Dòng sự kiện
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Imexpharm bệ phóng tăng trưởng từ R&D: Chi đến 5% doanh thu mỗi kỳ

Bám sát chiến lược phát triển của ngành dược, Imexpharm đẩy mạnh đầu tư sản xuất thuốc tiên tiến, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận thuốc tốt nhất, an toàn nhất, giá rẻ nhất.

Imexpharm bệ phóng tăng trưởng từ R&D: Chi đến 5% doanh thu mỗi kỳ

Mũi nhọn đầu tư R&D

Công ty Cổ phần dược phẩm Imexpharm (IMP) công bố ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn dược phẩm Genuone Sciences Inc. Genuone và IMP sẽ hợp tác sản xuất và phân phối thuốc, bao gồm hoạt động chuyển giao công nghệ tiên tiến từ Genuone sang IMP. Theo đó, IMP có thể đẩy nhanh năng lực tự sản xuất biệt dược chất lượng cao, phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

"Công ty đã chi 5% doanh thu thuần cho hoạt động nghiên cứu và phát triển mỗi kỳ. Năm 2023, IMP có 91 dự án nghiên cứu và phát triển - R&D, trong đó có 15 dự án đã ra mắt thị trường, tạo ra lợi thế về những sản phẩm dược mới cho IMP", Thầy thuốc Nhân dân, dược sĩ, Tổng giám đốc IMP Trần Thị Đào cho biết.

Đầu tư tập trung cho R&D, lãnh đạo của IMP cho rằng, ngành công nghiệp dược Việt Nam theo con đường phát triển thuốc phát minh sẽ giúp giảm tình trạng cạnh tranh khốc liệt trong thị phần thuốc dạng generic cũng như gia tăng khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Imexpharm đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Hiện tại, nước ta cũng đang tập trung đẩy mạnh tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất, gia công ít nhất 100 thuốc biệt dược gốc, vắc xin, sinh phẩm và thuốc hiếm chưa sản xuất được.

Nhiều năm qua, IMP tiên phong đầu tư cho công nghệ và trở thành doanh nghiệp dược sở hữu nhiều nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP nhất Việt Nam (với 11 dây chuyền sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn EU-GMP). IMP cũng là công ty dược phẩm tiên phong tại Việt Nam ứng dụng giải pháp SAP-ERP đẳng cấp thế giới vào quản lý hệ thống.

Nền tảng này giúp IMP duy trì được vị thế top đầu trong thị trường thuốc kháng sinh cũng như liên tiếp đạt được kỷ lục về doanh thu ngay cả trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động. Trong đó, cụm nhà máy IMP1 tiếp tục đóng góp đáng kể, tạo ra 50% tổng doanh thu vào năm 2023. Cơ sở IMP3, chuyên sản xuất thuốc tiêm có giá trị cao, chiếm 32% tổng doanh thu. IMP4 đã đóng góp đáng kể 80 tỷ đồng vào tổng doanh thu của Công ty chỉ sau thời gian ngắn đi vào hoạt động và nhà máy IMP 5 đang được triển khai xây dựng tại khu công nghiệp Quảng Khánh, Đồng Tháp.

"Năm 2022-2023 là năm IMP đơm hoa kết trái đối với các nhà máy EU-GMP, là tiền đề cho năm 2024 và tầm nhìn cho những năm tới. Do vậy, chúng tôi quyết tâm để đạt được doanh số khai thác 100%. Năm 2024, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu gộp 24% và doanh thu thuần tăng 19% cùng với dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 12%", Tổng giám đốc IMP Trần Thị Đào cho biết.

Imexpharm bệ phóng tăng trưởng từ R&D: Chi đến 5% doanh thu mỗi kỳ- Ảnh 1.

Công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại nhà máy thuốc đạt chất lượng EU-GMP của Imexpharm.

Bệ phóng cho tăng trưởng

Cơ sở cho việc IMP đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ dành cho các sản phẩm dược nội chất lượng cao. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mức độ tăng trưởng ngành dược cao nhất trong khu vực với CAGR 2022-2027 dự báo 10,3%. Tại Việt Nam, kháng sinh (J01) vẫn là nhóm thuốc chiếm tỉ trọng cao nhất (12%) trong tổng giá trị thị trường ngành dược và dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng kép (CARG) giai đoạn 2022-2027 dự báo 9,2%. Bên cạnh đó, từ việc chịu tác động từ môi trường, nhóm thuốc hô hấp, tiêu hóa, tim mạch, tiểu đường sẽ là nhóm thuốc thiết yếu trong điều trị bởi tốc độ tăng trưởng CAGR 2022-2027 dự báo 11,6%-13,2%.

Imexpharm bệ phóng tăng trưởng từ R&D: Chi đến 5% doanh thu mỗi kỳ- Ảnh 2.

Ông Nguyễn An Duy – Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối tài chính Imexpharm công bố lợi nhuận và tăng trưởng của doanh nghiệp trong ĐHĐCĐ.

Từ năm 2023, việc mở rộng quan hệ đối tác nước ngoài, đưa công nghệ mới vào sản xuất giúp IMP thuận lợi trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Các sản phẩm của IMP đã đạt các tiêu chí SHE (An toàn, Sức khỏe, Môi trường) và MRO (Bảo trì, Sửa chữa, Vận hành) chuẩn quốc tế. Năm 2023 Imexpharm đã đăng ký thành công thêm 11 số đăng ký cho 6 sản phẩm tại Châu Âu, trong đó có những sản phẩm khó như Ampicillin/Sulbactam, nâng tổng số Giấy phép Lưu hành sản phẩm tại châu Âu lên 27.

 "Với khả năng sản xuất dược phẩm chất lượng cao tại Việt Nam, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng châu Âu, nhiều thị trường xuất khẩu lớn rộng mở, gồm các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Myanmar, và các nước trong khối ASEAN. Tiên phong đầu tư nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-ASEAN vào năm 1997, đồng thời sở hữu nhiều nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP nhất Việt Nam, IMP cũng nhìn thấy cơ hội lớn ở các thị trường xa hơn như châu Âu cho các sản phẩm của mình, đặc biệt là thuốc kháng sinh", bà Đào nói.

Ánh Dương


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết