phiếu PVD đã lên đến hơn 1.900 tỷ đồng.
Theo VNDirect, tăng trưởng lợi nhuận của PV Drilling trong quý 4/2022 đến từ (1) hiệu suất sử dụng và giá thuê ngày giàn JU cao hơn, (2) đóng góp của giàn khoan TAD. Trong quý vừa qua, sự phục hồi mạnh mẽ của mảng khoan là điểm sáng với biên lợi nhuận gộp tăng 12,7 điểm % so với cùng kỳ lên 17,1% - cao nhất trong nhiều năm qua.
Dù có lãi trở lại trong quý 4 nhưng nhìn chung 2022 vẫn là một năm đầy khó khăn với PV Drilling. Doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần tăng 36% lên 5.431 tỷ đồng nhưng lại lỗ ròng gần 151 tỷ đồng trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ âm 98,5 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên PV Drilling kinh doanh thua lỗ kể từ năm 2006.
Tuy nhiên, nhiều tín hiệu đang cho thấy giai đoạn khó khăn nhất đã qua. Theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng EIA, giá dầu được dự báo sẽ đạt mức trung bình trên 92 USD/thùng trong năm 2023. Cùng với xu hướng tăng của giá dầu, nhu cầu giàn khoan cũng sẽ tăng dần. Ban lãnh đạo công ty nhận định, 2023-25 sẽ là giai đoạn các công ty dầu khí đầu tư mạnh cho lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khoan phát triển để chuẩn bị đón đầu chu kỳ tăng trưởng nhu cầu năng lượng.
Đồng quan điểm, VNDirect cũng cho rằng lĩnh vực giàn khoan tự nâng (giàn JU) toàn cầu đang “nóng” lên nhờ nhu cầu tăng cao tại Trung Đông, Ấn Độ và Trung Quốc. Theo S&P Global, nhu cầu giàn JU tại Đông Nam Á dự kiến tăng trong năm 2023 lên mức 36,8 giàn (từ mức 32 giàn trong năm 2022), đẩy giá thuê ngày giàn JU (loại 361-400 IC) lên 130.000 USD vào tháng 12/2022 – mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2015.
Trong khi đó, lịch khoan của đội giàn JU gần như đã được lấp đầy cho năm 2023 với một số hợp đồng kéo dài sang đến 2024. Với lịch trình khoan dày đặc, VNDirect giả định hiệu suất sử dụng giàn JU năm nay lên 95% (so với 85% năm 2022) và duy trì ở mức 92%, 90% vào năm 2024, 2025 thì hoạt động kinh doanh PVD sẽ có nhiều khởi sắc, nhất là khi giá thuê ngày tăng.
Dù vậy, cần phải lưu ý rằng hoạt động của các doanh nghiệp dầu khí Việt Nam nói chung và PV Drilling nói riêng vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố bất định, khó lường như giá dầu thế giới hay các biến động địa chính trị trên toàn cầu. Thực tế cho thấy các CTCK cũng đã từng không ít lần việt vị với các dự báo lợi nhuận của PV Drilling trong quá khứ.
Nhịp Sống Thị Trường